BẢO VẬT QUỐC GIA - CẶP RỒNG ĐÁ THÀNH BẬC ĐỀN THƯỢNG (CỔ LOA), THỜI LÊ TRUNG HƯNG (Kỳ 3: Hiện vật có giá trị tiêu biểu)
Ngày 18 tháng 12 Năm 2024

Giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa) thể hiện ở các khía cạnh sau:

Trong mối quan hệ với tổng thể kiến trúc đền Thượng, thành bậc rồng  càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Theo truyền thuyết lịch sử và trong dân gian Cổ Loa nhiều đời nay thì đền Thượng được xây dựng trên đỉnh của đầu rồng. Thế đất ở đền Thượng không biết từ bao giờ, đã mô phỏng theo hình dáng một đầu rồng khổng lồ. Đỉnh đầu rồng là Hậu cung, từ đó xuôi dần về miệng rồng. Tại sân rồng hạ có hai mắt rồng. Nếu theo truyền thuyết này thì thế đất hình "đầu rồng" được xây đắp cùng thời điểm với việc xây dựng những kiến trúc trong khu đền còn đến hôm nay. Đền Thượng là "Chính pháp điện", tương truyền là Hoàng cung của triều đình Âu Lạc. Sự tồn tại của đền Thượng có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, ngoài những giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật còn là những giá trị văn hóa phi vật thể, khi đền Thượng là trung tâm của lễ hội Cổ Loa - lễ hội tôn vinh vị thần chủ - Đức vua An Dương Vương.

Đền Thượng – trung tâm của lễ hội Cổ Loa

Giá trị tư tưởng và nghệ thuật: Giá trị tư tưởng thể hiện ở tính biểu trưng của các hình tượng, họa tiết trên bộ thành bậc. Trong văn hóa phương Đông, rồng là linh vật đứng đầu trong tứ linh, có ý nghĩa phong thủy quan trọng. Rồng là loài vật mang sức mạnh tạo ra tiết khí, tạo ra sự cân bằng về năng lượng âm - dương, về đất - nước - khí - gió. Nét đặc biệt của cặp rồng đá đền Thượng (Cổ Loa) là có sự kết hợp với ba cây hương đá phía trước ("Thiên thạch trụ" - ba trụ chuyển nguồn sinh học của tầng trời xuống dưới đất). Xét theo quan niệm tâm linh và triết học, cây hương đá ngoài trời chính là sự kết nối giữa trời và đất hay cõi âm - cõi dương - là cột thông thiên giữa trời và đất, cao hơn, chính là ý nghĩa vô cùng nhân văn, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho những điều tốt đẹp đến với đời sống con người. Do vậy cặp rồng đá đền Thượng là hình tượng biểu trưng cho năng lượng của trời đất, là hình ảnh thể hiện sự biểu trưng cho nhà vua và quyền lực của nhà vua - của vị thần chủ - Đức vua An Dương Vương, là vật thiêng mang lại sinh khí cho chốn linh thiêng như ngôi đền thờ Đức vua.

Đôi rồng và ba cây hương đá

Tượng rồng với những quy chuẩn chặt chẽ về cấu trúc phần đầu, với u nổi cao nhằm thể hiện năng lực tự sinh của rồng đã thể hiện tính chuẩn mực nghiêm cẩn của Nho giáo.

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA