Cổ Loa là khu di tích có giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ đặc biệt quan trọng của dân tộc. Nơi đây, trong thời cổ đại là địa bàn cư trú, sinh tụ của người Việt cổ, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và quân sự từ rất sớm. Khu vực Cổ Loa với sự ra đời nhà nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương, nhà nước sơ khai của nước ta vào thế kỷ III-II TCN đã chứng kiến một quá trình phát sinh, phát triển liên tục và lâu dài của nền văn minh Sông Hồng mà đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn. Từ năm 1959 đến nay, tại khu vực Cổ Loa đã phát hiện, khai quật nhiều di chỉ khảo cổ học quan trọng và nổi tiếng như: Đồng Vông, Bãi Mèn, Đình Chiền, Đình Tràng, Mả Tre, Thành Nội, Thành Ngoại, Thành Trung, Xuân Kiều, Xóm Nhồi, Đền Thượng, Tiên Hội, Đường Mây, Cầu Vực…Niên đại trải qua các giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun – Đông Sơn và kéo dài các giai đoạn lịch sử cho đến ngày nay.
Tháng 10 năm 2015, Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa được người dân địa phương thông tin cho biết về những phát hiện như; nhiều bờ vách đất bị cháy qua lửa (người dân quen gọi là đất đá ong), nhiều mảnh ngói, cục đất nung, mảnh tường lò rơi ra khắp khu vực. Nhiều năm trước đây trong quá trình canh tác, sản xuất nông nghiệp, người dân địa phương phát bờ làm ruộng đã làm lộ thiên nhiều dấu vết lò nung, nhiều mảng tường lò, hiện vật nung… và cũng đã phá hủy đi nhiều lò nung gạch ngói.
Ban Quản lý khu di tích Cổ Loa đã khẩn trương tổ chức điều tra khảo sát sơ bộ tại khu vực đó và phát hiện liên hoàn hệ thống lò nung gạch ngói nằm trên bờ vách của cánh đồng cao, thuộc khu vực Cửa Lăng – Gốc Gia, gần bờ sông Hoàng Giang cổ. Theo quan sát ban đầu của chúng tôi, hệ thống lò ở đây cũng tương tự như hệ thống lò nung ở khu vực ụ hỏa hồi trong khuôn viên Đền Thượng khai quật vào năm 2005 – 2006. Hệ thống lò nung gạch ngói xuất lộ một đoạn trên bờ vách của phần ruộng cao trồng màu, gần dòng chảy của sông Hoàng Giang cổ. Tại dải bờ ruộng chứa hệ thống lò nung lớn nhất đo được dài hơn 31m, cao 2,5m, có nhiều mảng tường cháy, đất qua lửa, dấu vết lò nung, tường lò, ngói còn ken dày trên vách… Tập trung phế tích nhiều nhất của hệ thống lò nung gạch ngói này ở bờ vách có chiều dài 6,5m, cao trên 2,5m, trên vách xuất lộ dấu vết của lò đều có mặt (cửa Lò) hướng ra phía Nam là đầm Sối Nội (trước đây là sông Hoàng Giang). Hiện tại lò thứ nhất đã bị vỡ và sập xuống chỉ còn lại một phần thân và đáy lò, rộng 116cm, cao 100cm. Tại cửa lò còn rõ gạch xây lò và các mảnh ngói. Lò thứ hai và lò thứ ba chỉ còn dấu vết gạch xây lò và đất nung. Bên cạnh đó, tại bờ ruộng còn xuất lộ tường lò, bị nung cháy đỏ, cao 125cm, dài 360cm. Tại bờ ruộng có chứa hệ thống lò nung gạch, ngói do người dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp cuốc bờ làm ruộng đã làm mất một phần hệ thống các lò nung gạch ngói này, hiện các lò bị sạt lở nghiên trọng chỉ còn dấu tích. Căn cứ vào cấu trúc, hình dáng, chức năng, các hiện vật thu được tại hiện trường và qua so sánh niên đại với các lò tương tự đã khai quật được. Chúng tôi nhận định sơ bộ ban đầu, niên đại của hệ thống lò nung ngói này là vào khoảng thế kỷ XIX.
Từ phát hiện này, Ban quản lý khu di tích Cổ Loa đã tìm đến nhà Trưởng thôn Mạch Tràng và nhận được sự nhiệt tình giúp đỡ của Ông, chúng tôi đã tiến hành khảo sát toàn bộ thôn Mạch Tràng để tìm hiểu thêm. Tại khu vực Đầm Cầu chúng tôi đã phát hiện có dấu vết lò nung gạch ngói, tuy nhiên lò bị ngập nước do người dân nuôi thủy sản, chỉ còn dấu vết của đất nung. Cũng theo người dân ở đây, dọc bờ ao khu này, còn rất nhiều dấu vết của lò nung gạch ngói như đất cháy và gạch ngói vỡ. Trong quá trình khảo sát tại thôn Mạch Tràng đã phát hiện nhiều khu vực trong thôn có dấu vết của hệ thông lò nung gạch ngói khoảng thế kỷ XVIII – XIX nằm dải rác ven sông Hoàng Giang cổ. Tuy nhiên, hệ thống di tích lò nung gạch ngói tại thôn Mạch Tràng đang trong quá trình bị phá hoại nghiêm trọng, có nguy cơ sẽ bị xóa sổ hoàn toàn trong nay mai. Vì vậy cần phải được nghiên cứu, điều tra, khảo sát kỹ và có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng chuyên môn.
Liên hoàn hệ thống lò nung gạch ngói đã được tìm thấy vừa qua có giá trị quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển khu di tích Cổ Loa. Nghiên cứu hệ thống lò nung, chúng ta có thể hiểu được quy mô, mục đích, chức năng và vai trò của hệ thống lò nung gạch ngói, cũng như những ảnh hưởng to lớn của chúng tới khu di tích Cổ Loa. Nghiên cứu hệ thống lò nung còn nhằm so sánh và làm sáng tỏ hơn lịch sử văn hoá các giai đoạn sau thời kỳ An Dương Vương tạo nên bức tranh lịch sử xuyên suốt trong diễn trình của dân tộc. Đồng thời đây cũng là những hiện vật, tư liệu quý để sưu tầm, bảo tồn, trưng bày, tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử khu di tích Cổ Loa tới đông đảo quần chúng nhân dân và bạn bè quốc tế, bổ sung nguồn tư liệu giá trị cho công tác nghiên cứu lâu dài về khu di tích Cổ Loa.
Một số hình ảnh của hệ thống lò nung gạch ngói ở thôn Mạch Tràng xã Cổ Loa:
Ảnh 1: Hệ thống 3 dấu vết lò nung trên bờ ruộng
Ảnh 2: Chi tiết dấu vết lò nung
Ảnh 3: Dấu vết tường lò bị nung cháy đỏ
Ảnh 4: Dấu vết lò nung ngập nước
Nguyễn Thị Thủy