Thôn Vang nằm trên cả vòng thành Trung và vòng thành Ngoại về phía Đông khu di tích Cổ Loa, có địa giới hành chính giáp với các thôn:
- Phía Bắc: giáp cánh đồng xóm Cưu.
- Phía Nam: giáp chợ Sa và sông Hoàng Giang.
- Phía Tây: giáp thôn Chợ.
- Phía Đông: giáp cánh đồng xã Dục Tú.
Thôn Vang có tên chữ là Đa Bang thôn. Tên gọi thôn Vang theo dân gian có nhiều cách lý giải khác nhau. Cách giải thích thông dụng nhất là: xưa kia thành Cổ Loa là khu vực đô thị sầm uất, do vậy nơi đây là khu vực tập trung nhiều mặt hàng buôn bán. Tại thôn Vang dân cư tập trung đông đúc và chủ yếu là bán hàng vàng. Do vậy, xóm Vang tức là phố hàng Vàng, và “Vang” là tên gọi chệch của từ Vàng mà ra.
Theo dòng thời gian gần 8 thế kỉ trôi qua - đến đầu thế kỉ XIX, Cổ Loa từ một phế tích kinh thành trở thành một làng một xã lớn, nơi quy tụ dòng họ từ khắp nơi có kinh tế nông nghiệp, có nghề thủ công, có chợ. Cổ Loa còn là một trong bát xã thuộc tổng Cổ Loa có mối quan hệ lịch sử lâu đời, biểu hiện bằng việc tám xã cùng tổ chức lễ hội thờ An Dương Vương.
Cổ Loa khi xưa có 3 giáp tương đương với 3 đình trong đó thôn Vang cùng với thôn Thượng thuộc giáp Đông Nhất.
Các công trình kiến trúc tiêu biểu của thôn hiện nay gồm có: điếm thôn, miếu Trấn Nam, miếu Trấn Đông (nay chỉ còn là phế tích), lăng Bà Chúa, đền đá (nay chỉ còn là phế tích) và một số ngôi nhà cổ trong thôn.
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA