Thời Hùng Vương, nước Văn Lang của các bộ tộc Lạc Việt, gồm 15 bộ, có trung tâm ở khu vực miền núi phía Bắc nước ta. Vào đầu thế kỷ III trước Công nguyên, một đế chế rộng lớn và hùng mạnh mới được thống nhất ở phía Bắc: nhà Tần – đế chế ở phương Bắc, đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược với quy mô lớn, số quân đông tới 50 vạn, do Đồ Thư thống lĩnh tiến xuống phía Nam để “bình Bách Việt”. Nước Văn Lang nhỏ bé lâm nguy.
Lúc bấy giờ, Thục Phán vốn là một thủ lĩnh của người Tây Âu trên địa bàn phía Bắc Văn Lang, đã cùng liên kết với nhiều tù trưởng của Tây Âu và Lạc Việt tổ chức cuộc kháng chiến chống quân Tần. Trong cuộc kháng chiến ấy, Thục Phán nổi lên là một thủ lĩnh tài giỏi, có uy tín lớn đối với cả Tây Âu và Lạc Việt.
Năm 208 TCN, sau cuộc kháng chiến chống quân Tần thắng lợi, Thục Phán sáp nhập hai bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt, thành lập nước Âu Lạc xưng Vương, tiếp nối sự nghiệp của vua Hùng – một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình thống nhất các dân tộc, thể hiện bước phát triển mới của quốc gia cổ đại của các tộc người Việt, là sự kế tục ở bước cao hơn Văn Lang và cũng là một yêu cầu tất yếu của lịch sử. An Dương Vương đã quyết định dời vị trí trung tâm của đất nước từ vùng núi phía bắc xuống vùng đồng bằng, rộng lớn và thuận lợi hơn, lập Kinh đô, xây dựng đất nước chống giặc ngoại xâm. Đó là vùng đất Cổ Loa ngày nay.
Vua An Dương Vương và quân dân Âu Lạc, chỉ trong một thời gian ngắn đã xây dựng xong một tòa thành đồ sộ và độc đáo, từng được gọi là thành Ốc, Tư long thành, Loa thành hay thành Cổ Loa, có đủ các yếu tố thuận lợi cho phòng thủ và tấn công: thủy bộ liên hoàn, trong ngoài kết hợp, ta thì tiến thoái đều nhanh, địch thì khó bề xâm phạm. Thành Cổ Loa, với vai trò là Kinh đô của Âu Lạc, mang 3 chức năng: Kinh thành, Quân thành, Thị thành và được các nhà khảo cổ đánh giá là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ”. Đặc biệt, danh tướng Cao Lỗ đã chế ra nỏ Liên Châu, mỗi lần bắn ra được nhiều mũi tên, được xem là “nỏ thần”, vũ khí thần dũng vô địch để giữ nước Âu Lạc với lời nói được truyền tụng “Giữ được nỏ thần, thì giữ được thiên hạ – mất nỏ thần sẽ mất cả thiên hạ”. Nhờ có thành cao, hào sâu, vũ khí lợi hại cùng sự đoàn kết quân dân, An Dương Vương đã nhiều lần đánh bại quân Triệu Đà xâm lược và để lại cho lịch sử đời sau những giá trị to lớn và sâu sắc về công cuộc dựng nước, giữ nước của dân tộc.
Hiện nay, tại Khu di tích Cổ Loa còn lưu giữ được nhiều đạo sắc phong của các triều đại Lê, Nguyễn (từ thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XX) sắc ban cho xã Cổ Loa thờ phụng đức vua An Dương Vương. Các sắc phong đều tôn thờ An Dương Vương là vị vua có nhiều công lao trong việc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Như sắc phong soạn ngày 20 tháng 4 nhuận năm Đức Long thứ 01 (1629) có đoạn: An Dương Vương là “bậc hùng tài trong thiên hạ, cử binh dương nỏ thần làm uy, sáng như sao lâu mưu làm nên sự nghiệp, giúp nước vững âu vàng, giữ vững đất Việt, tỏ rõ anh linh, công lao thật nhiều”.Hàng năm, đến ngày sinh của vua, 11 tháng 8 âm lịch được ghi chép lại trong cuốn “Ngọc phả cổ lục”, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Ban Quản lý khu di tích Cổ Loa thành kính tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm Đức vua An Dương Vương tại đền Thượng khu di tích Cổ Loa – xã Cổ Loa – huyện Đông Anh – Thành phố Hà Nội để tri ân tiền nhân, giáo dục truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, phát huy giá trị lịch sử trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA