Thôn Lan Trì có diện tích tương đối nhỏ, nằm kẹp giữa 2 vòng thành Nội và vòng thành Trung về phía tây bắc. Thôn Lan Trì còn có tên gọi khác là Lam Trì hay Lăng Trì, dân gian thường gọi là Chạ Lan. Về xuất xứ của tên gọi này có nhiều cách giải thính khác nhau. Có ý kiến cho rằng vốn trước kia thôn có một cái đầm có tên là Lam Tràm (quanh đầm trồng nhiều cây xanh, nhiều nhất là cây Tràm), dân gian gọi chệch là Lam Trì. ý kiến khác lại cho rằng khi xưa đây là vườn thượng uyển của vua, vua thường hay đến dạo chơi, bên trong vườn có ao, ở đó lại trồng nhiều cây lan lớn, nên gọi là Lan Trì. Cũng lại có ý kiến cho rằng Lan Trì là âm đọc chệch từ Lăng Trì, vì khi xưa đoạn phía trước về bên trái của điếm thôn là bãi xử các tội nhân thời vua An Dương Vương. Hoặc ý kiến khác cho rằng vì ở gần khu Tờ Chỉ có cây lan nên gọi là Lan Chỉ, đọc khác đi là Lan Trì.
Vào thời nhà Mạc cư dân từ vùng Thanh Nghệ đổ ra vùng Cổ Loa chiếm lĩnh khu vực thành cổ, khẩn hoang lập ruộng lập làng. Thôn Lan Trì được lập trong khoảng thời gian này. Dòng họ đầu tiên đến đây là dòng họ Lại ở Hà Trung - Thanh Hoá. Theo lời kể của một người trong họ thì ông Lại Duy Chí từng đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm 1700 đã di chuyển dòng tộc ra vùng đất Cổ Loa đến thôn Lan Trì định cư lập nghiệp. Ngoài ra, trong thôn còn có dòng họ Đào, Đỗ đến từ thôn Chợ.
Thôn Lan Trì nằm bên trong vòng thành Trung và phía tây bắc bên ngoài vòng thành Nội. Khi xưa có một con hào thành Nội chảy từ phía bắc xuống (đoạn hào ngăn cách giữa thôn Dõng và thôn Chùa), sau khu ấy có tên gọi là Ao Chàm, Đầm Gỗ. Công trình kiến trúc văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo trong thôn như: điếm thôn Lan Trì, Cổng thôn.
Điếm thôn Lan Trì gồm có 3 gian, xây hướng nam. Bên phải và phía trước điếm đều có ao nhỏ. Điếm mới được xây trùng tu lại gần đây, cột điếm đã được nâng cao thêm 60cm. Niên đại xây dựng hiện còn được ghi trên thượng lương là năm Đinh Mùi, niên hiệu Thành Thái thứ 19 (1907).
Trước đây thôn Lan Trì có hai cổng, một ở phía nam (gần điếm) và một ở phía bắc (gần thôn Dõng). Trước các cổng đều được xây bằng gạch, có hình vòm, cánh cổng làm bằng tre, hàng ngày mở vào buổi sáng và đóng vào buổi chiều. Cổng đã bị phá trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA