NGÀY THÁNH SINH 11 THÁNG TÁM ÂM LỊCH
Ngày 16 tháng 09 Năm 2024

Thục Phán (khoảng TK III – II TCN) là vua người Âu Việt  đã tổ chức cuộc kháng chiến chống quân Tần thắng lợi, được vua Hùng Duệ Vương đời thứ 18 nhường ngôi. Ông lên ngôi, xưng vương, hợp nhất hai bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt làm một, đổi tên nước là Âu Lạc, đóng đô tại Cổ Loa, tiếp nối sự nghiệp của vua Hùng - một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử lịch sử dân tộc.

Sắc phong năm 1629

Với những công lao đặc biệt quan trọng trong buổi đầu dựng nước, An Dương Vương đã được các triều đình phong kiến Lê - Nguyễn phong thần, ban phong mỹ tự và cho nhiều nơi lập đền, thờ phụng, nhân dân Cổ Loa được gọi là “Hộ nhi tạo lệ”, được miễn trừ thuế, tạp dịch, được cấp ruộng công phục vụ cho việc thờ cúng. Đặc biệt tại đền Thượng Cổ Loa còn lưu giữ được 21 đạo sắc phong, lệnh dụ ghi chép lại điều này. Lệnh dụ ngày 24 tháng 12 năm Thịnh Đức thứ 2 (1654) có ghi: “Thục An Dương Vương xưa đã tỏ rõ linh ứng giúp cho nước Quốc vương (chúa Trịnh) ngự trị lâu năm, để tông xã ngàn vạn năm phúc mãi vô cùng phụng lệnh chỉ chuẩn cấp cho xã được trừ toàn bộ các khoản lao dịch quân dân, các khoản tô thuế đê điều, ruộng đất, ao đầm, cầu cống ruộng đồng; việc khuân vác đài tải đi sứ, xây dựng đắp đê làm cống kể cả các khoản sưu sai tạp dịch của các hộ đều được miễn trừ cấp cho vào hương hỏa phụng sự”.

Nhân ngày Thánh sinh (11 tháng Tám âm lịch), Ban Quản lý khu di tích Cổ Loa giới thiệu tới bạn đọc về Thần tích ngày sinh của vua An Dương Vương được chép ở Bộ thứ 19, mục “Đế vương” phần “Thục An Dương Vương tiên đế triều ngọc phả cổ lục thượng đẳng” như sau:

 “Nước ta có Ai Lao bộ chủ, vốn là dòng dõi cùng một bọc trăm trứng của con cháu nhà vua. Đời vua thứ tám là Lạc Long Quân hứa cho Ai Lao bộ chủ tự trị. Cha truyền con nối, kế vị lâu đời, con cháu 17 đời. Bấy giờ thời Hùng vương, Công Bích là Ai Lao bộ chủ, thật là bậc hiền hậu anh tài lấy đức để giáo hóa dân, lấy nhân đức để nuôi dưỡng mọi người. Thật là thịnh vậy. Chính cung sinh được hai con trai rồi bất hạnh mất sớm. Vua sau này lấy con gái của viên Lệnh công ở huyện Gia Định, phủ Thuận An, Đạo Bắc Giang là Trần Trấn Nương cũng là người hiền hòa, xứng bậc nữ lưu đời Nghiêu Thuấn. Vua rất mừng, lập làm đệ nhị cung nhân, loan phượng tương xứng, vợ chồng hài hòa trải thấu mấy năm. Trần Trấn cung nhân đã ở tuổi hai ba, một hôm nhàn rỗi, vợ chồng ngồi ở Tây lầu pha trà xơi nước. Cung nhân dựa vào hành lang phảng phất gió mát, hồn nhiên mơ mộng. Bỗng thấy rồng vàng từ trời cao giáng thẳng xuống, đầu nhập vào bụng cung nhân. Cung nhân bàng hoàng hai tay nắm lấy đầu rồng vàng, trong lòng tỉnh mộng. Biết đây là mộng nên nói với vua. Vua nghe nói rồi bảo rằng: Nếu quả như vậy tất sẽ có tin vui, vốn trời trao cho anh tài đâu phải chuyện tầm thường! Từ đó vua vui mừng khôn xiết, hân hoan vui họp trong cảnh trống chiêng, tiếng đàn, tiếng thơ rộn ràng vang khắp. Cho đến một trăm ngày sau cung nhân quả nhiên mang thai” .

Vào ngày vua sinh, thần tích lại nói: “Bấy giờ, trời đất tối sầm, hương gió thơm nức, khí lành huy hoàng dâng khắp phòng. Cung nhân sinh ra một bọc là một người con trai, hình hài lẫm liệt, thể hiện khôi ngô, lông mày con tằm, mũi rồng, hàm én, chẳng phải tầm thường, sinh ra sau 100 ngày, tức là Bộ Chủ, đặt tên là Thạc Công”.

Vua An Dương Vương từ nhỏ đã là người tài: “Trải qua mấy năm mà văn chương nổi tiếng ở đời, võ nghệ tinh thông, vượt lên hết thảy. Kiến thức uyên thâm mênh mông học được ở “sông Châu, sông Tứ”[1], “Cách vật, trí tri”[2] không gì là không biết, lại thích cung tên, binh thư đọc thấu, mỗi khi ngồi bàn luận nói năng như gió”.

Khi trưởng thành “được vua nhường ngôi kế vị Thục An Dương Vương , từ đấy đất nước vững vàng, quốc gia thanh bình, núi sông tráng lệ, đức của vua rộng rãi hài hòa không kể hết, cho nên trời thuận, người theo, dân bốn phương yên vui lạc nghiệp, thiên hạ vui lời ca tiếng sáo, bốn biển ngưỡng mộ đón cảnh tượng thái bình”. Thần tích đã ca ngợi công đức của vua An Dương Vương ví như trời, biển: “Ơn của vua như núi như biển, đức của vua cao sâu như trời đất. Khắp chốn, mọi nơi không một người nào, sự vật nào lại không được nuôi dưỡng trông nom, nghìn dày cao thẳm thấm nhuần vào xương tủy, đức rộng và nhiều ban phát khắp núi sông. Đức độ huy hoàng ấy chiếu tỏa như mặt trời mặt trăng, công ơn ấy dồi dào so đất trời không xứng”.

Trong tình cảm của thế hệ người Việt Nam, hình ảnh của Thục Phán – An Dương Vương được phản ánh trong câu đối của Hoàng Giáp Nguyễn Tư Giản[3] tại đền Cổ Loa:

Đế tĩnh sơn hà, thiên sinh hùng vĩ, Âu Lạc khải phong, Côn Luân triệu địa, uy chấn viêm giao, công thùy thanh sử;

Thành quách do tồn, nhân tâm vô dị, miếu mạo nguy nga, trường lưu thiên địa.

 (Trị an sông núi, trời sinh hùng vĩ, mở mang Âu Lạc, Côn Luân đất lành, uy dội nước Nam, công ghi sử xanh; Thành quách vẫn còn, lòng dân không đổi, miếu mạo nguy nga, mãi cùng trời đất).

Để tưởng nhớ công lao của Đức Vua, chính quyền và nhân dân Cổ Loa hằng năm tổ chức lễ dâng hương nhằm tri ân tiền nhân và răn dạy lớp con cháu về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cùng tinh thần đoàn kết xây dựng quê hương Cổ Loa giàu mạnh.

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA

 

[1] Sông Châu, sông Tứ chỉ 2 con sông nơi Khổng Tử (551 – 479 TCN) đắc đạo

[2] Ý nghĩa là người chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ

[3] Hoàng Giáp Nguyễn Tư Giản (1823 – 1890)