DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT CỔ LOA ĐƯỢC CÔNG NHẬN LÀ ĐIỂM DU LỊCH
Ngày 17 tháng 11 Năm 2021

Ngày 15/11/2021, UBND thành phố Hà Nội ký Quyết định số 4839/QĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội). Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội có trách nhiệm thực hiện tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật du lịch và các văn bản pháp luật liên quan.

Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa có diện tích 860,4 ha bao gồm xã Cổ Loa và một phần các xã Việt Hùng, Dục Tú, Uy Nỗ với nhiều loại hình sản phẩm du lịch: di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, lễ hội và các giá trị văn hóa khác…

Di tích Thành Cổ Loa

Thành Cổ Loa được An Dương Vương xây dựng vào thế kỷ thứ III TCN là Kinh đô, trung tâm quyền lực và kinh tế của nhà nước Âu Lạc. Thành Cổ Loa được xây dựng với quy mô lớn, là minh chứng về trình độ kỹ thuật quân sự cao của nền văn minh Việt cổ. Hiện nay, thành Cổ Loa gồm 3 vòng thành hào khép kín, đắp bằng đất với tổng chiều dài trên 16.000m: Thành Nội chu vi 1650m; Thành Trung chu vi 6500m, thành Ngoại chu vi 8000m. Cả ba vòng tường thành đều có hào nước bao quanh.

Di tích đền thờ An Dương Vương

Đền thờ An Dương Vương còn gọi là đền Cổ Loa hay đền Thượng được xây dựng trong thành Nội, có diện tích 19.138,6m2. Các công trình kiến trúc chính của đền nằm trên trục Dũng đạo (tính từ ngoài vào trong) gồm: Giếng Ngọc - Nghi môn Ngoại - Nghi môn Nội - Nhà Bia - Tiền tế - Phương đình - Trung đường - Hậu cung.

Di tích đình Ngự Triều Di Quy

Đình Ngự Triều Di Quy còn được gọi là đình Cổ Loa. Theo truyền thuyết xưa kia nơi dựng đình là điện thiết triều của An Dương Vương. Đình thờ vua An Dương Vương làm thành Hoàng, phối thờ có Cao Lỗ hầu - một vị tướng giỏi đã chế ra nỏ thần và cũng là một trung thần đã chiến đấu và hi sinh anh dũng bảo vệ Âu Lạc. Ngôi đình có bố cục tính từ ngoài vào: Nghi môn - sân Rồng - Đại đình và Hậu cung.

Di tích Am Mỵ Châu

Am thờ công chúa Mỵ Châu toạ lạc trên một khu rộng 925,4m2 dưới gốc cây đa cổ thụ, tương truyền được Ngô Quyền trồng khi định đô tại Cổ Loa. Am có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Nhị, hậu cung hình chữ Đinh gồm: tòa đại bái và hậu cung. Am Mỵ Châu gắn liền với truyền thuyết về mối tình đầy bi thương của Mỵ Châu - Trọng Thủy cách đây mấy nghìn năm lịch sử.

Di tích chùa Bảo Sơn

Chùa Bảo Sơn hay còn gọi là chùa Cổ Loa nằm sau đình Ngự Triều Di Quy. Ngôi chùa có bố cục mặt bằng kiểu “nội Công ngoại Quốc”. Chùa có 134 pho tượng niên đại thế kỷ 18 - 19.

Điếm xóm Chùa

Điếm xóm Chùa là một trong 15 điếm cổ ở Cổ Loa, là nơi thờ thần Thổ Công, Thổ Địa, Thủy Thần, Quan Linh đồng thời là nơi cư dân trong xóm sinh hoạt cộng đồng, có kiến trúc khoảng thế kỷ XIX – XX. Ngày nay người dân đã phối thờ tướng quân Cao Lỗ và trở thành vị thần bảo trợ của người dân xóm Chùa.

Nhà Trưng bày

Nhà trưng bày, giới thiệu khoảng hơn 200 tài liệu, hiện vật bổ sung cho Khu di tích (trong đó có nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị quý hiếm, bảo vật quốc gia) theo tiến trình lịch sử từ 4000 năm cho đến nay tại tầng 2 và sảnh tầng 1 của Nhà trưng bày.

Lễ hội Cổ Loa

Lễ hội Cổ Loa còn gọi là lễ hội “Bát xã Loa thành” hay lễ hội “Bát xã hộ nhi”, là lễ hội chung của 8 xã nhằm tưởng niệm, tri ân và tôn vinh đức vua An Dương Vương, người đã lập nên nhà nước Âu Lạc, định đô ở Cổ Loa, xây thành, chống giặc, gìn giữ chủ quyền dân tộc, phát triển nền sản xuất nông nghiệp, mở rộng đất nước, đánh dấu bước ngoặc vĩ đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tương truyền ngày Mùng 6 tháng Giêng  là ngày Thục Phán nhập cung, Mùng 9 tháng Giêng tiên đế (An Dương Vương) đăng quang và cho khao toàn bộ binh sĩ. Để ghi nhớ công đức của đức vua, dân làng Cổ Loa và các làng khác trong vùng thờ đức vua An Dương Vương lấy ngày Mùng 6 tháng Giêng làm ngày tổ chức lễ hội. Trước đây, lễ hội Cổ Loa được tổ chức thường xuyên từ 3 năm đến 5 năm một lần trong 12 ngày, từ Mùng 6 đến 18 tháng Giêng, nếu là năm “phong đăng hòa cốc” Cổ Loa mở hội rất lớn. Hiện nay, lễ hội Cổ Loa được tổ chức trong 2 ngày (Mùng 5 – 6 tháng Giêng), Mùng 6 là chính hội. Lễ hội Cổ Loa còn lưu giữ được nhiều nghi lễ, phong tục tập quán, trò chơi dân gian của vùng cố đô xưa. Lễ hội Cổ Loa được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tại Quyết định số 603/QĐ-BVHTTDL ngày 03/2/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Với nhiều tài nguyên, điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa thích hợp để triển khai nhiều sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm, lưu trú, mua sắm, ẩm thực. Đến Khu di tích Cổ Loa, du khách sẽ cảm nhận được cảnh quan thiên nhiên khoáng đạt của làng quê Việt.

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA