THÔN DÕNG
Ngày 23 tháng 12 Năm 2024

Thôn Dõng nằm về phía Bắc, giữa vòng thành Trung và vòng thành Ngoại, có địa giới hành chính:

- Phía tây: giáp thôn Gà.

- Phía nam: giáp thôn Lan Trì.

- Phía đông: giáp thôn Nhồi Dưới.

- Phía bắc: giáp thôn Nhồi Trên.

Tên trước đây của thôn Dõng là Ngõ Rỗng. Theo dân gian giải thích vì nơi đây xưa là một xóm nghèo, dân cư thưa thớt, tài sản của nhiều gia đình trong xóm hầu như không có gì, trống rỗng và từ đó âm “rỗng” biến âm đọc chệch đi thành Dõng. Thôn Dõng hiện nay gồm 2 khu vực cư trú với tên gọi là Dõng Trên - Dõng Dưới, cách gọi này có lẽ bắt nguồn từ tương quan vị trí giữa hai thôn: thôn Dõng trên ở phía Bắc còn Dõng dưới ở phía Nam. Về quy mô thì hiện Dõng trên lớn hơn cả về diện tích và dân số so với Dõng dưới. Nguyên nhân của việc phân tách thành hai thôn, người dân địa phương cho biết: trước hai thôn là một, điếm của thôn được xây dựng ở vị trí mà hiện nay là điếm của Dõng Trên. Tuy nhiên, mỗi khi trong thôn có việc tổ chức, hội họp tại điếm, trên điếm có đánh trống/đánh mõ báo hiệu mời các cụ ra “việc làng” thì các cụ ở khu vực trên (tức Dõng Trên bây giờ) ở gần  nên đến trước và chia hết phần cỗ tế lễ, ăn khao... Vì thế nên các cụ ở khu phía dưới thống nhất tách ra, lập thành thôn Dõng Dưới, đồng thời cũng xây riêng một điếm thờ (gọi là điếm ngõ) để mỗi khi thôn có việc thì làm riêng, như thế dù có đến muộn nhưng “phần” của mình vẫn còn. Về thời gian diễn ra sự chia tách này thì không ai còn nhớ. Điều này phản ánh một đặc điểm lịch sử của Cổ Loa, đó là: quần tụ trên những khu vực cư trú nhất định (xóm) nhưng vùng đất Cổ Loa lại trải tương đối rộng, nương theo địa hình và được bao bọc bởi các vòng thành (đây là những điều kiện thuận lợi cho việc thành lập đơn vị cư trú mới), cùng với sự tăng lên về dân số là nhu cầu về đất cư trú, đất canh tác, sự biến động về cơ cấu dân cư, dòng họ... đã dẫn đến xu hướng phân tách thôn, mở rộng địa bàn và tạo nên các khu vực cư trú mới.

Các dòng họ chính trong thôn hiện nay gồm họ Nguyễn, Hoàng, Phạm, Đào. Trong đó họ Nguyễn với chi Nguyễn Văn chiếm số lượng đông nhất.

Trong thôn hiện nay còn lưu dấu một số công trình kiến trúc văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo như: điếm DõngTrên, điếm Dõng Dưới.

 Điếm Dõng Trên nằm cạnh ngay con đường trục chính của thôn, trong khu vực thổ cư. Điếm là nơi thờ thổ thần - vị thần tâm linh bảo vệ cho thôn. Điếm cũng chính là nơi hội họp và tổ chức những sinh hoạt chung của cả thôn, xưa là nơi tuần đinh tập trung trong lúc bảo vệ an ninh trật tự trong thôn. Trong các ngày lễ hội của cả Cổ Loa, ngoài việc cùng các thôn khác lo lễ hội chung ở đền, đình, người dân trong thôn thường tập trung tại điếm, ngày này điếm là nơi tổ chức các trò vui chơi giải trí như tổ tôm điếm, trọi gà... Điếm Dõng Trên có niên đại khởi dựng năm Thành Thái 11 (1899) được ghi ở gian tiền tế, còn hậu cung ghi năm Khải Định 5 (1920).

Điếm Dõng Dưới nằm cạnh ngay con đường trục chính của thôn Dõng Dưới, trong khu vực thổ cư. Cũng như điếm Dõng Trên, điếm Dõng Dưới được xây dựng là nơi nhân dân trong xóm hội họp, cúng lễ. Việc xây dựng điếm Dõng Dưới gắn liền với việc chia tách hai thôn Dõng Dưới và Dõng Trên.

Tại hai ngôi điếm Dõng Trên và Dõng Dưới, xưa kia còn là nơi cúng giỗ của những người không có con (hoặc không có con trai, chỉ có con gái) gửi giỗ bằng cách đặt ruộng hậu. Đến thời kỳ cách ruộng đất, loại hình ruộng hậu (tức ruộng công) này không còn, vì thế việc cúng hậu cũng không duy trì được nữa. Ngày nay, tại các ngôi điếm này, trong một số ngày nhất định trong năm như mồng 6 tháng 1, 15 tháng 4, 15 tháng 7, 25 tháng 12 tại điếm thường tổ chức cúng, cúng cháo, việc này do các cụ bà đi quy (vãi) tổ chức để cúng các linh hồn bơ vơ. Tháng chạp hàng năm, tại điếm thường cúng thổ thần bằng ngựa giấy cùng tiền, vàng mã, sau khi cúng thì tiền vàng hoá ngay, riêng ngựa để thờ đến tháng chạp năm sau mới hoá. Điếm cũng là nơi diễn ra các hoạt động hội họp của thôn, của những người cao tuổi, nơi vui chơi, tập văn nghệ... của thanh thiếu niên.

 BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA