NGÔ QUYỀN – VỊ TỔ TRUNG HƯNG ĐẤT NƯỚC
Ngày 06 tháng 05 Năm 2024

1. Thân thế Ngô Quyền

Sử cũ đều chép Ngô Quyền xuất thân trong một dòng họ quý tộc, có thế lực ở Giao Châu. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tiền Ngô vương: ở ngôi 6 năm, thọ 47 tuổi (898-944). Vua mưu tài đánh giỏi, làm nên công tái tạo, đứng đầu các vua. Họ Ngô, tên húy là Quyền, người Đường Lâm, đời đời là nhà quý tộc. Cha là [Ngô] Mân làm chức Châu mục ở bản châu”.

Đại Việt sử ký tiền biên chép: “Tiền Ngô vương: Vua họ Ngô, húy là Quyền, người Đường Lâm… Vua đời đời là quý tộc ở Đường Lâm, cha là [Ngô] Mân làm quan Mục ở châu đó. Khi vua mới sinh ra có một luồng ánh sáng lạ tỏa khắp nhà. Vua hình dạng khác thường, sau lưng có ba nốt ruồi, người xem tướng cho là khác thường, bảo rằng người này có thể làm chúa một phương, bèn đặt tên là Quyền. Khi lớn lên, vẻ người khôi ngô, mắt sáng như tia chớp, đi thong thả như dáng cọp, có chí dũng, sức có thể giơ nổi vạc…”.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Ngô Quyền, người xã Đường Lâm, thuộc dòng quý tộc đã lâu đời, cha là [Ngô] Mân trước làm quan Mục ngay châu nhà (tức Giao Châu - TG)…”.

Như vậy, cho thấy Ngô Quyền sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước chống quân xâm lược phương Bắc. Theo Thần tích đền Gia Viên, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng, thì ông Tổ bốn đời của Ngô Quyền là Ngô Xuân, là người đã từng chiêu mộ được hơn 100 thủ hạ theo Triệu Quang Phục, tiếp tục sự nghiệp anh hùng của Lý Nam đế chống quân Lương. Vì lập được nhiều chiến công nên ông được phong làm thổ tù và được cha truyền con nối chức tước. Cha Ngô Quyền là Ngô Mân, còn mẹ ông là bà họ Phạm, người cùng châu Đường Lâm. Ngô Quyền sinh 4 người con trai: Ngô Xương Ngập (Thiên Sách Vương), Ngô Xương Văn (Nam Tấn Vương), Ngô Nam Hưng, Ngô Càn Hưng (Thất truyền).

2. Ngô Quyền với chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938

Năm Đinh Dậu (937), Kiều Công Tiễn - bộ tướng của Dương Đình Nghệ đã sát hại chủ tướng, đoạt chức Tiết độ sứ. Từ Ái Châu, Ngô Quyền  là tướng và là con rể của Dương Đình Nghệ chuẩn bị lực lượng tiến ra Bắc diệt trừ tên phản bội. Trước sự căm ghét và phản kháng của quân dân trong  nước, Kiều Công Tiễn tự thấy mình thế cô lực yếu, đã đê hèn cho người sang  cầu cứu vua Nam Hán. Đoán trước được ý đồ “nội công ngoại kích” của địch, Ngô Quyền đã nhanh chóng tập hợp lực lượng chống thù trong giặc ngoài. Tháng 10 năm 938, Ngô Quyền tiến quân bao vây thành Đại La, tiêu   diệt Kiều Công Tiễn, đập tan thế lực phản động, làm thất bại âm mưu dùng nội ứng của nhà Nam Hán. Tiếp đó, ông tập hợp mọi lực lượng dân tộc, kêu gọi động viên nhân dân cả nước, đặc biệt là dân binh các làng xã ở miền Đông Bắc tham gia đánh giặc; mặt khác, ông chủ trương lợi dụng địa hình hiểm trở của núi  rừng, sông nước ở vùng cửa sông Bạch Đằng bí mật bố trí một trận địa mai phục, với bãi cọc ngầm đóng dưới lòng sông và triển khai quân đội mai phục ở hai bên bờ sông  sẵn sàng đón đánh quân địch.

Cuối tháng 12 năm 938, đoàn binh thuyền Nam Hán do Hoằng Tháo chỉ huy từ Quảng Đông (Trung Quốc) vượt biển, qua đường Đông Kênh, châu Vĩnh An, tiến vào vùng vịnh Hạ Long. Đúng như kế hoạch, khi nước triều đang lên, Ngô Quyền cho một bộ phận thủy quân ra khiêu chiến, rồi giả vờ thua. Hoằng Tháo thúc quân đuổi theo nhưng chúng đã lọt vào trận địa phục binh mà Ngô Quyền đã bày sẵn. Khi nước thủy triều xuống, Ngô Quyền  ra lệnh cho quân thủy bộ từ các vị trí mai phục, bất thần xông ra chặn đầu, đánh tạt hai bên sườn đội hình thuyền giặc. Bị đánh bất ngờ và mạnh liệt, thủy quân Nam Hán không kịp trở tay, đội hình rối loạn, tổn thất lớn, buộc phải quay đầu tháo chạy hòng thoát ra biển, nhưng lại bị sa vào trận địa cọc ngầm. Trong thời gian ngắn, toàn bộ đoàn chiến thuyền của Nam Hán bị nhấn chìm, hầu hết quân địch bị tiêu diệt, trong đó có cả chủ tướng Lưu Hoằng Tháo.

3. Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa

Ngay sau ngày chiến thắng, Ngô Quyền kéo đại quân về đóng đô ở Loa Thành (thành Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) để tỏ ý tiếp tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước đời Hùng Vương - An Dương Vương, khẳng định quyết tâm giữ vững nền độc lập dân tộc non trẻ vừa mới giành lại được. Ông quyết định bỏ chức Tiết độ sứ của phong kiến phương Bắc, tự x­ưng Vư­ơng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết “Kỷ Hợi, năm thứ 1 (939), (). Mùa xuân, vua bắt đầu xưng vương, lập Dương Thị làm Hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục”. Ông kiên quyết cắt đứt mọi quan hệ lệ thuộc đối với nư­ớc ngoài, xây dựng một chính quyền theo mô hình quân chủ tập trung, một vương quốc thật sự độc lập.

Ngô Quyền trị vì đất nư­ớc chưa đầy 6 năm. Năm 944, ông qua đời khi mới 47 tuổi. Sự nghiệp mở nước, xưng vương của người anh hùng còn dang dở, nhưng trên đại thể vẫn nhận ra được vương triều Ngô “là Nhà nước độc lập của một quốc gia có đầy đủ chủ quyền, xét trên ý thức tư tưởng cũng như trong hoạt động thực tế” (Phan Huy Lê, 2011, Tìm về cội nguồn, Nxb. Thế giới, tr.700).

Lê Văn Hưu (1230-1322), nhà sử học khai sáng nền sử học Đại Việt thời Trần và được tôn vinh là Thủy tổ của nền sử học Việt Nam xác nhận:“Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta ngõ hầu đã nối lại được”. Nhà yêu nước kiệt xuất đầu thế kỷ XX Phan Bội Châu đã tôn vinh Ngô Quyền là vị “Tổ trung hưng nước ta”.

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA