BÚN MẠCH TRÀNG
Ngày 19 tháng 12 Năm 2019

Bún Mạch Tràng (bún của làng Mạch Tràng) là món ăn dân giã quen thuộc của người dân Cổ Loa. So với những sợi bún của nhiều vùng quê khác, bún Mạch Tràng không trắng sáng bắt mắt mà lại có một màu trắng ngà rất đặc trưng.

Sợi bún Mạch Tràng cũng dài, dai hơn sợi bún của nhiều vùng quê Việt. Đây là bí quyết riêng của những người thợ làm bún Mạch Tràng. Gạo là nguyên liệu chính để làm ra bún. Sự khác biệt căn bản trong cách thức làm bún của làng Mạch Tràng so với những vùng quê khác ở chỗ: thông thường gạo được vo, đãi sạch và đem ngâm nước qua đêm.

Sau đó đưa vào xay nhuyễn cùng với nước để tạo thành bột gạo dẻo, nhão. Tại Mạch Tràng, gạo trước khi mang đi xay nhuyễn được ủ bằng chăn trong khoảng từ 2 - 4 ngày, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết.

Gạo sau khi ủ được vớt ra rửa sạch cho vào ngâm trong nước từ 1 - 2 ngày, khi thấy hạt gạo mềm thì cho vào xay. Nước bột được ngâm khử chua 2 ngày rồi đưa lên bàn ép thành bột. Những người thợ cắt bột thành từng quả, gọi là quả trùng đem luộc chín trong khoảng 15 – 20 phút sau đó lại cho vào cối giã nhuyễn rồi đưa vào khuôn tay vắt thành sợi bún xếp vào thúng có rải một lớp lá ngái dưới đáy, và được cho vào nồi nước sôi luộc chín.

Bún Mạch Tràng được người dân mang đi tiêu thụ tại các chợ trong vùng: chợ Sa, chợ Tó, chợ Me... Nghề làm bún yêu cầu sự tỉ mỉ, chính xác cao, thể hiện sự tinh tế của người thợ, sản phẩm bún Mạch Tràng không những có thể ăn trực tiếp kèm với nhiều loại thực phẩm khác tạo thành các món ăn như bún mắm, bún chả, bún đậu... mà còn được dùng để xào với rau cần. Bún xào cần từ lâu đã trở thành món ăn truyền thống của Cổ Loa. Đây là một sản phẩm không thể thiếu của người dân vùng Cổ Loa dâng lên vua An Dương Vương trong Lễ hội Cổ Loa (6 tháng Giêng) và ngày sêu Bà Chúa (13/8 hàng năm).