Thôn Nhồi (Nhồi Trên và Nhồi Dưới) hiện nay là một trong 15 thôn, xóm của xã Cổ Loa, có vị trí giáp giới:
- Phía tây giáp thôn Dõng.
- Phía đông giáp thôn Hương.
- Phía nam giáp thôn Chùa.
- Phía bắc giáp thôn Thượng.
Thôn Nhồi có tên chữ là Viên Lôi, gồm hai khu vực cư trú với tên gọi là Viên Lôi Thượng và Viên Lôi Hạ. Về tên gọi thôn Nhồi qua điều tra khảo sát địa phương ta thấy có nhiều cách lý giải khác nhau. “Nhồi” có nghĩa là ốc nhồi, gợi lên sự tích về những vòng thành xoáy hình chôn ốc của thành Cổ Loa xưa. Còn có người giải thích tên thôn Nhồi theo sự biến đổi của ngữ âm học lịch sử. Thôn Nhồi xưa trồng nhiều cây sòi - một loại cây dùng trong việc nhuộm áo quần, có mầu xanh đen, nên gọi là xóm Sòi, sau từ "Sòi" dần biến âm thành "Nhồi". Tương truyền rằng đất này xưa nằm sau đền, sau vườn của nhà vua nên còn có tên chữ là Viên Lôi.
Thôn được phân chia thành hai khu vực thôn Nhồi Trên và thôn Nhồi Dưới. Đây là hai đơn vị hành chính cơ sở độc lập, mỗi thôn có một trưởng thôn. Cách gọi Nhồi Trên và Nhồi Dưới này có lẽ bắt nguồn từ tương quan vị trí giữa hai thôn: thôn Nhồi Trên ở phía Bắc còn Nhồi Dưới ở phía nam. Ranh giới giữa hai thôn này là một dải ao dài, đây được coi là đường tiêu nước của thành Cổ Loa, được coi là vết tích còn lại của con hào ở thành Nội. Về thời gian diễn ra sự chia tách này thì không ai còn nhớ.
Cũng tương tự như việc phân tách của thôn Dõng, nguyên nhân thôn Nhồi phân tách là do có chung một điếm thôn ở vị trí điếm Nhồi dưới bây giờ. Tuy nhiên, mỗi khi trong thôn có việc tổ chức, hội họp tại điếm, thì các cụ ở khu vực Nhồi Dưới ở gần nên đến trước và chia hết phần cỗ tế lễ, ăn khao. Ngoài ra, còn do sự phát triển của các dòng họ, sự tăng lên về dân số...vì thế nên các cụ ở khu phía trên tách ra, lập thành thôn Nhồi Trên, đồng thời cũng xây riêng một điếm thờ (gọi là điếm Nhồi Trên).
Thôn Nhồi Dưới được chia thành 3 ngõ, tên ngõ được gọi ngay bằng hướng của chính ngõ đó: ngõ Bắc, ngõ Đông và ngõ Tây. Thôn Nhồi Trên có 3 ngõ: ngõ Đông, ngõ Tây và ngõ Giữa, tuy nhiên hiện nay sự phân định này không còn rõ ràng nữa. Trong thôn có các ngõ, đứng đầu ở thôn là những người cao tuổi (cụ trùm - 50 tuổi, lão - 60 tuổi, thượng - 70 tuổi) và những người có chức sắc. Đó là những người quyết định những công việc quan trọng nhất của thôn.
Các cụ cao niên kể lại thì xưa kia thôn Nhồi Trên nằm trong giáp Đoài của xã Cổ Loa. Giáp Đoài thì có hai phe là Đoài tự và Đoài giáp. Ở Cổ Loa có tục mua giáp, trong xóm trai đinh cứ 18 tuổi thì vào giáp. Làng Cổ Loa được chia làm 3 giáp là Đông, Đoài, Tự, trong mỗi một giáp thì lại có nhiều phe. Một phe có thể là một dòng họ (như phe họ Hoàng), cũng có khi là nhiều dòng họ khác nhau trong đó các họ nhỏ thường theo các họ lớn. Phe có trách nhiệm giúp đỡ các thành viên của mình như trong các việc đám, ngoài ra phe còn có nhiệm vụ rước tế trong các ngày lễ hội. Những nhiệm vụ được phân cho hàng phe. Có ý kiến cho rằng nếu như giáp là tổ chức của đàn ông thì phe là tổ chức được hiểu như là cả gia đình (bao gồm cả phụ nữ và trẻ em). Người đứng đầu giáp là ông trưởng giáp do dân của giáp đó cử ra là những người phải từ 50 tuổi trở lên và có chức sắc.
Ngoài giáp và phe thì ở Cổ Loa còn có hội Tư văn. Muốn trở thành thành viên của hội tư văn thì phải mua tư văn, phần lớn những người trong hội tư văn là những người có tiền và biết chữ Hán.
Trước thôn Nhồi có tục kết chạ với một số thôn khác trong cùng xã Cổ Loa như thôn Gà, thôn Chùa và thôn Dõng Hạ (tục này xưa thôn nào cũng có). Vào tháng 8 trong năm, các thôn thay phiên nhau tổ chức ăn uống, đãi các thôn bạn (gọi là ăn yến), buổi ăn uống này diễn ra trong cả một ngày theo trình tự. Ban đầu là nghi lễ chào bằng cách thướng. Ai thướng sai thì bị phạt bỏ về giữa chừng hoặc xé cau nộp phạt. Mọi người thướng xong, trẻ con ngồi gõ đũa xuống mâm cỗ. Yến tiệc xong thì mọi người thưởng nhạc, nghe cô đầu hát.
Các dòng họ chính trong thôn Nhồi Dưới hiện nay là họ Hoàng (gồm hai chi: Hoàng Công và Hoàng Hữu), họ Nguyễn, họ Lại, họ Trương, trong đó họ Hoàng Công là họ đông nhất. Các dòng họ chính ở xóm Nhồi Trên gồm họ Chu, Hoàng Gia, Hoàng Văn, Vũ Văn, Vũ Công, Nguyễn, Chử… trong đó hai họ Chu (Chu Văn và Chu Đình) là những họ đã cư trú lâu đời ở Cổ Loa, vì theo văn bia đền Thượng cách đây 300 năm trên bia đã khắc tên những người họ Chu. Hoạt động của các họ tập trung vào các tiết lễ chính trong năm. Các dòng họ trong thôn nói chung (trừ họ Hoàng Hữu) họp họ trước vài ngày để đến ngày 17 tháng chạp đi tảo mộ. Việc tảo mộ được tổ chức sớm như vậy vì đến ngày 18 tháng chạp là lễ rước mã, từ lễ rước mã cho đến hết hội tháng giêng các hoạt động tang ma rất kiêng kỵ. Đa phần các dòng họ trong xóm đều có ngày giỗ tổ, trước kia khi còn ruộng họ thì ruộng được giao cho một người trong họ cày cấy và nộp một phần thóc cho họ, họ lấy đó làm quỹ chi tiêu cho ngày giỗ tổ và các việc họ khác, lễ giỗ họ thường dùng xôi thịt. Các họ trong thôn hiện nay hầu như không có từ đường, bát hương thờ tổ thường đặt tại nhà ông trưởng tộc. Từ khi không còn ruộng họ, việc cúng tổ không được làm chung cho toàn họ mà trưởng mỗi chi của dòng họ đó làm cỗ và mời anh em trong chi của mình đến, không có việc góp giỗ, lễ vật được mọi người tuỳ tâm mang đến. Nếu trong họ có việc lớn (như xây mộ tổ...) thì trưởng họ cùng một ban do họ lập ra sẽ bàn bạc rồi phân bổ theo đinh, đồng thời kêu gọi từ tâm của tất cả con trai con gái trong họ dù đã đi lấy chồng hay làm ăn xa...
Hầu hết các họ trong thôn đều chưa có quỹ khuyến học, trừ họ Hoàng Hữu có quỹ khá lớn dùng để động viên giúp đỡ những học sinh, sinh viên con em trong họ học giỏi, làm lễ thượng thọ cho các cụ cao niên trong họ, riêng họ này vào ngày 26 tháng giêng vừa là ngày họ chạp, vừa làm lễ giỗ tổ vừa là ngày đi thăm mộ tổ tiên.
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA