Lễ hội Cổ Loa 2017
Ngày 19 tháng 12 Năm 2019

Cổ Loa, một cái tên đã trở nên quen thân với mọi người Việt Nam chúng ta. Khi nói đến Cổ Loa là chúng ta liên tưởng tới một tòa thành độc đáo – Loa thành, được xây dựng từ thời An Dương Vương dựng nước và biết bao truyền thuyết ly kỳ, hấp dẫn về một thời xa xưa hào hùng bi tráng còn được truyền tụng tới ngày nay. Nơi đây từng hai lần là kinh đô của đất nước, lần thứ nhất là của nhà nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương (thế kỷ III TCN). Tiếp đó, năm 938, sau chiến thắng Bạch Đằng lịch sử chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc, Cổ Loa một lần nữa lại được Ngô Quyền chọn làm kinh đô.

le_hoi_co_loa_2017-1

Toàn cảnh đền Thượng – Khu di tích Cổ Loa

Cổ Loa hiện còn cả một quần thể các công trình kiến trúc vô cùng phong phú được xây dựng qua nhiều thời kỳ bao gồm nhiều loại hình với nhiều chức năng khác nhau. Đó là những công trình tưởng niệm, công trình mang chức năng tôn giáo, tín ngưỡng. Từ đình, đền, chùa, am, miếu đến các điếm xóm, điếm ngõ, những ngôi nhà cổ… Bên cạnh các công trình tưởng niệm còn có sự hiện hữu của một tòa thành đồ sộ – thành Cổ Loa. Thành Cổ Loa không chỉ đồ sộ về quy mô mà còn độc đáo về kiểu thức với cấu trúc nhiều lớp thành uốn lượn, là tòa thành cổ nhất, to lớn nhất của Việt Nam và Đông Nam Á thời cổ đại.

Lòng đất Cổ Loa là địa điểm khảo cổ có giá trị nổi bật đánh dấu các giai đoạn văn hóa của người Việt cách đây từ 4000 – 2000 năm, trải qua các giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn mà đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn, còn được gọi là “Văn minh sông Hồng”. Tại các di chỉ khảo cổ học đã phát hiện được trống đồng, hàng vạn mũi tên đồng, khuôn đúc đồng, hàng trăm mũi giáo, lưỡi cày, rìu.

Bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể, Cổ Loa ngày nay còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, trong đó nổi bật là lễ hội Cổ Loa. Lễ hội Cổ Loa là hội lớn nhất trong năm của Cổ Loa với sự tham gia của Bát xã, bao gồm: Cổ Loa, Văn Thượng, Ngoại Sát, Mạch Tràng, Đài Bi, Cầu Cả, Sằn Giã, Thư Cưu. Ngoài ra, tham gia lễ còn có làng Hà Vĩ, thường gọi là Quậy – một làng gốc ở Cổ Loa, xưa đã phải di dời đến vùng Hà Vĩ (cuối sông), nhường đất để Vua Thục xây thành, được Bát xã tôn làm anh Cả.

le_hoi_co_loa_2017

Khu vực đền Thượng khi diễn ra lễ hội

Lễ hội Cổ Loa xuân Đinh Dậu 2017 được tổ chức trong 02 ngày 01,02/02/2017 (tức ngày 5, 6 tháng Giêng). Lễ hội diễn ra nhằm tưởng niệm và tôn vinh một nhân vật có thật trong lịch sử, Đức vua An Dương Vương – người sáng lập ra nhà nước Âu Lạc và có công xây thành Cổ Loa. Người dân Cổ Loa, từ xưa đã có câu: “Chết thì bỏ con bỏ cháu, sống không bỏ mồng 6 tháng Giêng”.

Lễ hội Cổ Loa nhằm giáo dục truyền thống mang ý nghĩa sâu rộng trong nhân dân, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đồng thời duy trì, bảo tồn và phát huy hoạt động văn hóa truyền thống, giá trị di sản vật thể và phi vật thể khu di tích Cổ Loa – di tích Quốc gia đặc biệt. Lễ hội được tổ chức với phương châm “An toàn – vui tươi – lành mạnh – tiết kiệm”.

Như thông lệ, chương trình lễ hội Cổ Loa năm 2017 gồm có 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ tổ chức theo nghi thức cổ truyền gồm có lễ dâng hương và lễ rước của Bát xã Loa thành.

Phần nghi lễ mở đầu của hội Cổ Loa mang tính tưởng niệm thiêng liêng, hướng về An Dương Vương – người có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước thời tiền sử. Đối với lễ hội truyền thống, mỗi nơi đều có hình thức tưởng niệm riêng. Và ở Cổ Loa cũng vậy, đó là một bức tranh hoành tráng về lễ nghênh rước tưởng niệm An Dương Vương được diễn ra trong lễ hội.

le_hoi2017_1

Lễ hội Cổ Loa hàng năm

Sau tiếng trống lệnh, Bát xã (tám làng) theo thứ tự tiến vào cung vua. Trước đó “Anh cả Quậy” được vào tiến lễ trước tiên. Việc “Anh cả” được vào tiến lễ trước, có nguyên do, khi An Dương Vương định đô xây thành đã di dời dân Chạ Chủ xuống làng Quậy. Về sau, để tỏ lòng biết ơn đối với những người đi trước, vào các ngày hội Cổ Loa, Anh Cả Quậy bao giờ cũng được tôn vinh, quý trọng.

Tiếp đó, hội đồng Bát xã Loa thành lần lượt tiến lễ bằng oản phẩm dâng Vua, gọi là “thi lễ” cho Bát xã. Tục lệ này nhằm động viên nhân dân Bát xã thi đua lao động sản xuất, khuyến khích nghề truyền thống của địa phương.

Sau khi tế lễ ở đền Thượng xong, Cổ Loa sắp cho mỗi đoàn rước năm khuôn bỏng Chủ đặt lên kiệu rước về. Ra khỏi đền Thượng, các đoàn rước quanh hồ bán nguyệt trước đền Thượng một vòng, sau đó làng nào về làng ấy.

Cả một vùng xung quanh Cổ Loa nhộn nhịp trong tiếng trống, chiêng. Dân các làng hồ hởi ra đón đoàn rước về đình làng mình. Nhìn vào đoàn rước đủ màu sắc, nghiêm túc nhưng không kém phần hân hoan phấn khởi của những người tham gia rước cũng như người dự hội.

Trong dịp lễ hội, tại đình Cổ Loa cũng tổ chức các nghi thức tế lễ, rước từ đền lên đình và ngược lại, rước bỏng Chủ, tổ chức các sinh hoạt văn hóa dân gian như hát tuồng, hát chèo (trước kia các đám hát do dân tự tổ chức, nay trong ngày hội thì thường đi thuê), đấu vật, chơi cờ người… Thường thì mỗi ngày sẽ tế tại đình hai chầu vào buổi sáng và buổi chiều, riêng ngày khai hội mùng 6 tháng Giêng có thể tế đến bốn chầu.

Trò chơi trong lễ hội mồng 6 tháng Giêng gồm có: múa rối, chọi gà, nấu ăn, giã bỏng, cờ người, đấu vật, ném còn, đánh đu, leo dây, bắn nỏ, bắn súng, tổ tôm điếm… Nay có thêm nhiều trò mới như đá bóng, cầu lông, bóng chuyền…

le_hoi_2017-3

Các trò chơi trong lễ hội Cổ Loa

Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán xuân Đinh Dậu và lễ hội Cổ Loa 2017, tại Khu di tích Cổ Loa cũng diễn ra một số chương trình hoạt động trưng bày, triển lãm, quảng bá các giá trị của di tích.

  • Từ ngày 20/01 đến ngày 25/01/2017 Hội chợ xuân giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề, ẩm thực truyền thống, nông sản, đồ lưu niệm và trò chơi dân gian (tại khu vực Nhà trưng bày Khu di tích Cổ Loa).
  • Từ ngày 27/01 đến 28/02/2017: Triển lãm ảnh nghệ thuật về Cổ Loa.
  • Từ 20/01 đến 24/02/2017: triển lãm cây cảnh nghệ thuật (tại khu vực đền Thượng và đình Ngự Triều Di Quy).

Đến với lễ hội, chúng ta không chỉ chiêm ngưỡng những hình bóng truyền thuyết xưa mà còn đến với giá trị văn hóa mang vẻ đẹp và sức mạnh trường tồn. Với mỗi người dân Cổ Loa, lễ hội như một cái tết để mọi người thư giãn, lấy lại tinh thần trước khi bước vào một chu kỳ làm việc mới. Cuộc sống hôm nay dẫu có nhiều lo toan vất vả nhưng bằng nỗ lực của mỗi người mỗi làng trong Bát xã, một lễ hội cổ truyền vẫn được lo toan chu tất. Tất cả đều hướng về một điều thiện, một tấm lòng thành kính đối với tổ tiên sinh thành.

Lưu Quốc Khánh