HỘI LÀNG QUẬY (XÃ LIÊN HÀ, ĐÔNG ANH, HÀ NỘI)
Ngày 11 tháng 02 Năm 2023

Làng Quậy tức ba làng thuộc xã Liên Hà ngày nay có tên chữ là Hà Vĩ: Quậy Cả (Đại Vĩ), Quậy Rào (Giao Tác), Quậy Sau (Châu Phong). Trước Cách mạng tháng Tám 1945, thuộc tổng Hà Lỗ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Nghi thức đọc chúc văn

Theo truyền thuyết, nhân dân làng Quậy hiện nay chính là người Cổ Loa gốc. Chuyện kể rằng sau khi được vua Hùng Vương thứ 18 truyền ngôi, An Dương Vương đã chuyển kinh đô từ vùng Bạch Hạc - Việt Trì về miền đồng bằng và lệnh cho dân Chạ Chủ phải dời xuống vùng đất Hà Vĩ để lập làng. Đây là làng ở đuôi sông, cuối sông (“Hà” – sông, “Vĩ” – đuôi). Do vậy, tên làng “Quậy” chính là cách gọi chệch của từ “cuối”, là vùng trũng, nơi rốn nước.

Vì dân Quậy là người gốc Cổ Loa nên được tôn là “anh Cả”, hàng năm, vào ngày lễ hội Cổ Loa mồng 6 tháng Giêng được mời về để làm lễ khấn Vua và được làm lễ ở chiếu trên. Khi làng Cổ Loa lập chợ Sa, người làng Quậy đến chợ không phải nộp thuế. Sau vì có nhiều người làng khác mạo nhận là “người làng Quậy” nên các cụ làng Quậy đã chính thức đề nghị làng Cổ Loa bỏ lệ này.

Vùng đất ba làng Quậy theo lệnh vua chuyển đến là cốt đất thấp trong huyện Đông Anh (từ 3- 6 mét so với mực nước biển). Từ xưa, trong dân gian đã có câu “Quậy ủ Chủ tươi, Quậy cười Chủ khóc”, nghĩa là khi nhân dân làng Quậy buồn vì mất mùa do đồng ở thế thấp nên bị úng lụt thì dân Chạ Chủ lại tươi vì được mùa, do đồng ở thế cao, và ngược lại, khi trời mưa vừa phải thì vùng đất Quậy được mùa, còn Chạ Chủ thì lại mất mùa.

Lễ hội làng Quậy gắn liền với hình ảnh đình Hà Vĩ cổ kính, tĩnh mịch. Lịch sử xây dựng và phát triển của đình Hà Vĩ  liên quan trực tiếp đến việc An Dương Vương xây thành ốc. Theo các tài liệu Hán Nôm còn lưu lại thì đình được dựng vào năm Canh Thìn, niên hiệu Quang Thiệu, đời vua Lê Chiêu Tông (năm 1520) trên nền miếu xưa; được sửa lại vào năm Giáp Tý niên hiệu Cảnh Hưng (năm 1744) và làm lại với quy mô như ngày nay vào năm Canh Tý, niên hiệu Thành Thái (năm 1900). Đình nhìn hướng Tây, trước mặt là cánh đồng Rậy và hồ nước. Đây là một trong những đình có quy mô lớn nhất trong vùng, kết cấu chữ “Công”. Tòa đại đình gồm bảy gian, hai dĩ với tổng chiều dài xấp xỉ 30 mét. Đường kính của cột cái to nhất là 0,85 mét, cột nhỏ nhất là 0,65 mét. Trong đình có bức cửa võng sơn son thiếp vàng, được làm rất kì công miêu tả "tứ linh, tứ quí”, các hình khắc sống động, tinh xảo. Ngoài chạm khắc "tứ linh, tứ quí", bức cửa võng còn có chạm Lan đằng, hoa lá, long mã. Trên cửa võng chạm nổi bốn chữ “Thánh cung vạn tuế”. Với kiến trúc đồ sộ theo dáng dấp cuối Lê đầu Nguyễn, đình Hà Vĩ là một công trình kiến trúc đặc sắc của quê hương, là sản phẩm minh chứng cho nghề mộc truyền thống của người làng Quậy.

 Hàng năm cứ đến ngày 12 tháng Giêng âm lịch nhân dân làng Quậy tổ chức lễ hội tưởng nhớ công đức Thành Hoàng làng. Đó là 5 vị tướng: Thủy Hải, Đăng Giang, Khổng Chúng, Thánh Tam Giang và Đông Hải Đại Vương, đều là những bậc anh hùng có công đánh giặc cứu nước, lập chiến công hiển hách những năm trước và sau Công Nguyên. Thủy Hải, Đăng Giang và Khổng Chúng là những tướng tài, anh hùng hào kiệt theo Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Hán thu phục non sông và đã hy sinh anh dũng trong trận chiến không cân sức, là những người con của trang Hà Hào (tên gốc của Hà Vĩ) xưa. Thành hoàng Tam Giang theo Lý Bí đánh đuổi giặc Lương giành độc lập tự chủ cho đất nước giữa thế kỷ VI. Thành hoàng Đông Hải - đầu thế kỷ thứ XIII (cuối Lý đầu Trần) là người chiêu mộ 5 vạn binh sĩ rồi lập căn cứ tại Hà Hào, nổi dậy đánh vua Trần Thái Tông - Trần Cảnh vì thấy nước nhà từ triều Lý chuyển sang triều Trần không quang minh chính đại. Tuy nhiên vua Trần Thái Tông không đánh mà đưa thư giảng hoà và phong tước cho ông rồi ông tự xưng là Đông Hải Đại Vương.

Nghi thức Hóa chúc

Lễ tế được tiến hành trong sự trang nghiêm, tôn vinh các vị tướng quân nhằm giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha, của quê hương, giáo dục động viên nhân dân góp sức của mình vào công cuộc đổi mới, tích cực thi đua thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh, văn minh.

Trong 3 ngày tổ chức từ 12 đến 14 tháng Giêng âm lịch, hội đã thu hút hàng ngàn người dân và du khách tham gia, bao gồm người dân của ba thôn là thôn Đại Vĩ - “anh Cả”, thôn Giao Tác, thôn Châu Phong và nhân dân vùng lân cận. Các cụ trong làng cho hay: “Ngày hội toàn dân tham gia và tự nguyện đóng góp công đức, tuy nhiên không phải độ tuổi nào cũng được dự phần tế lễ”.

Hội Quậy gồm có hai phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ, lệ làng quy định, những bậc lão làng từ 60 tuổi trở lên được tham gia phần đón tiếp và tế lễ; những người tuổi 50 phụ trách bồi tế và rước lễ; tuổi 49 phải phục vụ tiếp nước mời trầu các cụ; tuổi 46 chuẩn bị vật phẩm và bố trí mức giải thưởng cho các trò chơi trong lễ hội… Dựa vào những quy ước, nghi lễ trước đây và những thay đổi tiến bộ của xã hội từ cách mạng tháng 8 năm 1945 đến thời kỳ đổi mới hiện nay, nghi thức tế lễ như sau:

Ban phụ trách tế lễ bao gồm các quan với các chức danh: Thủ điện, thủ bạ, đông tán, tây tán, đọc văn, quan đám, tiến tước.

Thủ điện (quan điện) đươc tiến cử ở độ tuổi 61, là người biết về lịch sử của làng, tiểu sử công danh hiển hách của thành hoàng làng (5 vị tướng), hiểu biết về các sắc phong của triều đình trước đây cho làng Hà Vĩ. Vợ chồng phải song toàn, con cháu hưng thịnh, được các cụ và dân làng tín nhiệm. Thủ điện luôn thường trực tại đình, sớm tối đèn hương, tiếp khách đến tham quan và làm lễ tại khu di tích; có nhiệm vụ trông nom, bảo quản các tài sản của di tích, giữ gìn và tôn tạo khung cảnh đẹp đẽ phong quang.

Thủ bạ (quan bạ) về độ tuổi và tiêu chuẩn như thủ điện; có nhiệm vụ cùng với thủ điện chuẩn bị và thực hiện các nghi lễ ở đình như: lễ giao thừa, lễ rửa đồ thờ ngày 10 tháng Giêng, 3 ngày làm đám (lễ hội), 4 ngày giỗ thánh và các ngày sóc vọng trong năm.

Đông tán, tây tán được chọn ở độ tuổi 55 có tư thế đĩnh đạc để xướng tế trong các ngày tế lễ vào đám, có giọng xướng tế dõng dạc, đọc dứt câu, đúng điệu.

Quan văn tế được cử ở độ tuổi 50, có trình độ văn hóa, hiểu nội dung câu từ, ý nghĩa của văn tế, có nhiệm vụ đọc văn tế, đọc đúng giọng văn tế, rõ ràng, dứt câu, trọn nghĩa.

Tiến tước được cử ở độ tuổi 48, có sức khỏe để tiến tước an toàn. Tiến tước đúng quy trình, đàng hoàng, nghiêm túc.

Quan điện, quan bạ  làm lễ Thánh

Các quan đám cử ở độ tuổi 49, có nhiệm vụ phải thường trực 24/24 giờ, ăn ngủ tại đình, có nhiệm vụ tế lễ đúng thời gian quy định, đồng đều, nghiêm túc; quản lý từ thềm đình vào đến cửa cấm, ai làm trái lệ làng, quan đám có quyền mời ra khỏi đình.

Tục lệ “bắt tuổi” (nghĩa là chọn các cụ cao niên đức độ đến độ tuổi quy định trong làng làm các nghi thức tế lễ truyền thống của làng) không chỉ là quy định hình thức mà còn mang nhiều mục đích, thể hiện sự vinh dự được nắm chức trách, mang nét văn hóa truyền thống và mong muốn thế hệ sau tìm hiểu về những tập quán của cha ông để lại.

Về phần hội, các cụ cao niên kể rằng, tương truyền ngày xưa lễ hội được tổ chức hội suốt 18 ngày đêm, liên tục từ 12 - 30 tháng Giêng, ngày nay rút ngắn lại chỉ diễn ra trong 3 ngày nhằm phục vụ sản xuất dân sinh. Vì thế, người người háo hức, nhà nhà nô nức đua nhau đi trẩy hội. Đến làng Quậy những ngày này, dân làng nườm nượp kéo nhau đi chơi, đi dự hội. Từ ngày 12 đến ngày 14 tháng Giêng có tế lễ, rước kiệu, trò chơi chọi gà, vật, chơi cờ người và bóng chuyền hơi. Suốt 3 tối là hát tuồng và chèo.

Trò chơi tổ tôm điếm

Cùng với lễ hội của Bát xã loa thành, lễ hội làng Quậy góp phần tô điểm cho bức tranh lễ hội Cổ Loa thêm sinh động và đặc sắc. Từ nghi thức tế lễ mang đậm tính truyền thống, uy nghi nhưng không kém phần trang trọng, đến phần hội với các trò chơi dân gian thu hút đông đảo các thành phần lứa tuổi tham gia. Tất cả đã tạo nên cho người dân nơi đây một món ăn tinh thần phong phú, mở đầu cho một năm mới hào hứng, phấn khởi và những hi vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đến với lễ hội của Bát xã, lễ hội anh cả Quậy, hòa mình vào bầu không khí nơi đây trong những ngày đầu xuân giúp chúng ta có thêm những cảm nhận, sự trân trọng và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô, của đất nước nghìn năm văn hiến.

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA