Cây nỏ gần như trở thành một thứ dụng cụ không thể thiếu cùng với lao, rìu, dao, cuốc, xẻng... trong quá trình chinh phục tự nhiên để tồn tại và phát triển. Đó là thứ vũ khí lợi hại bảo vệ mình trước thú dữ, đi săn lấy thực phẩm, cũng là hoạt động thể hiện tài năng của một người đàn ông trước cộng đồng và đặc biệt là vũ khí chống giặc ngoại xâm của ông cha ta từ thủa bình minh dựng nước.
Để làm được một chiếc nỏ không hề đơn giản, không chỉ đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ mà còn phải có bí quyết trong việc chọn nguyên liệu và chế tác. Phần quan trọng nhất của nỏ là cánh nỏ, cánh chính là trái tim của nỏ, là nơi hội tụ sức mạnh để khi kéo dây tạo ra lực bắn mũi tên vào mục tiêu. Muốn nỏ có tầm bắn xa, lực bắn mạnh thì việc chọn tre làm cánh là cực kỳ quan trọng. Vật liệu tốt nhất là luồng, ít nhất cây cũng phải 10 năm tuổi. Thân nỏ được làm bằng gỗ trong đó gỗ hồng bì là tốt nhất, gỗ cây này rắn chắc ít cong vênh, dai và không giòn rất thích hợp làm thân nỏ. Dây nỏ được làm từ cây gai, lấy sợi nối lại cho đủ độ dài rồi đem se. Nhưng nếu chỉ như vậy thì chưa tạo cho dây đủ độ săn cần thiết. Để dây săn và bền hơn người ta phải căng dây rồi dùng lá thé (thé là một loại cây dại mọc rất nhiều ở miền núi) tuốt kỹ, tuốt đi tuốt lại nhiều lần nhựa lá thé ngấm vào dây nỏ săn lại ngả màu đen sẫm. Để làm nên sự chính xác của nỏ, cần phải có những mũi tên đạt chuẩn. Hóp già chặt về để khô tự nhiên, chọn những đốt thẳng có độ dài vừa phải chẻ thành những thanh nhỏ làm phôi tên. Tên thường có độ dài khoảng từ đầu thân nỏ đến rãnh lên dây.
Đến với Khu di tích Cổ Loa, du khách được trải nghiệm bắn nỏ trong trang phục quân chầu là một trong những trò chơi đặc sắc gắn liền với huyền thoại về nỏ thần, về thần Kim Quy của lễ hội truyền thống ở Cổ Loa. Trước hết, hãy học cách đeo nỏ cho đẹp, rồi học cách cầm nỏ cho đúng, cách lên dây nỏ sao cho khỏi mất sức mà vẫn kéo được dây đến nẫy. Việc tưởng dễ mà không hề đơn giản, có người kẹp vào bụng, có người lấy chân đạp vào cần nỏ, tay gồng lên hết sức kéo dây, mặt đỏ tía tai mà cũng không kéo nổi sợi dây gai được bện nhỏ bằng đầu đũa. Kỹ thuật kéo dây nỏ chính là kéo cho đều, cho cân dây nỏ ở cải 2 bên trục nỏ, kéo từ từ chứ không giật cục cậy khỏe. Kéo được rồi lại đến cách ngắm sao cho chính xác, rồi mới gạt lẫy nỏ để nghe tiếng pực một cái giòn tan.
Tất cả chỉ diễn ra trong vài phút, nhưng nó cho mỗi người cảm giác háo hức của một đứa trẻ lần đầu tiên chơi trò chơi vui, cảm giác hồi hộp khi nín thở, bóp cò, nheo mắt, cảm giác hi vọng khi nghe tiếng kêu giòn tan của nỏ, nghe tiếng gió rít, tiếng mũi tên cắm phập vào bia và đôi mắt mở ra.... rồi cảm giác nuối tiếc khi bắn gần trúng, hay cảm giác vui mừng khôn xiết của bạn và của cả đoàn khi bắn trúng hồng tâm.
Bắn nỏ là trò chơi mang màu sắc rất riêng biệt, đó là sự kết nối quá khứ và hiện đại, vừa gây tò mò vừa khích lệ tinh thần thể thao và lòng dũng cảm. Xuất phát từ truyền thuyết nỏ thần thời kỳ An Dương Vương, trò chơi này đã được duy trì nhiều năm nay nhằm mục đích giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc tích cực học tập, lao động, sáng tạo xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.
Bắn nỏ trong lễ hội Cổ Loa
Học sinh tham gia trải nghiệm bắn nỏ
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA