Làng Văn Thượng, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội là một làng thuộc "Bát xã hộ nhi" thờ Đức vua An Dương Vương. Sau lễ hội Cổ Loa mùng 6 tháng Giêng, tới ngày mùng 8 tháng Giêng, nhân dân làng Văn Thượng lại cùng nhau tổ chức lễ hội truyền thống của làng nhằm tưởng nhớ, tôn vinh Đức vua An Dương Vương, người đã có công thống nhất hai bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt lập nên nhà nước Âu Lạc.
Để chuẩn bị tham gia lễ hội Bát xã hộ nhi (lễ hội Cổ Loa) ngày mùng 6 tháng Giêng và tổ chức ngày hội của làng ngày mồng 8 tháng Giêng, các công việc được bắt đầu từ cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch. Việc đầu tiên là bầu “Thủ hiệu” tức là người đánh trống, chiêng. Trong làng phải cử người song toàn, có đạo đức theo quy chuẩn của làng đề ra. Thủ hiệu đầu đội khăn xếp hình chữ nhân, chân đi giầy Ký long.
Bên cạnh đó, chuẩn bị cho lễ hội Bát xã Loa Thành, làng Văn Thượng cũng thành lập một số đội như: Đội quân chầu (người phục vụ), đội múa cờ, đội rước đồ đồng bát bửu, đội bát âm, đội rước cờ, Ban bài sáp - Ban chỉ đạo đoàn rước. Đồng thời, làng cũng đã tuyển chọn ra một số nam thanh niên là những người khỏe mạnh, không dị tật để khiêng kiệu (gọi là các quân chầu) và tuyển chọn thêm một số nam, nữ thanh niên để cầm cờ trong đám rước. Ngoài ra, làng cũng lựa chọn ra 1 người đọc chúc, là người có tướng mạo, chất giọng, gia đình hòa hiếu, không có bụi.
Giống như các thôn, làng tham gia lễ rước tại lễ hội Bát xã Loa Thành, làng Văn Thượng chuẩn bị 2 kiệu:
+ Kiệu bát cống: rước lễ cúng Vua
+ Kiệu văn (Chiều mồng 5 tháng Giêng, các cụ trong làng đã đem kiệu văn ra Miếu thờ công chúa Mị Châu đón công chúa về đình).
Một trong những nội dung quan trọng trong công tác chuẩn bị lễ hội của làng là thành lập Ban tế, đội tế lễ. Đội tế nam gồm các cụ ông trong làng, được lựa chọn từ trong năm, gồm các cụ trên 50 tuổi, gia đình phải không có bụi và vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Đội hình tế gồm 24 cụ, trong đó có chủ tế, quan viên tế, quan giúp việc. Còn đội tế nữ cũng gồm các cụ bà từ 45 tuổi trở lên, gia đình vợ chồng hiếu hòa, trọn vẹn. Đội hình tế nữ gồm 10 người, trong đó có 1 chủ tế (mặc áo màu đỏ) và 9 quan viên tế (mặc áo màu vàng).
Công việc chuẩn bị cho ngày hội làng do chính quyền thôn, và các đoàn thể (Hội người cao tuổi, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh..) đứng ra tổ chức. Trong đó, Hội người cao tuổi giữ trọng trách phần thực hành nghi thức lễ tế, còn Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ giữ vai trò ghi công đức.
Đồ lễ trong lễ hội gồm: hương hoa quả phẩm, oản, bỏng, rượu, lễ tiền vàng, hương.
Từ chiều mồng 5 tháng Giêng, các cụ trong làng đã đem kiệu văn ra Miếu thờ công chúa Mị Châu đón công chúa về đình. Sáng sớm ngày mồng 6 tháng Giêng, kiệu của làng Văn Thượng đã được rước đến sân đền Thượng (đền thờ Đức vua An Dương Vương) nơi tổ chức lễ hội Bát xã Loa Thành. Trong lễ rước, kiệu làng Văn Thượng vinh dự được rước ở vị trí thứ hai sau Cổ Loa. Tiếp đó là đến kiệu của Mạch Tràng, Sằn Giã, Ngoại Sát, Đài Bi, Cầu Cả, Thư Cưu. Tại buổi tế lễ của Bát xã Loa Thành, Văn Thượng được vinh dự làm nhiệm vụ “Độc chúc”.
Sau khi tham gia lễ rước tại lễ hội Cổ Loa, chính quyền và nhân dân làng Văn Thượng trở về để tổ chức lễ hội tại làng mình vào ngày 8 tháng Giêng.
Sáng ngày 8 tháng Giêng, trong không khí linh thiêng và trang trọng, tại đình Văn Thượng, ông Trưởng thôn Văn Thượng đọc diễn văn khai mạc lễ hội, giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển làng Văn Thượng, xã Xuân Canh cũng như nêu bật sự tham gia, đóng góp của Văn Thượng đối với lễ hội "Bát xã hộ nhi".
Từ xưa, đình là nơi tổ chức lễ hội của làng Văn Thượng. Theo các cụ cao niên trong làng, không rõ đình Văn Thượng được xây dựng từ khi nào, chỉ biết đình có từ rất lâu. Năm 1949, do chiến tranh nên đình đã bị tàn phá, tất cả các đồ thờ tự trong đình bị cháy hết.
Đình Văn Thượng - nơi tổ chức lễ hội truyền thống
Năm 1990, chính quyền thôn Văn Thượng đã xây dựng nhà văn hóa thôn trên nền đình làng cũ. Đến năm 1992, đình làng được xây dựng lại, cách vị trí cũ 200m. Năm 2007, Đình Văn Thượng được xây dựng lại, to hơn, khang trang hơn. Kinh phí từ nguồn tái định cư xây dựng đường quốc lộ 5.
Đình làng Văn Thượng có cấu trúc hình chữ Đinh, tòa đại đình gồm 5 gian 2 dĩ và hậu cung. Các hiện vật trước đây của đình đã bị cháy toàn bộ. Hiện vật có là đồ mới được làm năm 2007, gồm có: Ngai thờ, mâm bồng, nhang án, hoành phi, câu đối, trường đao, ngựa thờ, cửa võng, kiệu bát cống, kiệu văn, bia đá... Ngoài ra trong đình còn có 02 sắc phong:
- Sắc phong thứ hai ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định 9 (1924) sắc ban cho thôn Văn Thượng, xã Lực Canh, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên đã phụng thờ Thục An Dương Vương. Thần đã giúp cứu dân, tỏ rõ công đức. Từng được ban cấp sắc chỉ, cho phép phụng thờ như cũ.
- Sắc phong thứ nhất ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định 9 (1924), nội dung của sắc phong là sắc ban cho thôn Văn Thượng, xã Lực Canh, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên được phụng thờ Vương Nữ Mị Châu Công Chúa Tôn Thần và xứng đáng được phong là Trai Tinh, Dực Bảo Trung Hưng, Trung Đẳng Thần.
Nghi thức tế lễ diễn ra tại lễ hội làng Văn Thượng cũng gần như tại lễ hội Bát xã Loa Thành, chia làm ba giai đoạn: Sơ hiến, Á hiến và Trung hiến gọi là Tam hiến (hiến ở đây là hiến rượu).
Buổi tế bắt đầu bằng lời xướng: “Khởi chinh cổ”, lập tức trống và chiêng nổi lên một hồi dài, cứ một tiếng trống lại một tiếng chiêng, mỗi lúc một dồn dập hơn, sau đó đến các nhạc công khởi nhạc. Kết thúc nhạc, các quan viên làm nhiệm vụ kiểm soát lễ phẩm trước khi tế lễ lên vua. Hai người dẫn lễ đi đầu, tiếp đó là hai nội tán cầm đèn nến vào trong kiểm tra lễ phẩm. Sau khi kiểm tra lễ phẩm xong, đoàn đi ra ngoài đến lượt chủ tế cùng các quan viên của mình làm nhiệm vụ theo lời của Đông xướng, Tây xướng và hiệu lệnh của trống chiêng. Lúc này, chủ tế và các quan viên vẫn đứng nghiêm chỉnh thành hai hàng trong sân tế. Chủ tế là người thực hiện trọng trách tế thần nên trước khi vào tế phải thực hiện nghi lễ “Quán tẩy” tức là rửa tay vào một chậu nước gừng đặt ở bên cạnh sân. Đông xướng hô: Chủ tế quan tựu vị, bồi tế viên tựu vị thì lần lượt chủ tế và các bồi bái, bối tế vào vị trí trong chiếu. Tế có mục đích đón rước và thỉnh mời thần về dự hội và hưởng lễ vật, đồng thời là dịp dân làng chúc tụng thần, bày tỏ lòng biết ơn đối với thần và cầu mong thần bảo hộ cho dân làng.
Nghi lễ đầu tiên của buổi lễ là nghi lễ dâng hương. Nghi lễ này được thực hiện qua các bước: phủng hương, phần hương và thượng hương. Bồi tế thắp hương, đưa cho chủ tế làm lễ thánh, sau đó chủ tế lại đưa trả lại hương cho bồi tế rồi hai người này mang hương vào trong hậu cung dâng lên thánh. Ở bên ngoài, Đông xướng hô: “Nghênh thánh đế cúc cung bái” thì chủ tế và các bồi bái phủ phục 4 lần theo hiệu lệnh trống, chiêng, mỗi lần Đông xướng hô “bái” thì tất cả cùng bái và Tây xướng hô “hơn” thì tất cả cùng đứng dậy. Thực hiện xong nghi lễ dâng hương, tất cả lại về vị trí cũ.
Nghi lễ dâng hương
Nghi lễ thứ hai của buổi tế lễ là nghi lễ dâng rượu. Đây là nghi lễ chính và kéo dài nhất trong buổi tế. “Hành sơ hiến lễ” là lễ dâng rượu lần thứ nhất. Nghe lời xướng “nghệ tửu tôn sở” thì hai bồi tế khác đi đến chỗ bàn để nhận rượu và chén rồi lật khăn phủ rượu lên. Hai bồi tế cùng chủ tế đi lên chiếu thứ nhất, trước hương án, nghe Đông xướng hô “nghênh thánh đế vị tiền”. Lên đến hương án thì hai người dẫn lễ và hai nội tán đứng hai bên hương án còn chủ tế và bồi tế quỳ trước ban thờ. Hai bồi tế rót rượu ra chén, sau đó, chủ tế làm lễ tiến tước, tức là dâng rượu lên ngang mày rồi trả lại bồi tế. Đông xướng hô “tiến tước” thì hai bồi tế cầm rượu và chén vào hậu cung, người thủ từ ở đó đón rượu và đặt lên ban thờ. Hai người dẫn lễ và hai nội tán cầm nến đi trước, hai bồi tế cầm rượu và chén đi sau theo hai cửa đông cà tây. Ở bên ngoài, chủ tế và bồi bái phủ phục và bái ba lần, theo hiệu lệnh trống, chiêng và lời xướng “bái”, “hơn” của Đông xướng và Tây xướng. Trong lúc dâng rượu, bốn thanh niên cầm cờ đuôi nheo đứng ở cuối hai hàng quan viên múa phất cờ, đồng thời dàn đồng văn cũng nổi nhạc lên giúp mua vui trong lúc thánh đế hưởng rượu.
Nghi lễ dâng rượu
Nghi lễ quan trọng của buổi tế lễ là đọc chúc. Tất cả quan viên và nhân dân đứng nghiêm trang, im lặng để lắng nghe chúc văn. Đông xướng hô: “Chủ tế quan, đọc chúc viên tựu vị” thì hai người dẫn lễ, hai nội tán đi trước, sau đó là một bồi tế bưng bản chúc đi bên phải, đọc chúc viên đi bên trái và chủ tế đi giữa lên trước hương án làm lễ đọc chúc. Lên đến trước hương án, chủ tế cùng bồi tế và đọc chúc viên quỳ xuống, khi Đông xướng hô “giai quỵ” thì tất cả bồi bái, bồi tế và nhân dân quỳ xuống để nghe đọc chúc. Bồi tế chuyển bản văn chúc cho chủ tế rồi chủ tế vái ba vái trước anh linh thánh đế và chuyển cho đọc chúc viên đọc. Sau khi chúc văn được đọc xong, bản chúc được đặt nghiêm chỉnh lên ban thờ và tất cả quan viên phủ phục ba lần rồi đứng dậy theo lời hô “bái”, “hưng” của Đông xướng và Tây xướng.
Nghi lễ đọc chúc
Tuần rượu thứ hai và thứ ba được dâng ngay sau đó và các nghi lễ cũng giống y như lần đầu. Riêng tuần rượu thứ hai thì chủ tế và các bồi tế, bồi bái chỉ phủ phục một lần.
Nghi lễ cuối cùng của buổi tế là nghi lễ hóa chúc. Chủ tế lên trước hương án, quỳ lạy ba lần để xin thần hóa chúc. Bản chúc được hóa ngay trước bồi tế, bồi bái và nội tán, Đông xướng, Tây xướng xuống sân để làm lễ tạ ơn thánh. Cả đoàn xếp nghiêm chỉnh dưới sân, trước ban thờ và hương án lớn rồi làm lễ chín lần quỳ, lạy tuân theo hiệu lệnh trống, chiêng và hai tiếng trống thì quỳ lạy, một tiếng trống thì đứng dậy. Cuối cùng là ba vái.
Cùng với nghi thức lễ - tế trang trọng, uy nghiêm, tại nhà văn hóa thôn và sân vận động tổ chức lễ hội đã diễn ra các hoạt động trò chơi dân gian phong phú và sôi nổi thu hút đông đảo người dân tại thôn Văn Thượng cũng như nhân dân các xã lân cận tham gia. Thời gian diễn ra các trò chơi từ ngày 07 đến ngày 08 tháng Giêng. Các trò chơi dân gian tại lễ hội gồm: kéo co, thi nấu cơm, chọi gà... Ngoài ra trong lễ hội ngày nay còn có thêm các môn thi đấu như: bóng chuyền hơi, đá bóng...Trong đó trò chơi kéo co, nhảy bao bố và thi nấu cơm là những trò chơi nổi bật, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Giải thưởng cho các trò chơi có giá trị không lớn chủ yếu là để động viên tinh thần. Qua các trò chơi, điều lớn nhất mỗi người đạt được đó là sự gần gũi, niềm vui, nụ cười, giúp mọi người xích gần lại với nhau mà không phân biệt tầng lớp giàu nghèo, sang hèn.
Tối mồng 7 tháng Giêng, tại nhà văn hoá thôn cũng diễn ra những tiết mục văn nghệ, những làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm góp phần tô điểm, làm phong phú thêm cho lễ hội của làng.
Cùng với các thôn, làng của Bát xã Loa Thành, các trò chơi dân gian tại lễ hội làng Văn Thượng là hoạt động tinh thần hết sức phong phú, đa dạng đối với người dân nơi đây. Đâu đâu cũng thấy những điểm trò chơi, thi đấu của những thanh niên trai tráng hay những giai điệu quan họ mượt mà của các liền chị liền anh trong những ngày lễ hội. Ta như được hòa mình vào cuộc sống của người lao động bình dị, không có một khoảng cách nào cả, chỉ là sự giao lưu, gần gũi.. Tại các thảm cỏ xanh thi đấu, hay sân khấu của nhà văn hóa luôn đầy ắp tiếng cười, tiếng hò reo cổ vũ… Lễ hội làng Văn Thượng và lễ hội Bát xã Loa Thành thực sự đã gắn kết mọi người lại với nhau hơn qua nghi thức tế lễ uy nghiêm, trang trọng và những trò chơi dân gian bình dị.
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA