THÔN CHỢ
Ngày 23 tháng 12 Năm 2024

Từ phía chợ Sa đi vào cửa Nam thành là tới thôn Chợ. Thôn Chợ ngày nay là một trong hai thôn thuộc phạm vi đất thành Nội - Cổ Loa ngày xưa và là một trong 15 thôn thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội ngày nay. Vị trí giáp giới của thôn Chợ này như sau:

- Phía bắc: giáp thôn Hương.

- Phía nam: giáp sông Hoàng Giang.

- Phía tây: giáp với thôn Chùa.

 -Phía đông: giáp thôn Vang.

 Thôn Chợ có tên chữ là Ngõ Thị thôn. Theo cách giải thích dân gian thì sở dĩ thôn có tên như vậy vì khi xưa nơi đây từng là khu vực buôn bán sầm uất một thời. Thôn Chợ nằm gần cửa Trấn Nam của thành Cổ Loa, phía trước là sông Hoàng Giang, có chợ Sa, nên dần dần dân cư tập trung sinh sống, buôn bán đông đúc. Dân xóm Chợ ngày xưa chỉ chuyên nghề buôn bán, chạy chợ.

Thôn Chợ có lịch sử lâu đời, thành phần cư dân bao gồm người Việt và một số ít người Hoa. Nhưng qua điều tra khảo sát các dòng họ trong thôn, thì chưa có dòng họ nào sinh sống được quá 15 đời. Ngoài họ Đào Duy (dòng họ lớn nhất) thì các dòng họ như Nguyễn, Chu… cũng chiếm một số lượng đông đảo.

Họ Đào Duy là họ lớn nhất trong thôn. Gia phả họ Đào Duy gồm 5 tấm bia đá khắc một mặt. Bia chính giữa có tên: Đào tộc phả ký, hai bia bên cạnh là Đào tộc ất chi Đào tộc giáp chi, hai bia đá còn lại ghi về việc cúng hậu. Theo lời bia thì họ Đào: “Từ khi nhà Lê gặp nhiều lần binh hoả, gia phả, từ đường họ nhà ta bị mất mát đi. Vậy năm Đồng Khánh, Mậu Tý (1882) vào mùa đông cháu đời thứ bảy là Đào Duy Thận kính soạn gia phả. Nhà từ đường họ ta bắt đầu làm từ năm Thành Thái thứ 9, tuế thứ Đinh Dậu, làm bia đá khắc chữ năm 1919”. Gia phả cũng cho biết cụ tổ có tên là Đào Viết Thuận vốn có nguồn gốc từ Thanh Hoá, và hiện nay tại Thanh Hoá vẫn còn họ Đào...

Bên cạnh mối quan hệ dựa trên huyết thống thì mối quan hệ của những người đồng giới cũng được quan tâm trong một tổ chức gọi là giáp. Xưa, tổ chức giáp của thôn là một hình thức quản lý thiết thực và chủ yếu. Trong thôn, thanh niên từ mười tám tuổi trở lên được tham gia vào các công việc của thôn. Đến tuổi thì phải mua nhiêu, nếu không có tiền thì có thể làm lễ cúng. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, làng thiếu tiền thì có thể bán nhiêu non, trẻ em từ hai ba tuổi trở lên cũng có thể mua. Người trong làng nếu có phẩm hàm từ bát phẩm trở lên thì được làm tiên chỉ. Tiên chỉ có nhiệm vụ làm văn tế và chủ tế trong các hoạt động lễ hội chung của cả làng. Khi có cỗ thì tiên chỉ ăn một mình một mâm. Trong làng nếu ai có nhiều ruộng thì có thể thầu lấy chức ấy. Mọi người dân hàng năm phải nộp thuế cho làng bằng thóc hoặc bằng tiền. Người bần nông không có ruộng thì đóng 8 hào, trung nông đóng 6 hào. Trong xóm gia đình nào có trâu bò thì từ 1 đến 2 năm đóng thuế 1 hào 2 cho trương tuần.

Tổ chức giáp ở thôn Chợ được phân theo ngõ hoặc theo dòng họ. Thanh niên đến 18 tuổi thì vào giáp và đã vào rồi thì không được tách ra. Thành viên của giáp có trách nhiệm thực hiện các công việc chung của giáp cũng như của làng xóm. Đứng đầu mỗi giáp là giáp trưởng do xã cử ra, chức này được giữ suốt đời. Khi mất thì xã sẽ cử người khác thay. Giữa các giáp với nhau không có sự phân biệt, nếu một thành viên trong giáp có công việc thì các thành viên khác có nhiệm vụ giúp đỡ lẫn nhau. Một gia đình thành viên trong giáp có việc tang thì các thành viên còn lại có trách nhiệm đến khiêng, người giáp khác không được tham gia công việc này.  Trong thôn cứ vào họ thì thành một giáp.

Thôn Chợ khi xưa có tục kết chạ với bốn làng khác là: Đông Trù, Hội Phụ, Đông Tảo, Vân Ruộm. Mục đích kết chạ là giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống cũng như để chống giặc ngoại xâm. Những người tham gia kết chạ tôn trọng nhau thường gọi nhau là anh cả, mỗi làng thường dành riêng một ngày cho hoạt động đón tiếp lẫn nhau gọi là tiền hương. Đến ngày này họ tiến hành làm cỗ và mời 4 giáp anh ăn. Ăn cỗ hay còn gọi là ăn yến thường diễn ra vào buổi đêm. Bữa cỗ thường có 8 đĩa giò, 8 đĩa thịt, 8 bát canh, 4 chiếc bánh cốm, 4 bánh rán, 4 quả chuối

Thôn Chợ đa phần nằm trong đất thành Nội, ngoài ra còn một phần nằm giữa cả ba vòng thành (đoạn phía nam - chợ Sa). Các công trình văn hoá tiêu biểu của thôn hiện nay gồm có: miếu cửa Nam, điếm Tranh và điếm xóm Chợ (điếm Lớn). Miếu cửa Nam (Trấn Nam môn) của thôn Chợ nằm trên mặt thành về phía tây. Theo dân gian thì miếu cửa Nam thờ vị tướng trấn giữ cửa Nam của thành Cổ Loa xưa. Hiện nay vị thần này được đưa vào thờ trong điếm của thôn.

Điếm Tranh nằm trên vòng thành Nội. Có ý kiến cho rằng điếm Tranh khi xưa được dành cho những người đi tuần trong xóm dùng làm nơi ngủ (một năm có 8 người đi tuần) để canh gác, bảo vệ xóm làng và chống ngoại xâm. Ngày xưa điếm được lợp bằng tranh tre nứa lá, do vậy mới có tên như  thế.

Điếm thôn Chợ là điếm chung cho cả thôn, có quy mô lớn nhất cũng như được xây dựng kiên cố và trang trí đẹp nhất. Điếm còn có tên gọi khác là điếm Lớn. Điếm quay hướng nam, phía trước mặt là một hồ nước rộng mà theo nhân dân thì đó chính là một đoạn của sông Hoàng Giang xưa. Điếm thôn Chợ khi xưa dùng làm nơi sinh hoạt văn hoá của nhân dân trong thôn. Trước đây điếm còn là nơi tổ chức hoạt động ăn yến do tục lệ kết chạ của thôn Chợ với các xóm khác như Đông Trù... Một số ý kiến cho rằng điếm thờ vị thổ thần, thành hoàng chung của cả xóm. Có người lại cho rằng điếm thờ ông Triệu Quang Vĩnh. Cùng quan điểm này còn có ý kiến khẳng định điếm thờ ông Triệu Quang Vĩnh (quê ở Hưng Yên), ở bên tả, bên hữu thờ ông Long Dung Thần Quang (quê ở Tam Đảo). Hai ông là những người đã có công lao trong việc trấn giữ cửa Nam của thành. Theo nhân dân trong xóm thì miếu thờ thuỷ thần.

 BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA