Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai, các tầng lớp nhân dân, nhất là nông dân đắm chìm trong cuộc sống tối tăm, bị bóc lột đến tận xương tủy. Phát huy truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông, người dân Cổ Loa cùng người dân cả nước đã vùng lên đấu tranh, tham gia tích cực phong trào chống Pháp do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo.
Ngày 03/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Tháng 2/1938, cán bộ Đảng về Cổ Loa gây dựng cơ sở thúc đẩy hoạt động, phong trào cách mạng ở Cổ Loa có bước phát triển mới. Nhiều gia đình đã trở thành cơ sở vững vàng, tin cậy của Đảng. Tháng 9/1939, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định đặt cơ quan in ấn của báo Giải Phóng tại Cổ Loa. Cuối năm 1941, Cổ Loa cùng một số xã khác trong huyện Đông Anh được chọn là An toàn Khu (ATK) – nơi bảo vệ cơ quan Trung ương, cán bộ của Đảng để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Cổ Loa đã trở thành cơ sở, trạm giao thông liên lạc của Trung ương Đảng, là điểm hẹn an toàn giữa Trung ương với địa phương, là địa điểm liên lạc an toàn của Thường vụ Trung ương ở ATK1 với Chiến khu Việt Bắc, Hà Nội, Hà Đông và nhiều nơi khác trong thời gian từ năm 1941 – 1945. Những di tích lịch sử: cơ quan in báo Cờ Giải Phóng của Đảng, trạm liên lạc đình Cổ Loa và những tấm gương hi sinh anh dũng để bảo vệ ATK vẫn mãi là niềm tự hào của người dân Cổ Loa.
Đến tháng 8/1945, phong trào kháng Nhật cứu nước ở Cổ Loa phát triển mạnh mẽ với sự ra đời lớn mạnh của các tổ chức quần chúng: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thiếu nhi cứu quốc. Khi thời cơ cách mạng đến, Tổ Việt Minh Cổ Loa đã chủ động lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Phúc Yên, huyện Đông Anh là huyện đầu tiên trong tỉnh và Cổ Loa là xã đầu tiên trong huyện khởi nghĩa giành chính quyền. Đó là niềm tự hào, là dấu son tô thắm truyền thống lịch sử vẻ vang của mảnh đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam – kỷ nguyên độc lập, tự do tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa. Nhân dân Cổ Loa đã cùng nhân dân trong huyện Đông Anh và nhân dân cả nước quyết tâm phấn đấu xây dựng chính quyền nhân dân ngày càng vững mạnh, thực sựu là chính quyền của những người lao động, vì nhân dân lao động, viết tiếp những trang sử mới vẻ vang của Cổ Loa trong kỷ nguyên đấu tranh và xây dựng.
Đồng chí Nguyễn Văn Chén, nguyên cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ, đảng viên đầu tiên của xã Cổ Loa và huyện Đông Anh
Bia di tích cách mạng Cổ Loa
Nghĩa trang liệt sĩ xã Cổ Loa
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA