Chính phủ đã ban hành quyết định số 1004/QĐ- TTg ngày 3/7/2015 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Thành Cổ Loa ( tỷ lệ 1/2000). Phạm vi quy hoạch thuộc các khu vực liên quan đến Khu di tích thành Cổ Loa và phụ cận, trên địa bàn các xã Cổ Loa, Dục Tú, Việt Hùng, Uy Nỗ, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, quy mô khoảng 860,4 ha.
Lễ hội Cổ Loa hàng năm
Khu di tích Thành Cổ Loa là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng năm 1962, được Chính Phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Cổ Loa từng là trung tâm kinh thành, quân thành của nhà nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương, là kinh đô của nhà nước quân chủ thời Ngô Quyền. Đây là khu di tích có giá trị lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng, được các nhà khoa học đánh giá “ là tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ”. Hiện nay khu di tích còn lưu giữ nhiều loại hình di tích vật thể và phi vật thể phong phú độc đáo, gắn với thời kỳ đầu dựng nước của dân tộc. Tiêu biểu là di tích Thành Cổ Loa, với dấu tích còn lại của ba vòng thành (thành Nội, thành Trung và thành Ngoại), dài khoảng 16 km. Trung tâm của tòa thành là quần thể di tích Đền Thượng, Đình Ngự triều di quy, am Mỵ Châu, chùa Bảo Sơn…
Cổ Loa là khu vực có truyền thống văn hóa lâu đời. Sự đa dạng, đặc sắc của Cổ Loa thể hiện ở ba hệ giá trị Lịch sử – Nhân văn – Sinh thái. Vì vậy định hướng của quy hoạch tổng thể đã xác định: Bảo tồn khu di tích Thành Cổ Loa gắn với an sinh xã hội dựa trên cân bằng ba hệ giá trị Lịch sử – Nhân văn và Sinh thái; bảo tồn, duy trì tính nguyên gốc và toàn vẹn của hệ thống di sản trên mặt đất, tiềm ẩn dưới lòng đất cùng toàn bộ môi trường lịch sử, môi trường xã hội nông thôn và môi trường sinh thái nông nghiệp; ổn định nâng cao chất lượng sống của cư dân Cổ Loa là công cụ cốt lõi để thực hiện thành công mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa Cổ Loa. Theo đó, khu di tích Cổ Loa là không gian quan trọng kết nối các tuyến du lịch văn hóa lớn của Thủ đô như: Tuyến cảnh quan văn hóa Sông Hồng – Hồ Tây – Ba Vì, tuyến không gian bảo tồn hệ thống di tích Đền Hùng – Mê Linh – Cổ Loa – Hoàng thành Thăng Long – Sơn Tây – Thành cổ Luy Lâu. Khu vực Cổ Loa sẽ dần chuyển đổi từ vùng cư dân nông thôn nội thành Hà Nội sang mô hình “ Công viên Lịch sử – Sinh thái – Nhân văn”, trong đó ngành kinh tế chủ đạo là phát triển dịch vụ và du lịch, theo xu hướng bảo tồn di sản sống, bảo tồn không gian văn hóa, không gian làng mạc truyền thống và cảnh quan môi trường Cổ Loa.
Nội dung chi tiết của quy hoạch đã đề cập đến nhiều lĩnh vực như quy mô dân số, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch bảo tồn tôn tạo khu di tích, quy hoạch không gian và thiết kế đô thị, quy hoạch các hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực Cổ Loa. Đặc biệt là Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Cổ Loa, Quy chế quản lý đầu tư xây dựng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích, với nhiều chương trình cụ thể, có số vốn đầu tư khoảng 7.400 tỷ VND, bao gồm: Chương trình nhà ở, di dân, tái định cư; bảo tồn giá trị di sản vật thể và phi vật thể; chương trình phát triển hạ tầng; bảo tồn và khai thác các giá trị môi trường cảnh quan đô thị và thiên nhiên gắn liền với khu di tích; phát huy giá trị di tích, thông tin quảng bá và phát triển du lịch; an sinh xã hội và đào tạo nguồn nhân lực; chương trình nâng cao năng lực quản lý và xúc tiến đầu tư.
Một đoạn thành ngoại
Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Thành Cổ Loa ( tỷ lệ 1/2000) được Chính phủ phê duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng để từng bước triển khai các chương trình, dự án thành phần, thực hiện mục tiêu bảo tồn, tôn tạo, hướng tới xây dựng và tôn vinh khu di tích Thành Cổ Loa trở thành công viên Lịch sử – Sinh thái – Nhân văn của thủ đô Hà Nội. Đây cũng là dấu mốc quan trọng để chính quyền và nhân dân Cổ Loa từng bước bảo tồn bền vững các giá trị văn hóa đặc sắc của vùng Cổ Loa.
Kim Yến
Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội