Những tài liệu xưa nhất trong thư tịch cổ của Trung Quốc như Giao Châu ngoại vực ký, Quảng Châu ký... đều chép An Dương Vương là "con vua Thục" (Thục Vương tử), nhưng không cho biết rõ xuất xứ của vua Thục, vị trí của nước Thục và cả tên của An Dương Vương.
Bộ sử xưa nhất của ta là Đại Việt sử lược chỉ chép một câu về nguồn gốc của An Dương Vương: "Cuối đời Chu, Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi mà lên thay". Tác giả bộ sử này cho biết thêm một yếu tố mới: An Dương Vương tên là Phán, nhưng cũng không nói rõ người ở đâu.
Từ thế kỷ XV, với Đại Việt sử ký toàn thư và Lĩnh Nam chích quái thì An Dương Vương xuất hiện một cách rõ ràng trong sử sách. Đại Việt sử ký toàn thư mở ra một mục “Kỷ nhà Thục” và chép: "họ Thục, tên huý là Phán, người đất Ba Thục". Hầu hết các bộ sử thời Lê và Nguyễn đều chép như vậy. Từ đó, An Dương Vương Thục Phán được coi là con vua Thục, người Ba Thục và niên điểm thành lập nước Âu Lạc được xác định là năm Giáp Thìn, Chu Noãn Vương thứ 58 tức năm 257 TCN. Nhưng đến thế kỷ XIX, bắt đầu có sự hoài nghi hoặc phủ định nguồn gốc An Dương Vương là người “đất Ba Thục”
Theo sử sách Trung Quốc thì nước Thục ở vùng Tứ Xuyên là một trong những nước thời Xuân Thu - Chiến Quốc. Nước đó đã bị nước Tần tiêu diệt vào năm Chu Thận Vương thứ 5 (năm 316 TCN). Vua Thục cuối cùng là Thục Khai Minh bị quân Tần giết chết ở Vũ Dương và thái tử con vua Thục cũng bị chết ở Bạch Lộc Sơn. Thế mà nước Âu Lạc theo chính sử của ta, mãi đến năm 257 TCN mới thành lập. Vậy sau khi nước Thục bị diệt "con vua Thục" tồn tại ở đâu và làm sao vượt qua hàng ngàn dặm núi rừng, đi qua địa bàn của nhiều nước vùng Tây Nam di để từ đất Ba Thục tiến đánh nước Văn Lang của Hùng Vương? Mọi mối hoài nghi và phủ định trước hết xuất phát từ đó.
Nguyễn Văn Siêu (1795-1872) gần như phủ định thuyết chính thống, coi những ghi chép của sử cũ về An Dương Vương theo Quảng Châu ký là nhầm lẫn. Các tác giả bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục nêu lên nghi vấn: "Nước Thục, từ năm thứ 5 đời Thận Tĩnh vương nhà Chu (316 TCN) đã bị Tần diệt rồi, làm gì còn có vua nữa? Huống chi từ Thục đến Văn Lang, còn có đất Kiển Vi, đất Dạ Lang, đất Cùng, đất Tác và đất Nhiễm Mang, cách nhau hàng hai, ba ngàn dặm, có lẽ nào Thục vượt qua được các nước ấy, mà sang đánh lấy nước Văn Lang?". Các sử gia của Quốc sử quán triều Nguyễn dè dặt nêu lên một giả thuyết mới đáng lưu ý: "hoặc giả ngoài cõi tây bắc giáp với nước Văn Lang, còn có họ Thục khác mà sử cũ nhận là Thục Vương chăng?".
Dưới thời Pháp thuộc, xu hướng hoài nghi hoặc phủ định càng có chiều phát triển. Việt Nam sử lược dựa vào Khâm định Việt sử thông giám cương mục, cho rằng An Dương Vương Thục Phán "không phải là nhà Thục bên Tàu". Ngô Tất Tố phân tích sâu hơn các luận cứ, khẳng định "nước Nam không có ông An Dương Vương nhà Thục". Trong số những nhà Đông phương học phương Tây nghiên cứu về cổ sử Việt Nam, H.Maspéro cũng tỏ ý hoài nghi tính xác thực của An Dương Vương vì theo tác giả, sử cũ chỉ chép theo truyền thuyết mà thôi. Còn L.Aurousseau thì công nhận nhân vật An Dương Vương, nhưng cho rằng nước Âu Lạc của An Dương Vương chỉ tồn tại trong 3 năm từ 210 đến 208 TCN.
Từ sau Cách mạng tháng Tám, nhất là từ những năm 60 trở lại đây, công việc nghiên cứu về thời An Dương Vương được coi như một giai đoạn của thời đại dựng nước đầu tiên, càng ngày càng được nhiều người quan tâm và thu được một số thành tựu mới. Riêng về nguồn gốc của An Dương Vương và sự thành lập nước Âu Lạc, cũng có những tìm tòi, phát hiện mới về tư liệu và trên cơ sở đó, những giả thuyết mới được đặt ra.
Vào những năm 50, thuyết cổ truyền về nguồn gốc Ba Thục của An Dương Vương vẫn được nhiều nhà sử học bảo vệ, nhưng với những cách giải thích mới.
Có người cho, sau khi nước Thục bị quân Tần diệt, con cháu vua Thục từ đất Ba Thục tiến xuống phía nam ẩn náu, rồi dần dà vào đất Việt, lập nên nước Âu Lạc với triều Thục An Dương Vương, tồn tại khoảng 5 năm từ năm 210 đến năm 206 TCN.
Có người quan niệm, Thục Phán có thể là con hay cháu xa của vua Thục ở Ba Thục, sau khi đất nước bị diệt, đã cùng với tộc thuộc, chạy xuống vùng Điền Trì, rồi theo sông Hồng vào đất Lạc Việt, chiếm vùng Tây Vu ở phía tây bắc trung du Bắc Bộ ngày nay. Sau khi lãnh đạo người Lạc Việt và Tây Âu kháng chiến chống quân Tần thắng lợi, Thục Phán chiếm nước Văn Lang của Hùng Vương lập ra nước Âu Lạc vào khoảng năm 208 TCN.
Cũng có người, căn cứ vào tình hình phân bố cư dân vùng Tây Nam Di, phỏng đoán rằng, Thục Vương trong các thư tịch cổ không phải vua nước Thục ở Ba Thục, mà là tù trưởng của bộ lạc Khương di cư từ đất Thục xuống phía nam và tự xưng là Thục Vương. Bộ lạc Thục đó đi xuống vùng Quảng Tây và đồng bằng Bắc Bộ cộng cư và đồng hoá với người Tây Âu ở vùng này. Nước Âu Lạc bao gồm hai thành phần cư dân: Lạc Việt và Tây Âu.
Năm 1963, một tư liệu mới về An Dương Vương Thục Phán được công bố. Đó là truyền thuyết "Cẩu chủa cheng vùa" (chín chúa tranh vua) của dân tộc Tày ở Cao Bằng. Theo truyền thuyết này thì Thục Phán là con của Thục Chế "vua" của "nước Nam Cương” ở vùng Cao Bằng, Quảng Tây hiện nay mà trung tâm là Hoà An (Cao Bằng). Nam Cương gồm 9 xứ Mường. Vào cuối đời Hùng Vương, Thục Chế mất, con là Thục Phán hãy còn ít tuổi. Chín chúa Mường kéo quân về bắt Thục Phán chia nhỏ đất ra cho các chúa cai quản và đòi nhường ngôi "vua". Thục Phán tuy ít tuổi, nhưng rất thông minh đã bày ra những cuộc đua sức, đua tài và giao hẹn ai thắng cuộc sẽ được nhường ngôi. Thục Phán dùng mưu kế làm cho các chúa mất nhiều công sức, mà không ai thắng cuộc. Cuối cùng, các chúa phải qui phục Thục Phán. Sau đó, "nước" Nam Cương trở nên cường thịnh. Thục Phán, nhân lúc nước Văn Lang suy yếu, đã đánh chiếm lập ra nước Âu Lạc, tự xưng là An Dương Vương, đóng đô ở Cổ Loa.
Trên cơ sở truyền thuyết "Cẩu chủa cheng vùa", xuất hiện một giả thuyết mới, cho rằng Thục Phán là tù trưởng một liên minh bộ lạc người Tây Âu hay người Tày cổ ở vùng núi rừng phía bắc Bắc Bộ và nam Quảng Tây.
Cuối những năm 60 lại xuất hiện thêm hai giả thuyết mới về nguồn gốc của Thục Phán.
Theo Hùng Vương ngọc phả cùng nhiều thần tích, ngọc phả thánh Tản Viên và các tướng của Tản Viên thì Thục Phán là "phụ đạo xứ Ai Lao", là "bộ chúa Ai Lao". Dựa vào những cứ liệu đó kết hợp với những ghi chép của thư tịch cổ Trung Quốc về vùng Tây Nam Di, có người nêu giả thuyết: Thục Phán không phải là vua nước Thục ở Tứ Xuyên, mà là vua nước Tây Thục của người "Ai Lao di" ở vùng Vân Nam, tiếp giáp nước Văn Lang ở phía tây bắc. Cuối đời Hùng Vương, Thục Phán đã xâm lược nước Văn Lang.
Có người phân tích lại các thư tịch cổ Trung Quốc, chứng minh rằng, người Lạc Việt phân bố trên địa bàn rộng lớn từ lưu vực sông Hồng đến lưu vực Tây Giang. Thục Phán là người đứng đầu một nhóm Lạc Việt nào đó và Âu Lạc hay Tây Âu hay Tây Âu Lạc cũng là một nước của người Lạc Việt do An Dương Vương thành lập. Với giả thuyết này, tác giả cho việc An Dương Vương chiếm nước Văn Lang lập nước Âu Lạc chỉ là cuộc đấu tranh nội bộ của người Lạc Việt.
Tất cả những giả thuyết trên đây chứng tỏ rằng, nguồn gốc của Thục Phán và sự ra đời của nước Âu Lạc còn nhiều khía cạnh bí ẩn cần tiếp tục khám phá, tìm tòi. Nhưng xu hướng chung của các nhà nghiên cứu trong thời gian gần đây, đều bác bỏ thuyết cổ truyền về gốc tích Ba Thục của Thục Phán. Thuyết này không những chứa đựng những điều phi lý, khó giải thích về khoảng cách không gian và thời gian giữa nước Thục ở Tứ Xuyên với nước Âu Lạc ở bắc Việt Nam như Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã nêu lên, mà còn trái ngược với nhiều nguồn tư liệu trong nước.
Theo thuyết này, thì Thục Phán là người nước ngoài, là kẻ xâm lược nước Văn Lang. Nhưng trong ký ức và tình cảm lâu đời của nhân dân ta được phản ánh trong các thần tích, ngọc phả, trong các nghi thức thờ cúng, diễn xướng dân gian... thì An Dương Vương Thục Phán hoàn toàn không phải là kẻ thù, mà là một người có công dựng nước và giữ nước, một anh hùng được tôn kính, nếu mồng 10 tháng 3 (âm lịch) là ngày giỗ tổ Hùng Vương thì ngày mồng 6 tháng 1 (âm lịch) cũng là ngày hội lớn ở đền vua Thục tại Cổ Loa:
Chết thì bỏ con bỏ cháu,
Sống không bỏ mồng sáu tháng Giêng.
Trong nhiều thần tích về Hùng Vương, An Dương Vương và những nhân vật thời đó, cũng như truyền thuyết dân gian, Thục Phán là một "bộ chúa", một "phụ đạo" thuộc "dòng dõi vua Hùng". Cuộc xung đột giữa Hùng và Thục không dẫn đến chỗ thôn tính, tiêu diệt nhau, mà lại kết thúc bằng sự nhường ngôi của Hùng Vương và bằng sự hợp nhất cư dân, đất đai để thành lập nước Âu Lạc. Do đó, một phương hướng chung được xác lập trong các giả thuyết gần đây là coi Thục Phán như người cầm đầu một bộ lạc, một liên minh bộ lạc, một "nước" nào đó gần nước Văn Lang và có quan hệ mật thiết với cư dân Văn Lang.
Tổng hợp những kết quả nghiên cứu cho đến nay, có thể tạm xác lập một giả thuyết như sau:
Cư dân nước Văn Lang đời Hùng Vương chủ yếu là người Lạc Việt và bao gồm cả một bộ phận người Tây Âu (hay còn gọi là Âu Việt) ở miền núi rừng và trung du phía bắc, hai thành phần đó sống xen kẽ với nhau trong nhiều vùng. Phía bắc nước Văn Lang là địa bàn cư trú của người Tây Âu, cũng có những nhóm Lạc Việt sống xen kẽ. Nhiều nguồn thư tịch cổ của Trung Quốc chứng tỏ người Lạc Việt có mặt cả ở lưu vực Tây Giang, trong vùng Quảng Đông, Quảng Tây, đảo Hải Nam và một phần Vân Nam, Quý Châu.
Lạc Việt và Tây Âu là hai nhóm phía nam của Bách Việt, sống gần gụi nhau và có vùng xen kẽ nhau, trên lưu vực sông Hồng và Tây Giang. Vừa là đồng chủng, vừa là láng giềng, từ lâu người Lạc Việt và người Tây Âu đã có nhiều quan hệ mật thiết về kinh tế, văn hoá. Có lẽ do tình trạng sống xen kẽ và do những quan hệ gần gụi về các mặt như vậy, mà trong thư tịch cổ Trung Quốc có khi phân biệt Tây Âu với Lạc Việt, có khi coi Tây Âu và Lạc Việt là một. Quách Phác (đời Tấn) chú giải sách Phương ngôn của Dương Hùng nói rằng: "Tây Âu là biệt chủng của Lạc Việt". Nhan Sư Cổ (đời Đường) khi chú giải Hán thư, cũng giải thích: "Tây Âu tức là Lạc Việt, nói Tây [Âu] là để phân biệt với Đông Âu".
Thục Phán là thủ lĩnh của một liên minh bộ lạc người Tây Âu ở phía bắc nước Văn Lang, theo truyền thuyết của đồng bào Tày thì liên minh bộ lạc đó là "nước Nam Cương” gồm 10 xứ mường (9 mường của 9 chúa và 1 mường trung tâm của Thục Phán) tức 10 bộ lạc họp thành, với địa bàn cư trú gồm vùng nam Quảng Tây, Cao Bằng và có thể rộng hơn, cả vùng núi rừng phía bắc Bắc Bộ, mà trung tâm là Cao Bằng. Nhân dân Cổ Loa (Hà Nội) cũng tương truyền rằng, An Dương Vương Thục Phán vốn là "một tù trưởng miền núi", là người quê quán gốc tích ở miền núi rừng phía bắc.
Giữa người Lạc Việt và Tây Âu, cũng như giữa Hùng và Thục, đã có nhiều quan hệ gắn bó lâu đời. Huyền thoại Lạc Long Quân-Âu Cơ đã chứa đựng mối quan hệ giữa hai yếu tố Lạc và Âu trong cội nguồn xa xưa của các thành phần dân tộc ở Việt Nam. Nhiều thần tích và truyền thuyết về Hùng Vương và An Dương Vương coi Thục Phán là thuộc "dòng dõi", "tông phái", hoặc là "cháu ngoại" của vua Hùng. Những thần tích chép Thục Phán là "bộ chúa Ai Lao" hay "phụ đạo Ai Lao" thì cũng coi là người đứng đầu một "bộ" như 15 bộ của nước Văn Lang, cũng thuộc "dòng dõi vua Hùng" (Hùng Vương ngọc phả), chứ không phải là một nước ngoài xa lạ.
Nhưng mặt khác, vào cuối đời Hùng Vương, giữa Hùng và Thục xẩy ra một cuộc xung đột kéo dài. Nhiều làng vùng trung châu lưu vực sông Hồng thờ thánh Tản Viên và những bộ tướng của vua Hùng đã từng theo thánh Tản Viên "đánh giặc Thục". Đó là những cuộc xung đột không tránh khỏi trong quá trình tập hợp các bộ lạc và liên minh bộ lạc gần gụi nhau để lập thành Nhà nước và mở rộng phạm vi kiểm soát của Nhà nước đó.
Cuộc xung đột đang tiếp diễn thì nước Văn Lang cũng như người Lạc Việt và Tây Âu, cùng toàn bộ các nhóm người Việt trong khối Bách Việt đứng trước một mối đe doạ cực kỳ nguy hiểm. Đấy là nạn xâm lược đại qui mô của đế chế Tần. Chính hoàn cảnh lịch sử ấy, cắt nghĩa tại sao cuộc xung đột Hùng - Thục lại kết thúc bằng sự nhường ngôi của Hùng Vương cho Thục Phán và sự thành lập nước Âu Lạc như một bước phát triển kế tục của nước Văn Lang, một sự hợp nhất ở mức độ cao hơn, phạm vi rộng hơn, của người Lạc Việt và người Tây Âu.
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA