KỶ NIỆM 145 NĂM THÀNH LẬP HUYỆN ĐÔNG ANH – HÀ NỘI (10/1876 – 10/2021)
Ngày 22 tháng 10 Năm 2021

Đông Anh là vùng đất cổ có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời với di tích lịch sử Cổ Loa hai lần được chọn làm kinh đô đất nước dưới thời An Dương Vương (thế kỷ III trước Công nguyên) và thời Ngô Quyền (thế kỷ X), với thành Ốc Cổ Loa – một “Tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ”. Hòa quyện trong dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, Đông Anh là một trong những địa bàn sinh tụ rất sớm của người Việt cổ gắn với truyền thống hào hùng trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Bởi thế, nơi đây có bề dày lịch sử - văn hóa và truyền thống cách mạng tự hào.

Huyện Đông Anh ngày nay, chính thức được thành lập tháng Chín năm Bính Tý đời Tự Đức (tháng 10 năm 1876), trên cơ sở các làng xã thuộc các huyện: Đông Ngàn (phủ Từ Sơn), Kim Anh (phủ Bắc Hà) của tỉnh Bắc Ninh, Yên Lãng (phủ Tam Đới, tỉnh Sơn Tây). Đây là những vùng đất cổ, được hình thành cùng với quá trình dựng nước của tổ tiên ta từ thủa các vua Hùng. Năm đầu niên hiệu Thành Thái (năm Kỷ Tỵ,1889), huyện Đông Anh được đổi tên thành Đông Khê; ngày 10 tháng 4 năm 1903, Thống sứ Bắc Kỳ ra quyết định đổi lại tên huyện Đông Khê thành Đông Anh. Ngày 06 tháng 10 năm 1901, Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định về việc thành lập tỉnh Phù Lỗ (Đông Anh trở thành một huyện của tỉnh Phù Lỗ). Năm 1904, tỉnh Phù Lỗ được đổi tên thành tỉnh Phúc Yên.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đông Anh thuộc Phúc Yên. Ngày 12 tháng 2 năm 1950, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 03-TTg, hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc (Đông Anh trở thành một huyện của tỉnh Vĩnh Phúc).

Theo Nghị quyết Quốc hội khóa II, kỳ họp thứ II (ngày 20 tháng 4 năm 1961) về việc mở rộng Thủ đô, huyện Đông Anh được chuyển về Hà Nội. Ngày 31 tháng 5 năm 1961, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 78-CP về việc tổ chức lại các đơn vị hành chính của 4 khu nội thành và 4 huyện ngoại thành của Thủ đô Hà Nội. Theo đó, Đông Anh là một huyện ngoại thành, có 23 xã. Trong đó 16 xã cũ của Huyện gồm: Anh Dũng; Bắc Hồng; Dân Chủ; Hùng Sơn; Liên Hiệp; Phúc Thịnh; Quyết Tâm; Nam Hồng; Tân Tiến; Toàn Thắng; Tự Do, Thành Công; Vạn Thắng; Việt Thắng; Việt Hùng và 7 xã mới được sáp nhập gồm: Kim Chung; Tầm Xá; Dục Tú; Đông Hội; Liên Hà; Mai Lâm; Vân Hà.

Ngày 13 tháng 10 năm 1982, huyện Đông Anh có thêm một đơn vị hành chính mới là thị trấn Đông Anh, được thành lập theo Quyết định 173/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Thị trấn gồm một phần đất đai và dân cư của các xã Uy Nỗ, Việt Hùng, Nguyên Khê, Tiên Dương và Xuân Nộn. Đến đây, huyện Đông Anh có 24 đơn vị hành chính (gồm thị trấn Đông Anh và 23 xã được đổi tên như ngày nay).

Đông Anh ngày nay là huyện phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, có tổng diện tích 18.230 ha, dân số hơn 40 vạn người phân bổ trên 23 xã, 01 thị trấn (với 155 thôn làng và 40 tổ dân phố). Theo quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội: Đông Anh nằm trong vùng quy hoạch phát triển Đô thị trung tâm đã được Chính phủ phê duyệt, là đầu mối giao thông quan trọng giữa Thủ đô với các tỉnh phía bắc của Tổ quốc với các tuyến đường giao thông huyết mạch qua Huyện và đi quốc tế: Tuyến đường Võ Nguyên Giáp đi Sân bay quốc tế Nội Bài, Đường Võ Văn Kiệt, đường Quốc lộ 3 mới… Đảng bộ huyện Đông Anh có 59 TCCS Đảng, trong đó có 45 Đảng bộ cơ sở gồm: 23 đảng bộ xã, 01 đảng bộ thị trấn, 02 đảng bộ khối lực lượng vũ trang; 09 đảng bộ khối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp, 09 Đảng bộ DN khu vực ngoài nhà nước và 14 chi bộ cơ sở, 530 chi bộ dưới cơ sở với trên 15.000 đảng viên.

“Đông Anh một dùng đất có vị thế hết sức đặc biệt, luôn được chọn là “điểm tựa” cho quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô và đất nước, một địa bàn đã trở thành một biểu tượng, hằng số của lịch sử, văn hóa Việt Nam…”. Trải qua quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, các thế hệ người dân Đông Anh luôn phát huy tinh thần yêu nước, cần cù, tài hòa, sáng tạo trong lao động; anh dũng, quật cường trong chiến đấu, góp phần cùng cả nước lập nên những chiến công hiển hách, viết nên những trang vàng chói lọi trong lịch sử dân tộc.

Sau 35 năm đổi mới tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1986 - 2021) đến nay Đông Anh đang chuyển mình mạnh mẽ và là Huyện có tốc độ phát triển, đô thị hóa nhanh. Kinh tế liên tục tăng trưởng ở mức cao, cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân của Thủ đô và cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Nhiệm vụ thu ngân sách được tăng cường đáp ứng nhu cầu phát triển, chi ngân sách đảm bảo đúng quy định và luôn vượt chỉ tiêu Thành phố giao. Giáo dục – Đào tạo, Văn hóa – Xã hội tiếp tục được đầu tư đồng bộ, toàn diện, đạt nhiều kết quả tích cực, nổi bật. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh được quan tâm chỉ đạo. An sinh xã hội luôn được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Công tác Quốc phòng quân sự địa phương được củng cố, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh được tăng cường, tổ chức thực hiện có hiệu quả toàn diện trên các lĩnh vực tư tưởng tuyên giáo, tổ chức cán bộ, kiểm tra, giám sát, dân vận, cải cách hành chính trong Đảng. Công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm được chú trọng. Vai trò lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực tiếp tục được khẳng định; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên rõ rệt. Phương thức lãnh đạo và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ngày càng được đổi mới, sâu sát và hiệu quả, thiết thực. Tư tưởng nhân dân ổn định, lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý điều hành của Chính quyền các cấp ngày càng được nâng cao.

Với những thành tích đã đạt được cùng với đó nhiều kết quả nổi bật, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Đông Anh đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng: Chính phủ công nhận Huyện đạt Chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015; Năm 2016, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, năm 2019 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (lần thứ 2) trong xây dựng Nông thôn mới, liên tục từ năm 2015 đến nay, được Chính phủ, Ủy ban nhân dân Thành phố tặng Cờ thu đua xuất sắc; Đảng bộ nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những kết quả nổi bật đó có ý nghĩa rất quan trọng, tạo niềm tin và động lực mạnh mẽ để Đảng bộ, Chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân trong Huyện tiếp tục nỗ lực phấn đấu xây dựng huyện Đông Anh thành quận giàu đẹp, văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

Kỷ niệm 145 năm Thành lập huyện Đông Anh (10/1879 – 10/2021), 60 năm Đông Anh trở thành huyện ngoại thành của Thủ đô Hà Nội (31/5/1961 – 31/5/2021), kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2021), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Anh quyết tâm, nỗ lực tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XXIX Đảng bộ huyện Đông Anh nhiệm kỳ 2020 – 2025 “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, phát huy truyền thống Anh hùng, đoàn kết, dân chủ, sáng tạo; huy động hiệu quả mọi nguồn lực, xây dựng huyện Đông Anh thành quận giàu đẹp, văn minh, hiện đại”; quyết tâm thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận, hướng tới trở thành đô thị hiện đại của Thủ đô Hà Nội. Đông Anh sẽ tiếp tục phát huy những lợi thế, tiềm năng thế mạnh khắc phục những khó khăn thách thức trong quá trình phát triển để hoàn thành mục tiêu trở thành quận – đô thị hiện đại, kiểu mẫu, tạo điểm nhấn về quy hoạch, kiến trúc và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô Hà Nội và cả nước.

Theo Ban Tuyên giáo huyện ủy Đông Anh.