Nhân vật lịch sử

Năm 938, sau khi đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã chọn Cổ Loa làm kinh đô, kết thúc 1000 năm Bắc thuộc. Ngô Quyền sinh 4 người con trai: Ngô Xương Ngập (Thiên Sách Vương), Ngô Xương Văn (Nam Tấn Vương), Ngô Nam Hưng, Ngô Càn Hưng (Thất truyền).

Ngô Xương Văn là con thứ của Ngô Quyền, nên sau khi Dương Tam Kha cuớp ngôi, anh trai là Xương Ngập bỏ chạy về Nam Sách, Ngô Xương Văn trở thành nhân vật bù nhìn dưới sự điều khiển của họ Dương. Năm 950, Xương Văn được Dương Tam Kha sai cùng hai tướng là Dương Cát Lợi và Đỗ Cảng Thạc đi đánh hai thôn Đường , Nguyễn ở Thái Bình. Lợi dụng thời cơ đó, Xương Văn thuyết phục hai tướng quay trở lại lật đổ Dương Tam Kha và giành lấy chính quyền về tay mình.

 Năm 951, sau khi truất bỏ bỏ Tam Kha, Ngô Xương Văn lên ngôi vua, xưng là Nam Tấn Vương, sai sứ đi đón anh là Xương Ngập về kinh sư, để cùng trông coi việc nước.

Bấy giờ Thiên Sách Vương Xương Ngập chuyên quyền, Nam Tấn Vương không được dự chính sự nữa. Hai vương do đó hiềm khích với nhau. Năm 954, Ngô Xương Ngập mất, Ngô Xương Văn sai sứ sang thỉnh mệnh vua Nam Hán là Lưu Xưởng. Xưởng phong làm Tỉnh Hải quân tiết độ sứ kiêm đô hộ.

Năm 965, Ngô Xương Văn đem quân đi đánh hai thôn Đường và Nguyễn ở Thái Bình. Xương Văn mới vào đến cõi, đỗ thuyền lên bộ, bị phục binh tay nỏ bắn trúng chết.

Bàn về nhân vật lịch sử này, sử thần thời Lê Ngô Sĩ Liên viết: “Nam Tấn Vương nhà Ngô lấy nghĩa trừ kẻ bạo tàn, khôi phục cơ nghiệp cũ, đủ thỏa được vong linh của tổ tông, hả lòng căm giận của thần và người. Về chính trị, đang có đổi mới. Thế mà vì lòng nhân, thương người kiểu đàn bà trẻ con mà không trị tội Tam Kha cướp ngôi; tham việc can qua, vì hành động đánh dẹp càn rỡ ở hai thôn Đường, Nguyễn, rốt cuộc lại tự giết mình. Đáng tiếc thay!

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA