ỨNG DỤNG PHƯƠNG PHÁP SÀNG NỔI TRONG NGHIÊN CỨU KHẢO CỔ HỌC TẠI CỔ LOA
Ngày 08 tháng 10 Năm 2022

Năm 1905, nhà Ai Cập học người Đức Ludwig Wittmack công bố sử dụng phương pháp sàng nổi để phục hồi tàn tích thực vật từ gạch không nung cổ đại. Phương pháp này đã được áp dụng rộng rãi trong nghiên cứu khảo cổ học ở nhiều nước trên thế giới và khu vực. Tuy nhiên, ở Việt Nam phương pháp này mới được triển khai vài năm gần đây. TS. Nguyễn Thị Mai Hương – nghiên cứu viên chính thuộc Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa sử dụng phương pháp sàng lọc để phục hồi các hiện vật nhỏ và di tồn thực vật từ các mẫu đất trong các hố khai quật khảo cổ học Cổ Loa.

Phương pháp sàng nổi là một trong những cách phổ biến nhất để lấy xác thực vật bị cacbon hóa từ các bối cảnh khảo cổ học, cho phép xử lý nhanh chóng nhiều mẫu đất và thu hồi các vật thể nhỏ. Hơn nữa, dụng cụ và quy trình tiêu chuẩn khá đơn giản, bao gồm: thùng chứa, lưới kích thước nhỏ (250 micron) và nước.

Trong quá trình sàng nổi, các mẫu đất được hòa tan trong nước và lọc qua một tấm lưới có kích thước 250µm. Các vật liệu ít đặc hơn (chủ yếu là vật chất hữu cơ) như hạt, than củi, quả và các vật liệu nhẹ khác nổi lên, và các mảnh đá nhỏ, cát hoặc các mảnh xương và các vật liệu tương đối nặng khác đọng ở đáy thùng được bỏ lại.

Những vật liệu hữu cơ sau khi sàng nổi được phơi khô trong bóng mát và xác định dưới kính soi nổi có độ phóng đại từ x20 đến x60 hoặc x100 lần.

Trong thời gian nghiên cứu tiếp theo, kết quả xác định các loài thực vật từ việc sàng nổi kết hợp với kết quả phân tích phấn hoa góp phần tái dựng lại hệ thực vật, cung cấp thông tin về mức độ cư trú, môi trường, khí hậu và chức năng, ý nghĩa xã hội khác nhau của thực vật tại Di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa.

Dụng cụ sàng lọc

Pha trộn mẫu đất vào nước

Sàng lọc

Di tồn thực vật sau sàng lọc

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA