Khai mạc Lễ hội Cổ Loa Xuân Đinh Dậu 2017
Ngày 12 tháng 12 Năm 2019

Sáng ngày 02/02/2017 (tức ngày Mồng Sáu tháng Giêng năm Đinh Dậu), tại sân rồng đền Thượng Cổ Loa, UBND huyện Đông Anh, UBND xã Cổ Loa và Ban Quản lý khu di tích Cổ Loa đã phối hợp tổ chức khai mạc Lễ hội Cổ Loa xuân Đinh Dậu. Tham dự lễ khai mạc có các đại biểu đại diện lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện Đông Anh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân huyện Đông Anh và khách thập phương cả nước.

Ở thời kỳ Văn Lang, Cổ Loa là một trung tâm cư trú của người Việt cổ. Sau thắng lợi chống quân xâm lược nhà Tần (218 – 208 TCN), Thục Phán lên ngôi vua, xưng hiệu là An Dương Vương, đổi tên nước thành Âu Lạc và chuyển kinh đô xuống Cổ Loa. Đại Việt sử diễn ca có ghi:

 

“Thục từ dứt nước Văn Lang

Đổi tên Âu Lạc dời sang Loa Thành”

 

Thục Phán đã sáp nhập 2 bộ tộc người Âu Việt và Lạc Việt thành một cộng đồng Âu Lạc thống nhất. Việc thành lập quốc gia Âu Lạc thể hiện sự lớn mạnh của tinh thần tự chủ dân tộc và là một dấu mốc quan trọng trong dòng chảy của lịch sử, tiến về đồng bằng để xây dựng và phát triển đất nước. Trước yêu cầu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, Thục Phán đã cho xây tòa thành ốc nổi tiếng. Cổ Loa trở thành kinh đô, trung tâm quân sự, chính trị, văn hóa của cả nước. Sau này Cổ Loa lại được Ngô Quyền chọn làm kinh đô của nước Vạn Xuân độc lập.

Lễ hội Cổ Loa hay “Lễ hội Bát xã Hộ Nhi” diễn ra từ ngày Mồng 6 đến ngày 18 tháng Giêng hàng năm để tưởng nhớ công đức của đức vua An Dương Vương, vị vua đã có công lập nước Âu Lạc (thế kỷ III TCN) từ những buổi đầu dựng nước và giữ nước.

khai-mac-le-hoi-co-loa-xuan-dinh-dau-2017

Lễ hội Cổ Loa vốn là lễ hội cấp vùng, có quy mô thực hành rất lớn trong quá khứ. Đây là một trong những lễ hội danh tiếng ở châu thổ Bắc Bộ đã phản ánh về cội nguồn và truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước hết sức hào hùng của dân tộc Việt Nam qua mấy ngàn năm lịch sử. Lễ hội cũng là nơi phản ánh rõ nét những phong tục tập quán tốt đẹp, truyền thống văn hóa độc đáo của cả vùng Cổ Loa, góp phần giáo dục truyền thống và bồi đắp niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ.

Các nghi thức tế – lễ, trò chơi dân gian trong lễ hội Cổ Loa xưa và nay đang được nghiên cứu, bổ sung và trình diễn trong lễ hội để gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Cổ Loa, hướng tới xây dựng và tôn vinh khu di tích Cổ Loa trở thành Công viên Lịch sử – Sinh thái – Nhân văn của Thủ đô Hà Nội.

Các hoạt động trong Lễ hội “Bát xã Loa Thành”:

Lễ hội Cổ Loa diễn ra 12 ngày, từ ngày Mồng 6 tháng Giêng đến ngày 18 tháng Giêng.

– Ngày Mồng 6 tháng Giêng lễ hội Bát xã tại Cổ Loa

– Ngày Mồng 8 tháng Giêng lễ hội làng Văn Thượng, xã Xuân Canh

– Ngày Mồng 9 tháng Giêng lễ hội làng Ngoại Sát, xã Xuân Canh; Lễ hội làng Đài Bi, xã Uy Nỗ
 

– Ngày Mồng 10 tháng Giêng lễ hội làng Mạch Tràng, xã Cổ Loa

– Ngày 11 tháng Giêng lễ hội làng Cầu Cả, xã Cổ Loa

– Ngày 13 tháng Giêng lễ hội Sằn Dã, xã Cổ Loa

– Ngày 16 tháng Giêng lễ hội làng Thư Cưu, xã Cổ Loa

 

Một số hình ảnh tại Lễ hội Cổ Loa

le_dang_huong_an_duong_vuong

Lễ dâng hương tại đền thờ vua An Dương Vương

 

nghithuc_te_le2017

 

nghithuc_te_le20172

Nghi thức lễ – tế – rước của Bát xã Loa Thành

le_hoi_vat_truyen_thong

Hội vật truyền thống

thi_dau_co_nguoi

Thi đấu cờ người

du_tien

Đu tiên

ban_no

Bắn nỏ

mua-roi-nuoc

Múa rối nước

viet-thu-phap

Viết thư pháp

hat_quan_ho

Hát quan họ

 

Hoàng Công Huy