Mỵ Châu là con gái của Thục An Dương Vương. Truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy là một trong những câu chuyện có sức hấp dẫn được lưu truyền trong dân gian về buổi đầu của lịch sử dân tộc – một câu chuyện vừa mang nét hiện thực vừa mang nét huyền thoại thời Âu Lạc.
Nói đến Mỵ Châu, nhiều người nhớ đến câu chuyện tình Mỵ Châu – Trọng Thủy qua nhưng câu thơ quen thuộc của nhà thơ Tố Hữu:
Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu,
Trái tim lầm chỗ để lên đầu.
Nỏ thần vô ý trao tay giặc,
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu.
Đàng sau tình duyên Mỵ Châu – Trọng Thủy là cả một âm mưu thôn tính thâm hiểm của Triệu Đà, và người thực hiện mưu kế ấy là Trọng Thủy, con trai của Triệu Đà. Nàng Mỵ Châu trong trắng ngây thơ, tin tưởng tình yêu một cách chân thành vô tình bị vướng vào âm mưu của kẻ thù làm mất nước.
Truyện kể rằng sau nhiều lần tấn công vào Loa Thành thất bại. Triệu Đà đã xin giảng hoà tiến tới cho con trai là Trọng Thuỷ cầu hôn lấy nàng Mỵ Châu. An Dương Vương mong mỏi hoà hiếu giữa hai quốc gia, từ duyên tình con trẻ chấm dứt cảnh đao binh để người dân được yên ấm, tập trung xây dựng và phát triển đất nước Âu Lạc vững bền.
Trọng Thuỷ đã ở rể tại Cổ Loa, đánh cắp nỏ thần của thần kim Quy ban cho vua Thục mang về. Triệu Đà tấn công vào Cổ Loa, vua An Dương Vương bị thua chạy về Đền mộ Dạ Sơn thì cùng đường, thần Kim quy hiện lên báo vua “kẻ ngồi sau ngựa chính là giặc đấy, sao không giết đi”. An Dương Vương liền chém công chúa Mỵ Châu, máu chảy loang mặt nước, loài trai nuốt vào bụng hóa thành hạt minh châu.
Sau khi mất, theo truyền thuyết được Trọng Thủy đưa về mai táng ở Cổ Loa hóa thành hòn đá ngọc. Tại làng Cổ Loa hiện còn lăng bà Chúa (ở đông bắc xóm Vang, phía nam khu đầm Cả).
Tuy nhiên, ở Cổ Loa còn lưu truyền một truyền thuyết khác về Mỵ Châu và bức tượng đá.
“Một thời gian sau khi Mỵ Châu mất, tự nhiên ở khu Đầm Cả xuất hiện một hòn đá lạ. Có người đánh dậm, đánh cả ngày mà không được gì, chỉ thấy trong dậm có một hòn đá, vứt xuống nước nhiều lần mà không được cuối cùng phải vớt hòn đá lên bờ.
Trẻ chăn trâu thấy hòn đá lấy làm vui thích trèo lên nghịch ngợm, sau về nhà đều bị ốm. Từ đó dân làng biết hòn đá là linh thiêng nên dân mấy làng cùng đến rước, nhưng tất cả các làng xung quanh đều không làng nào rước được về, chỉ khi dân Cổ Loa mang võng đào ra khiêng, cử hai cụ đám đến thì hòn đá lập tức lăn vào võng và dân Cổ Loa khiêng về được. Đi đến vị trí nay là am Mỵ Châu thì võng bị đứt, không cách nào mang đi được nữa, dân làng bèn lập am thờ tại đó. Tảng đá Mỵ Châu ban đầu có kích thước nhỏ, sau cứ lớn dần mãi. Đến khi nhân dân phải khấn xin tảng đá mới không lớn nữa. Tương truyền trong đá có ngọc quý nên ngày một lớn và rất linh thiêng, cho đến khi quân giặc kéo sang, lấy ngọc mang đi, tảng đá mới thôi không lớn nữa. Chỗ mà hòn đá được vớt lên được nhân dân gọi là Lăng Bà Chúa”.
Những câu chuyện dân gian qua nhiều thời kỳ lịch sử phản ánh một dấu ấn sâu đậm của Mỵ Châu trong đời sống tâm linh của nhân dân với một sự linh thiêng thành kính.