Sáng ngày 10/2/2025, tức ngày 13 tháng Giêng năm Ất Tỵ, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, Công ty Cổ phần Giáo dục Công nghệ AES phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa đã làm lễ cung tiến chiêng, trống vào đền Thượng, phục vụ việc thực hành các nghi thức tế, lễ đức vua An Dương Vương, người đã có công lập nước Âu Lạc, xây thành Cổ Loa, chế tạo nỏ thần chống giặc, giữ nước, dạy dân trồng lúa nước, phát triển sản xuất và là vị thần bảo trợ cho muôn đời con cháu Lạc Hồng.
Tham dự buổi lễ có PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam; Ths Tô Văn Động - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam; TS. Nguyễn Thị Thu Hường - Giám đốc Công ty Cổ phần Giáo dục Công nghệ AES, TS. Ngô Văn Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội; Ths. Hoàng Công Huy - Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa; Bà Nguyễn Thị Tám - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh; Ông Nguyễn Khả Nghị - Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Loa và Lãnh đạo các phòng cùng toàn thể cán bộ BQL Khu di tích Cổ Loa.
Lễ dâng hương tại đền thờ Đức vua An Dương Vương
Ths. Tô Văn Động - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phát biểu tại buổi lễ
Ths. Hoàng Công Huy – Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa phát biểu cảm ơn tới các đơn vị hảo tâm cung tiến
Chiêng đồng có đường kính 90cm, trọng lượng 51 kg, do các nghệ nhân làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa thực hiện.
Trống có đường kính 90cm do các nghệ nhân làng nghề truyền thống lâu đời ở làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam thực hiện.
TS. Ngô Văn Nam – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện nghi lễ khai chiêng trước sự chứng kiến của các đại biểu tham dự
Ths. Tô Văn Động - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam thực hiện nghi lễ khai trống trước sự chứng kiến của các đại biểu tham dự
Chiêng và trống không chỉ là những hiện vật văn hóa, mà còn là linh hồn của các nghi lễ truyền thống, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa thế hệ đi trước và các thế hệ mai sau. Đặc biệt, trong nền văn hóa dân gian của dân tộc Việt Nam. Chiêng, Trống mang trong mình một ý nghĩa sâu sắc về sự linh thiêng, sự kết nối cộng đồng và niềm tự hào dân tộc.
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA