Thôn Gà hiện nay là một trong 15 thôn, xóm của xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Thôn Gà nằm ở phía tây bắc thành Nội và bên trong vòng thành Trung, cửa phía nam của thôn dẫn ra vòng thành Trung. Thôn Gà phía đông giáp thôn Hương, phía bắc giáp thôn Dõng, phía đông nam giáp thôn Lan Trì, phía tây và phía nam giáp vòng thành Trung. Khi xưa bốn phía bao quanh thôn Gà đều có hào sâu và luỹ trồng tre cao quá đầu người, dẫn vào làng chỉ có hai cổng. thôn Gà có độ nghiêng từ bắc xuống nam, cùng với độ nghiêng của xã Cổ Loa. Bề mặt của thôn tương đối bằng phẳng, được phủ kín bằng nhà ở, vườn tược, đường xá và các công trình kiến trúc dân dụng khác.
Dân thôn Gà luôn tự hào vì đây là nơi quy tụ đầu tiên của con người trên đất Cổ Loa, là cốt lõi của Phong Khê - Cổ Loa xưa. Tục truyền rằng khi xưa vua Chủ - tên dân gian của vua An Dương Vương đến đây định đô, xóm làng được coi là khởi thuỷ ấy đã bị đuổi đi để nhường chỗ cho vua An Dương Vương xây thành. Cuối cùng thôn cũ đã vắng bóng người, chỉ còn xót lại hai chị em ruột mà truyền thuyết không nhắc tới tên tuổi. Chẳng còn ai ngoài họ, hai chị em bèn lấy nhau, sinh con đẻ cái. Dân thôn Gà về sau là con cháu của đôi vợ chồng đồng huyết ấy.
Ngoài tên gọi thôn Gà, thôn còn có các tên khác là trại Phong Khê hay Quán Kê thôn. Về xuất xứ các tên gọi này có nhiều cách giải thích. Tương truyền rằng gần thôn Gà có cầu Bà Đám, ở đó có cái quán dùng làm nơi bán nước cho những người ra đồng, quán ấy có nhiều gà nên gọi là Quán Kê. Quán Kê trước đây là trung tâm, thị trấn của một vùng. Quán Kê còn gọi là quán Gà, hay phố Gà. Sở dĩ có tên là thôn Gà, vì theo dân gian truyền khẩu thôn Gà là nơi tụ tập của hội chọi gà trong thời kỳ An Dương Vương - Thục Phán, hay cách giải thích khác lại cho rằng khi xưa đây là khu phố bán gà (phố Hàng Gà) của đô thị Cổ Loa.
Dòng họ đầu tiên đến, cùng với với dân bản địa lập thôn là dòng họ Nguyễn Kim đến từ phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam. Theo gia phả, dòng họ này đã trải qua 25 đời sinh sống ở đây, với số hộ dân bằng hai phần ba số dân trong thôn hiện nay. Khi xưa các dòng họ đều có ruộng họ, nhiều nhất là họ Nguyễn Kim. Khi trong họ có việc, việc đóng góp được phân bổ theo suất đinh. Số tiền đóng góp đó được dùng trong các việc: giỗ, thăm hỏi người già ốm trong họ, hương nhang... Việc đóng góp là tự nguyện, không bắt buộc. Ngày nay, không còn họ nào có ruộng riêng.
Cơ cấu tổ chức của thôn Gà xưa kia theo hình thức Giáp (phe), xóm, ngõ. Làng Cổ Loa trước đây được chia làm 4 giáp: Đông Nhất, Đông Nhì, Đông Tam và Đoài Tự. Thôn Gà thuộc giáp Đông Tam. Các phe giáp được chia theo địa vực, không có tình trạng bất hoà giữa các phe.
Người đứng đầu một giáp gọi là trưởng giáp. 50 tuổi trở nên được làm trưởng giáp. Thời hạn làm trưởng giáp là một năm, nhưng sau một năm mà chưa có ai đến tuổi 50 để thay thế thì người đó phải làm cho đến khi nào có người lên thay thì thôi. Những người từ 70 tuổi trở lên được gọi là cụ Thượng (Thượng nhất), muốn thành cụ Thượng cũng phải làm lễ khao cả làng.
Để được vào phe, phải nộp tiền cho phe, gọi là mua phe, khi ấy mới được phe công nhận là thành viên. Nếu không nộp tiền vào phe thì sẽ không bao giờ được công nhận là thành viên. Vào phe ví như được công nhận có quyền "công dân", nên ai cũng phải cố gắng để được vào phe. Theo quy định chung, phải từ 18 tuổi trở lên mới được mua phe, vào giáp, nhưng trong thực tế nhiều người có của, con họ chỉ mới vài tuổi hoặc vừa sinh ra họ đã mua phe cho đứa trẻ, hiện tượng đó gọi là mua phe non. Trong phe (giáp) có những quy định chung, bắt buộc mọi thành viên phải theo. Nếu không tuân theo những quy định chung ấy, lập tức sẽ bị tẩy chay ra khỏi phe. Ngoài nghĩa vụ về đóng góp, người trong giáp cũng được hưởng một số quyền lợi nhất định. Sau mỗi một năm phe họp nhau lại, tậu ruộng để gây quỹ, nếu thiếu thì phải đóng góp thêm.
Ngoài vào phe (giáp), các thành viên trong làng còn phải cố gắng vào xóm. Muốn vào xóm phải mua nhiêu, hay còn gọi là mua ngõ. Cũng như phe, xóm cũng có những quy định bắt buộc chung và ngược lại những người tham gia cũng có những quyền lợi nhất định. Một người phải tham gia đầy đủ cả phe và xóm mới được coi là đủ quyền công dân. Ví dụ trong các đợt lễ lạt, người vào phe sẽ được phát một chiếc bánh dày khổ lớn, ai vào cả xóm sẽ được phát thêm một cái nữa.
Dưới đơn vị thôn, thôn Gà còn được chia làm nhiều ngõ: Ngõ Đông Trong (đoạn sang xóm Nhồi, ở đây có điếm Ngõ Đông), ngõ Đông Ngoài (gần điếm), ngõ Tây, ngõ Trên, hay ngõ Bắc (phía bắc xóm), ngõ Ba (đoạn ngã ba đường, ở đây có điếm Ngã Ba). Như vậy, trước đây ngoài điếm chung của cả thôn thì cả 5 ngõ đều có điếm riêng của ngõ mình. Điếm ngõ thường có ba gian, đây còn là nơi đặt hậu của những người trong ngõ. Những nhà trong thôn không có con trai, nếu có nhiều ruộng có thể gửi hậu ở điếm thôn, còn nếu có ít ruộng thì có thể gửi hậu ở điếm ngõ. Để được công nhận là thành viên của ngõ, các gia đình phải mua cho con mình một suất đinh bằng tiền, gọi là mua ngõ, tiền đó dùng để khao ngõ. Sau khi mua ngõ, khi có việc gì ăn uống sẽ được nhận cỗ (thường là xôi) do ngõ chia cho.
Các thôn ngõ trong làng có tục kết bạn với nhau, cứ một hoặc vài năm các thôn chơi với nhau lại họp mặt ăn yến. Bữa tiệc thường tổ chức rất to, tại điếm của thôn. Tiệc có thể kéo dài từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau. Thôn Gà “đánh” bạn với các thôn ở gần: Lan Trì, Dõng Trên, Dõng Dưới. Thời gian ăn yến thường vào gần tết, cũng lại có ý kiến cho rằng thời gian tổ chức là vào tháng giêng. Trong bữa tiệc có thể có hát đối, hát ca trù giữa các thôn. Từ 18 tuổi trở lên mới được tham gia tiệc yến. Nếu như thôn Gà tổ chức hội ăn yến để kết bạn với thôn Lan Trì thì những thanh niên của Lan Trì sẽ sang thôn Gà ăn cỗ và giao lưu. Những người già của thôn Lan Trì không đi. Thôn Gà phải cử một đoàn mang cỗ xuống mời những người già của Lan Trì.
Trong xóm hiện còn các công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng tiêu biểu như: điếm thôn Gà, miếu thôn Gà, nhà thờ họ Nguyễn Kim… Điếm thôn Gà tương truyền đây là ngôi điếm cổ nhất của Cổ Loa. Niên đại dựng điếm còn được ghi trên thượng lương là năm Bính Tý, niên hiệu Tự Đức 29 (1876).
Miếu thôn Gà nằm ở phía nam thôn, gần điếm. Miếu tương truyền là nơi thờ thần hà bá, long vương. Miếu quay hướng tây, kích thước nhỏ, xây bằng gạch bát, có chiều dài 30 cm. Bên cạnh miếu hiện vẫn còn một giếng cổ, đường kính ngoài rộng 2,9m, miệng giếng rộng 2,28m. Trước đây là giếng ăn chung của cả thôn, nước rất trong, đáy giếng có nhiều mảnh chum vại. Ngày xưa khi bị lũ lụt xóm Lan Trì cũng thường hay lên đây lấy nước.
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA