Trước đây Cầu Cả còn có tên là Cầu Kỳ. Tương truyền khi xưa nơi đây là một trong tám trấn bảo vệ thành Cổ Loa từ phía ngoài do tướng quân Lý Tâm Viễn trấn giữ. Theo dân gian giải thích, sở dĩ có tên là Cầu Cả vì thôn nằm ngay cạnh sông Hoàng Giang xưa nơi đây có cầu bắc qua sông (Cầu Tháng Năm – Ngũ Nguyệt Kiều).
Lễ hội thôn Cầu Cả được tổ chức tại đình làng Cầu Cả, vào ngày 11 tháng Giêng hàng năm. Đình Cầu Cả là một kiến trúc tín ngưỡng truyền thống được xây dựng làm nơi thờ phụng An Dương Vương, vị vua đứng đầu nước Âu Lạc làm Thành hoàng làng.
Nghi thức tế diễn ra tại lễ hội Cầu Cả cũng gần như tại lễ hội Bát xã Loa Thành qua 71 lần xướng và lần xướng đầu tiên là khởi chinh cổ và cuối cùng là lễ tất. Tế lễ chia làm ba giai đoạn: Sơ hiến, Á hiến và Trung hiến gọi là Tam hiến (hiến ở đây là hiến rượu). Đội hình tế gồm 27 cụ, bao gồm: 1 chủ tế, 2 vị đông-tây xướng, 8 ông bồi bái, 2 củ soát (1 ông cầm rượu, 1 ông cây nến), 2 ông đọc chúc và phủng chúc, 6 ông phủng tước, tức là rượu, nước và hoa, 2 ông đón lễ trong hậu cung, 4 thủ hiệu trong đó 2 thủ hiệu dẫn lễ, 2 thủ hiệu trống chiêng.
Hội làng Cầu Cả có nhiều hoạt động trò chơi dân gian phong phú và sôi nổi thu hút đông đảo người dân tham gia như: chọi gà, bóng chuyền hơi, kéo co, tập dưỡng sinh của của các cụ cao tuổi.
Trò chơi chọi gà
Thi đấu bóng chuyền hơi
Những ngày lễ hội ở thôn Cầu Cả đã góp phần cộng hưởng và kéo dài những ngày hội xuân của các di tích thờ đức vua An Dương Vương trên mảnh đất Cổ Loa lịch sử.
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA