Di vật tiêu biểu - Trống đồng Cổ Loa
 

Trống đồng Cổ Loa được phát hiện năm 1982 tại khu Mả Tre, thuộc xóm Chợ, nằm về phía Tây Nam Cửa Nam Thành Cổ Loa, lọt giữa 02 vòng Thành Trung và Thành Nội. Trống được chôn ngửa, bên trong chứa gần 200 hiện vật bằng đồng gồm: một phần mặt trống nhỏ, lưỡi cày, xẻng, cuốc, rìu, giáo, dao găm, mũi tên, thố, mảnh thạp, tiền, mảnh vụn đồng… có niên đại cách ngày nay trên 2.000 năm.

 

Trống đồng Cổ Loa cùng nhóm trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà là những trống có hình dáng, hoa văn đẹp nhất và cổ nhất ở Việt Nam. 

Hoa văn trang trí giữa mặt trống là hình ngôi sao nổi 14 cánh, họa tiết lông công xen giữa các cánh. Vành hoa văn số 6 (tính từ trong ra ngoài) chia thành hai nửa giống nhau, mỗi nửa đều có khắc họa hình người hóa trang, hình một ngôi nhà có mái cong, có chim đậu trên nóc, có một cặp nam nữ ngồi đối diện nhau bên trong, ở một đầu nhà có hình trống đồng đặt nghiêng, đầu kia có người ngồi co gối, mô tả lễ hội cầu mùa của cư dân nông nghiệp.

Trống đồng và bộ sưu tập lưỡi cày đồng được phát hiện năm 1982 ở Cổ Loa có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử dân tộc thời dựng nước. Ngày 25/12/2015 những hiện vật này đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2381/QĐ-TTg công nhận là bảo vật quốc gia.

Hình ảnh