Ngày Xuân bắn nỏ thi hội Cổ Loa
Ngày 19 tháng 12 Năm 2019

Lễ hội Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), lễ hội truyền thống đầu xuân lớn bậc nhất đất Kinh kỳ với điểm nhấn hội thi bắn nỏ, là biểu tượng văn hóa thể hiện tinh thần thượng võ người Việt xưa.

Môn thể thao truyền thống

Theo truyền thuyết, ngày mồng 6 tháng Giêng (âm lịch) là ngày vua An Dương Vương lên ngôi hoàng đế. Hơn 2.000 năm người Cổ Loa đã tổ chức lễ hội ghi nhớ công ơn vị anh hùng dân tộc, người mang nỏ thần huyền thoại sáp nhập Âu Việt - Lạc Việt thành quốc gia Âu Lạc, mở mang bờ cõi xuống đồng bằng miền biển, dựng kinh đô Cổ Loa.

thi-ban-no-02

Sáng ngày mùng 6 Tết, làng tổ chức lễ rước văn tế từ nhà vị tiên chỉ ra đền tế thần. Đoàn tế lễ trang trọng với cờ ngũ hành, phường bát âm, giá văn tế đặt trong kiệu có lọng che, nối tiếp là quan viên làng và các vị kỳ mục. Đến đình làng, cuộc tế lễ kéo dài tới quá giờ Ngọ. Quan viên kỳ mục lần lượt làm lễ tế, cầu nguyện cuộc sống yên bình, thịnh vượng.

Lễ hội kéo dài tới rằm tháng Giêng. Tối ở đình làng có đốt pháo hoa, hát ca trù, hát tuồng. Ban ngày các cụ ông chơi bài, đánh cờ; các cụ bà đi lễ đình lễ chùa. Thanh thiếu niên nam nữ có đánh đu, đấu vật, kéo co, leo dây, cờ người, thổi cơm thi, chọi gà, đánh đáo mẹt… Đặc biệt nhất là hội thi bắn nỏ, điểm nhấn lễ hội.

no-thanh-an-duong-vuong

Mô hình nỏ thần An Dương Vương

Nỏ là một loại vũ khí cổ để bắn tên. Loại đơn giản là một cánh cung nằm ngang trên một cái báng có rãnh. Cái báng có thể làm bằng gỗ hay kim loại. Có một cơ chế đơn giản để khi nạp mũi nỏ thì nó sẽ đứng yên tại vị trí ấy mà không cần giữ tay. Nỏ sẽ chỉ được bắn ra chừng nào bóp cò, thường ở gần tay cầm, dưới báng. Từ ngàn xưa, nỏ đã là thứ vũ khí tối ưu bảo vệ dân làng khỏi kẻ thù, ngoại xâm, hay dùng để săn bắn.

Ông Lê Thanh Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Loa cho hay, hội thi bắn nỏ nhằm tưởng nhớ tới công lao của những vị anh hùng dân tộc. Hội thi bắn nỏ thường diễn ra tại Trung tâm khu Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, thu hút nhiều nam thanh nữ tú say mê học bắn nỏ. Việc học bắn nỏ là môn thể thao truyền thống, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc, vừa giáo dục con cháu tự hào về cội nguồn.

Muốn bắn giỏi phải tập luyện thường xuyên, tập đôi tay khỏe, mắt tinh nhanh. Tập từ căng dây nỏ, vót tên, tập các động tác bắn thuần thục. Người bắn nỏ phải có thần kinh ổn định, tâm lý bình tĩnh, mắt sáng, tay chắc để giương cánh cung ngắm bắn chính xác vào mục tiêu. Tập kỹ thuật kéo dây nỏ sao cho đều, kéo từ từ chứ không giật cục. Kéo được rồi lại đến cách ngắm sao cho chính xác, rồi mới gạt nẫy nỏ giải phóng dây, đẩy mũi tên bay tới đích. Có loại nỏ có thể bắn đồng thời nhiều tên, đặt song song trên thân. Nỏ có lực đàn hồi lớn, bắn xa từ 100- 400m và độ chính xác cao hơn cung... 

Kỳ công tập luyện

Để làm được cây nỏ rất khó, cái khó đầu tiên là tìm đúng nguyên vật liệu. Theo các “cao thủ” chế tác và bắn nỏ, vật liệu làm nỏ phải là cây luồng đá, được chọn cẩn thận từ những cây luồng già, dóng thẳng. Cây phải chặt vào tháng 10 âm lịch mới không cong vênh, độ chính xác khi bắn mới cao, vì thời tiết lúc này hanh khô, không nóng hoặc lạnh quá. 

Thân nỏ làm bằng loại gỗ tốt, cứng như đinh, không mối mọt, ít bị tác động bởi thời tiết, khí hậu. Mũi tên làm bằng cây bương già, dóng dài và thẳng, để thật khô mới vót. Mũi tên cứng bắn mới chính xác. Dây nỏ được se bằng vỏ cây gai đảm bảo độ dai bền... 

Để chiếc nỏ đạt yêu cầu, phải mất hàng tháng chỉnh sửa cho chính xác. Việc vót tên cũng phải thật tỉ mỉ trong từng đường dao. Vóc người nhỏ thì sử dụng nỏ ngắn, người cao lớn thì dùng nỏ dài hơn. Mũi tên cũng vậy, dài ngắn cũng không quan trọng, miễn là vừa tầm với cây nỏ và phải đảm bảo thẳng, đuôi tên không bị lệch. Nếu thay đổi thiết kế nỏ để cầm cho chắc hơn thì lại thành ra thứ đồ lai tạp, không phải nỏ truyền thống. Cuộc thi không chấp nhận chuyện thay đổi thiết kế khác với hình dáng chiếc nỏ truyền trống.

Trong hội thi, các “nỏ thủ” đặc biệt phải có độ “lì” nhất định: Không mất tập trung, không bị ảnh hưởng tâm lý bởi du khách, những người xung quanh. Kinh nghiệm cho thấy, trước khi bắn phải nhấp nước ướt dây nỏ, sức bắn sẽ mạnh hơn. 

Người mới cầm nỏ lần đầu sẽ rất ngượng nghịu, do mải chú ý đến phần tay kéo lẫy mà quên cầm chặt đuôi nỏ. Khi bắn, sợi dây căng cứng bung hết sức sẽ giật rất mạnh, nếu không cầm chặt thì nỏ sẽ bị rơi dẫn tới ảnh hưởng kết quả bắn lần sau. 

Điều quan trọng khác là phải chú ý đến kết cấu thô sơ của nỏ, bởi rất dễ xảy ra tình trạng “cướp cò” nếu người bắn sơ sẩy. Khi dùng nỏ cần tuân thủ các nguyên tắc để bảo đảm an toàn. Kinh nghiệm người xưa khi bắn trên cao phải nhìn thấy ánh sáng mặt trời, bắn dưới thấp phải nhìn thấy đất mới tránh được những tai nạn đáng tiếc.  

Mỗi khi Tết đến Xuân về, cùng với hội thi bắn nỏ độc đáo, du khách trẩy hội Cổ Loa không chỉ chiêm ngưỡng những hình bóng truyền thuyết xưa, mà còn đến với giá trị văn hóa mang vẻ đẹp và sức mạnh trường tồn dân tộc Việt.  

Thùy Dương