Di vật tiêu biểu - SƯU TẬP LƯỠI CÀY ĐỒNG CỔ LOA

Ngày 21 tháng 6 năm 1982, trong khi người dân hạ thấp thửa ruộng ở khu Mả Tre (Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) đã phát hiện một trống đồng chứa hơn 200 hiện vật đồng thau các loại. Trong đó có 96 chiếc lưỡi cày đồng với hình dáng và kích thước khác nhau:

 - Nhóm 1: lưỡi cày hình tim có đặc điểm là khoảng rộng nhất của hai cánh nằm ở giữa theo chiều dọc của lưỡi cày. Phần mũi và phần gần họng thon dần khá cân xứng, tạo thành lưỡi cày có dáng hình thoi, cắt ngang hình tam giác.

Lưỡi cày hình tim

– Nhóm 2: lưỡi cày hình bầu dục có đặc điểm là kích thước trung bình, phần rộng nhất của cánh nằm gần phía họng, do đó vai thể hiện khá rõ, phần mũi thon dần tạo thành hình bầu dục.

Lưỡi cày hình bầu dục

       – Nhóm 3: lưỡi cày hình gần tròn đặc điểm của kiểu này là chiều dọc và chiều ngang của lưỡi gần tương đương nhau.

Lưỡi cày hình gần tròn

Lưỡi cày ra đời, là sản phẩm của thời đại đồ sắt, là thành tựu của cư dân Đông Sơn đã trải qua kinh nghiệm hàng nghìn năm. Sưu tập lưỡi cày Cổ Loa không chỉ thể hiện sự tiến bộ của kỹ thuật luyện kim và đúc đồng mà còn phản ánh sự phát triển của kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước đã phát triển tới trình độ cao.

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA