Nhân dịp giỗ vua An Dương Vương (mùng 7 tháng Ba âm lịch) đã được chép tại cuốn “Ngọc phả cổ lục”, Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa xin trân trọng gửi đến quý vị bài viết “An Dương Vương và nhà nước Âu Lạc” để tìm hiểu công lao, sự nghiệp của vị vua có công dựng nước vào thế kỷ III TCN, được các triều đại phong kiến sắc phong và nhân dân tôn thờ tại đền Thượng, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Theo các thư tịch lịch sử cổ Trung Quốc và Việt Nam ghi chép như: Giao Châu ngoại vực ký, Đại Việt Sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi lại rằng: Vào thời Hùng Vương, nước Văn Lang gồm 15 bộ lạc, đóng đô ở Phong Châu (vùng Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ ngày nay). Thục Phán (tức vua An Dương Vương) vốn là một thủ lĩnh của người Tây Âu, đã liên minh hai bộ tộc Tây Âu và Lạc Việt, tổ chức cuộc kháng chiến chống quân Tần, được các thủ lĩnh người Việt cổ suy tôn làm người chỉ huy cao nhất. Năm 208 TCN, sau cuộc kháng chiến chống quân Tần thắng lợi, Thục Phán được vua Hùng Duệ Vương đời thứ 18 nhường ngôi. Ông lên ngôi, xưng vương, hợp nhất hai bộ tộc Tây Âu và Lạc Việt, đổi tên nước là Âu Lạc, tiếp nối sự nghiệp của vua Hùng. An Dương Vương đã quyết định dời vị trí trung tâm của đất nước từ vùng đất cũ của Hùng Vương xuống Cổ Loa là vùng đất cao của đồng bằng châu thổ sông Hồng, rộng lớn, trù phú và đông đúc dân cư, giao thông thủy bộ đều thuận lợi, lại có địa hình được bao bọc bởi những dòng chảy lớn thông nước với sông Hồng và sông Cầu. Đó là sông Hoàng Giang mà ngày nay dấu vết của nó còn rõ nét với những đoạn gọi là sông Thiếp hay sông Ngũ Huyện Khê (sông chảy qua 5 huyện: Yên Lãng, Kim Anh, Đông Ngàn, Yên phong, Tiên Du). Theo đường thủy, có thể ngược lên phía Bắc hay Tây Bắc, cũng có thể xuôi xuống vùng Đông Bắc hay Đông Nam, tỏa xuống các vùng ven biển, phù hợp cho việc lập kinh đô, xây thành, đắp lũy, chống giặc.
Góc Tây Nam thành Nội - vị trí đền Thượng (Cổ Loa) ngày nay
Nguồn: Hans-Peter Grumpe, năm 1991
An Dương Vương chỉ huy quân và dân Âu Lạc, trong một thời gian ngắn đã xây dựng xong một tòa thành đồ sộ và độc đáo. An Dương Vương đã tận dụng triệt để những yếu tố tự nhiên về địa hình, địa vật để tạo ra một tòa thành cao hào sâu, có đủ các yếu tố thuận lợi cho phòng thủ và tấn công: Thủy bộ liên hoàn, trong ngoài kết hợp, ta thì tiến thoái đều nhanh, địch thì khó bề xâm phạm. Với sự đoàn kết quân dân, lại có thứ vũ khí bắn tên huyền thoại - “Nỏ thần”, An Dương Vương đã nhiều lần đánh bại quân Triệu Đà xâm lược. Năm 206 TCN, nhà Tần mất, Triệu Đà ở quận Nam Hải, đã đánh chiếm quận Tượng và Quế Lâm, thành lập nước Nam Việt, đóng đô ở Phiên Ngung, luôn muốn mở rộng đất đai xuống phương Nam, cai trị Âu Lạc.
Mặc dù sự tồn tại của nhà nước Âu Lạc không dài trong lịch sử dân tộc, nhưng dấu ấn của nó rất đậm nét và giai đoạn lịch sử này, được nhân dân ở đây truyền tụng như những huyền thoại hào hùng và bi tráng. Sự tồn tại của thành Cổ Loa hơn hai ngàn năm đến nay là minh chứng hùng hồn về giai đoạn lịch sử ấy, chứng tỏ một tài năng quân sự lỗi lạc của An Dương Vương, sức lao động bền bỉ và tinh thần quật cường bất khuất của nhân dân ta thời sơ sử.
Truyền thuyết về An Dương Vương xây thành Cổ Loa được người Việt Nam nhắc đến nhiều nhất, bởi nó gắn với lịch sử thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên, văn hóa người Việt cổ và gợi nhớ đến cội nguồn dân tộc. Lễ hội Cổ Loa gắn với vị thần chủ quan trọng, là vị vua lập nước Âu Lạc và xây dựng “kinh thành” Cổ Loa/ ngôi thành có lịch sử lâu đời đã được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt. Cả một thiên huyền thoại về An Dương Vương xây dựng kinh đô, dựng nước, chống giặc, sống mãi trong lòng nhân dân và được truyền tụng qua nhiều đời với sự biết ơn và ngưỡng mộ. Chính vì vậy, trong những làng, xã vùng thành Cổ Loa, đều có đền, đình, am, miếu thờ phụng nhà Vua và những người có công với dân với nước. Có thể kể đến đầu tiên là ở các địa phương thuộc “Bát xã Loa thành”: Cổ Loa, Văn Thượng, Mạch Tràng, Sằn Giã, Ngoại Sát, Đài Bi, Cầu Cả và Thư Cưu trong đó, đền chính thờ An Dương Vương ở Cổ Loa được coi là “Tiên Từ Đệ nhất”.
Lễ hội Cổ Loa (ảnh chụp những năm 40 của thế kỷ XX)
Nguồn: EFEO
Tượng vua An Dương Vương (niên đại 1897, ảnh chụp giai đoạn 1920 - 1930)
Nguồn: EFEO
Gắn với hình ảnh Đức vua An Dương Vương, ngoài lễ hội Cổ Loa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục văn hóa phi vật thể Quốc gia thì ở Cổ Loa còn lưu giữ các hiện vật và nhóm hiện vật đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia như: Sưu tập khuôn đúc Cổ Loa (niên đại văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay 2.300 năm), là minh chứng có thật cho Nỏ thần Liên châu trong truyền thuyết; Tượng vua An Dương Vương (niên đại 1897) hiện đang được thờ trong Hậu cung đền Thượng, là hiện thân của vị thần chủ, mang đậm giá trị văn hóa, tâm linh và tôn giáo, tín ngưỡng; Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (niên đại 1732) - hình ảnh biểu trưng cho vương quyền của nhà vua.
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA