Truyền thuyết dân gian khu vực Cổ Loa còn lưu dấu hình ảnh công chúa Mỵ Châu, người con gái của vua Thục An dương Vương và mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy.
Chuyện kể rằng, sau khi vua An Dương Vương chạy đến núi Mộ Dạ (Nghệ An) được thần Kim Quy cho biết người ngồi sau lưng mình chính là giặc liền chém công chúa Mỵ Châu, máu chảy loang mặt nước, loài trai nuốt vào mang ngọc trai trong mình. Sau khi mất, theo truyền thuyết được Trọng Thủy đưa về mai táng ở Cổ Loa hóa thành hòn đá ngọc. Tại làng Cổ Loa hiện còn lăng Bà Chúa (ở đông bắc xóm Vang, phía Nam khu đầm Cả).
Tuy nhiên, ở Cổ Loa còn lưu truyền một truyền thuyết khác về công chúa Mỵ Châu và bức tượng đá. Một thời gian sau khi Mỵ Châu mất, tự nhiên ở khu đầm Cả xuất hiện một hòn đá lạ, có người đánh dậm, đánh cả ngày mà không được gì, chỉ thấy trong dậm một hòn đá, vứt xuống nước nhiều lần mà không được cuối cùng phải vớt hòn đá lên bờ và hòn đá to lớn theo từng ngày. Trẻ chăn trâu thấy hòn đá lấy làm vui thích trèo lên nghịch ngợm, sau về nhà đều bị ốm. Từ đó dân làng biết hòn đá là linh thiêng nên nhân dân mấy làng cùng đến rước, nhưng tất cả các làng xung quanh đều không làng nào rước được về, chỉ khi nhân dân làng Cổ Loa cử hai cụ quan đám mang võng đào ra khiêng thì hòn đá lập tức lăn vào võng. Khi rước đến khu vực nay là am Mỵ Châu thì võng bị đứt, không cách nào mang đi được nữa, nhân dân bèn lập đền thờ tại đó. Tảng đá Mỵ Châu ban đầu có kích thước nhỏ, sau cứ lớn dần mãi, đến khi nhân dân cầu khấn tảng đá mới thôi không lớn nữa. Những câu chuyện dân gian qua nhiều thời kỳ lịch sử phản ánh một dấu ấn sâu đậm của Mỵ Châu trong đời sống tâm linh của nhân dân Cổ Loa với một sự linh thiêng thành kính. Câu chuyện về Mỵ Châu là một bài học nhắc nhở chúng ta về tinh thần luôn cảnh giác cao độ trước mọi kẻ thù, đề cao đạo lý "uống nước nhớ nguồn", khơi dậy lòng yêu nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Theo cuốn "Ngọc Phả Cổ Lục" được lưu giữ tại đền Thượng (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội), ngày 13 tháng Tám Âm lịch hằng năm là ngày ăn Sêu (ăn hỏi) Bà Chúa Mỵ Châu - con gái của vua An Dương Vương. Sêu là tục lệ có từ xưa của người Việt. Tục lệ này có nghĩa là chàng rể mang đồ lễ đến biếu nhà vợ để thể hiện lòng thành kính, tôn trọng đối với người sinh ra vợ mình, đó cũng như là thủ tục dạm ngõ và là thử thách đối với chàng rể tương lai. Thời gian ăn sêu được coi như giai đoạn thử thách đối với người con rể: Nếu gia đình nhà gái có công việc thì chàng trai phải đến giúp đỡ, tùy từng mùa mà sắm sửa lễ vật đến biếu/tặng gia đình nhà gái, như tháng 3 sêu vải, tháng 5 sêu dưa hấu, ngỗng, tháng 9 sêu hồng, cốm, gạo mới,...
Quan đám dâng lễ trong ngày ăn sêu hàng năm
Trầu têm cánh phượng dâng lễ ngày ăn sêu
Ở Cổ Loa, ngày ăn sêu 13 tháng Tám âm lịch nhà nhà, người người đều dùng bún Mạch Tràng[1] như một vật phẩm dâng lên bàn thờ tổ tiên và làm món ăn trong gia đình. Xưa kia, trong làng Cổ Loa, có nơi tục ăn sêu Bà Chúa diễn ra trong ba ngày như ở xóm Chợ, xóm Dõng (từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8): Ngày 13 ăn bún, ngày 14 ăn thịt bò thui và ngày 15 ăn xôi chè. Còn ở thôn Cầu Cả, mọi người tự làm bún ăn với thủ lợn, mời mọi người trong gia đình, họ mạc cùng ăn.
Ngày nay, tục lệ ăn sêu bà chúa Mỵ Châu vẫn tiếp tục được duy trì như một minh chứng phản ánh dấu ấn sâu đậm và được lưu truyền trong đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân Cổ Loa.
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA
[1] Mạch Tràng là một làng trong Bát xã hộ nhi - 8 làng cổ thờ cúng Đức vua An Dương Vương