Ngày 26/9/2022, tại Khu di tích Cổ Loa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức Hội nghị bàn giao mốc giới ngoài hiện trường và hồ sơ hoàn công sơ họa vị trí mốc của gói thầu cắm mốc ranh giới quy hoạch Khu di tích thành Cổ Loa và ranh giới 07 di tích đã xếp hạng trong thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000).
Tham dự hội nghị có đại diện Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Ban Quản lý dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội, Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa, UBND các xã: Cổ Loa, Việt Hùng, Dục Tú, đơn vị tư vấn - Công ty cổ phần Địa chính Hà Nội.
Ông Ngô Văn Nam - PGĐ Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Hội nghị bàn giao mốc giới quy hoạch khu di tích thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000)
Mục đích của dự án là khảo sát, đo đạc, đánh giá sơ bộ vị trí các mốc giới quy hoạch ngoài thực địa và đánh giá dự kiến về chất liệu, quy cách của các mốc so với thiết kế phục vụ cho công tác xác định mốc, đổ mốc và chôn mốc. Kết quả khảo sát đánh giá để các bên phối hợp đưa ra phương án tối ưu, hiệu quả nhất trong công tác xác định mốc, đổ mốc và chôn mốc cho phù hợp với thực tế. Tổng số mốc là 818 mốc, trong đó:
- Khu vực cắm mốc ranh giới quy hoạch (113 mốc), bao gồm toàn bộ phạm vi khu di tích thành Cổ Loa với chu vi khoảng 11,77 km, tổng diện tích khoảng 860,4ha (theo Đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa, tỷ lệ 1/2000 đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt), trong đó xã Dục Tú: khoảng 134,54 ha, xã Cổ Loa: khoảng 559,37ha, xã Việt Hùng: khoảng 116,44 ha và xã Uy Nỗ: khoảng 50,05 ha.
- Khu vực bảo vệ 07 di tích đã xếp hạng (nằm trong phạm vi khu di tích thành Cổ Loa) (705 mốc), được xác định theo bản đồ hiện trạng khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích và trên đường ranh giới quy hoạch các lô, thửa phân khu, gồm: vòng thành Cổ Loa, đền vua An Dương Vương, đình Ngự Triều Di Quy, am Mỵ Châu, chùa Bảo Sơn, đình Mạch Tràng, chùa Mạch Tràng.
Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị
Việc cắm mốc và bàn giao mốc giới cho các đơn vị đang quản lý trực tiếp các di tích thuộc khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác quản lý, phối hợp quản lý, tuyên truyền bảo vệ, xử lý các trường hợp vi phạm trực tiếp đến di tích và không gian cảnh quan của di tích. Đồng thời phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chuyên môn trong công tác quản lý bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa theo luật định.
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA