Triển lãm "Ngô Quyền - vị Tổ trung hưng đất nước" tại Khu di tích Cổ Loa
Ngày 12 tháng 10 Năm 2020

Gần 100 hình ảnh được trưng bày trong triển lãm "Ngô Quyền - Vị Tổ trung hưng đất nước" tại Khu di tích Cổ Loa từ ngày 08/10 đến 30/11/2020.

Cổ Loa là một trong những di tích lịch sử quý giá của thủ đô và dân tộc Việt Nam. Nơi đây đã hai lần giữ vai trò là kinh đô của đất nước: Kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương (thế kỷ III TCN) và kinh đô thời Ngô Quyền (thế kỷ X).

Ngô Quyền, vị anh hùng dân tộc gắn liền với chiến công hiển hách đánh bại quân giặc phương Bắc xâm lược trên sông Bạch Đằng (năm 938), chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài và phát triển vượt bậc của dân tộc Việt Nam. Sau khi chiến thắng giặc ngoại xâm, mùa xuân năm 939 Ngô Quyền đã nối tiếp quốc thống, xưng Vương, chọn vùng đất Cổ Loa làm nơi đóng đô, "đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục".

Triển lãm "Ngô Quyền - Vị Tổ trung hưng đất nước" được trưng bày tại Khu di tích Cổ Loa từ ngày 08/10 - 30/11/2020.

Trưng bày triển lãm "Ngô Quyền - Vị Tổ trung hưng đất nước" tại Khu di tích Cổ Loa

Nội dung triển lãm gồm 3 phần chính:

Chủ đề 1: Quê hương và dòng tộc

Giới thiệu khái quát về mảnh đất Đường Lâm lịch sử, thân thế và dòng tộc của Ngô Quyền.

Chủ đề 2: Ngô Quyền - Vị Tổ trung hưng đất nước

Đây là chủ đề chính của Triển lãm giới thiệu những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp dựng nước, xưng Vương, định đô tại Cổ Loa vào mùa xuân năm 939 của Ngô Quyền.

Du khách sẽ được sống lại trong không khí hào hùng của trận thủy chiến lừng danh trên sông Bạch Đằng. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tại sao Ngô Quyền lại chọn Cổ Loa làm kinh đô, xây dựng chính quyền hoàn toàn độc lập và là vị vua đứng ở vị trí cao nhất của các vua Đại Việt: "Vua mưu tài đánh giỏi, làm nên công tái tạo đứng đầu các vua" (trích bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư). Ngô Quyền đã được tôn vinh là vị "Tổ trung hưng nước ta". Đồng thời tìm hiểu những dấu vết vật chất về thời kỳ Ngô Quyền tại Cổ Loa.

Chủ đề 3: Sống mãi cùng non sông

Công lao của Đức vương Ngô Quyền đã được nhân dân và các triều đại phong kiến Việt Nam ghi nhận lập đền, đình, miếu thờ, tạc bia đá, sắc phong ban mỹ tự, đúc tượng, phụng thờ tự và tổ chức lễ hội hàng năm tại các địa phương trong cả nước liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của ông. Hiện nay, cả nước có 58 di tích và điểm thờ Ngô Quyền trong đó Hà Nội có 4 di tích, tập trung nhiều nhất là ở Hải Phòng, ngoài ra còn có các tỉnh khác như Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình.

Thời gian trưng bày Triển lãm: 8/10 - 30/11/2020

Địa điểm: Khu di tích Cổ Loa

Đến với Cổ Loa, ngoài tham quan Triển lãm, bạn còn được hòa mình vào cảnh quan không gian với bầu không khí trong lành, nhiều cây xanh của tòa thành cổ mấy nghìn năm lịch sử.

Khu di tích Cổ Loa còn lại đến nay là cả một quần thể với nhiều loại hình di tích như: Hệ thống di tích thành hào Cổ Loa: Di tích tôn giáo, tín ngưỡng (đền Cổ Loa, đình Ngự Triều Di Quy, am Mỵ Châu, chùa Bảo Sơn, đình và chùa Mạch Tràng, đình và chùa Cầu Cả, đình và chùa Thư Cưu, đình và chùa thôn Sằn, lăng mộ Mỵ Châu, các điếm, miếu); Địa danh cổ, gò đống (gò Dục Nội, gò Đống Chuông, gò Đống Bắn, gò Vua...); Di tích cách mạng (An toàn khu (ATK), xưởng sản xuất vũ khí (điếm xóm Nhồi Dưới), gia đình bà Nguyễn Thị Chén ở thôn Sằn Giã...)

Thành Cổ Loa

Thành Cổ Loa còn gọi là "Thành Ốc hay Loa Thành" được An Dương Vương xây dựng vào những năm đầu của nhà nước Âu Lạc cách ngày nay hơn 2000 năm. Với cấu trúc 3 vòng tường thành được đắp nổi những gò đống tự nhiên. Thành Ngoại và thành Trung có hình dáng không xác định, thành Nội hình chữ nhật. Trên 3 vòng thành có các ụ "hỏa hồi" và các của thành được bố trí so le nhau, hào nước bao quanh 3 vòng tường thành, tạo thành một thành trì quân sự vững chắc. Thành Cổ Loa được đánh giá là "tòa thành cổ, quy mô vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ".

Đền Cổ Loa (đền Thượng)

Đền Cổ Loa nơi thờ đức vua An Dương Vương và các công thần, được xây dựng trên thành Nội, tương truyền là cung thất của nhà vua. Đền Cổ Loa còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm: Đôi rồng đá có niên đại Long Đức nguyên niên (1732), tượng vua An Dương Vương bằng đồng hun, đúc năm Đinh Dậu (1897), đôi ngựa hồng được tạo tác năm 1715, cột đá có niên đại thế kỷ 17 - 18.

Đình Ngự Triều Di Quy

Đình Ngự Triều Di Quy được xây dựng vào năm 1892 thời Nguyễn, nơi dựng đình theo truyền thuyết là điện thiết triều của An Dương Vương (thế kỷ 3 TCN) và Ngô Quyền (thế kỷ 10). Đình thờ vua An Dương Vương và tướng quân Cao Lỗ. Trong đình có bức cửa võng sơn son, thếp vàng, chạm tứ linh, tứ quý là một trong các bức cửa võng đẹp nhất miền Bắc hiện nay.

Am Mỵ Châu

Am Mỵ Châu (dân gian thường gọi là am bà Chúa) nơi thờ công chúa Mỵ Châu. Am nằm dưới gốc cây đa với vẻ u tịch linh thiêng. Trong cung cấm thờ tượng đá Mỵ Châu, thân phủ áo choàng, là tục thờ độc đáo của người Việt.

Chùa Cổ Loa (Bảo Sơn tự)

Chùa Cổ Loa nằm phía sau đình Ngự Triều Di Quy, chùa thờ Phật và thờ Mẫu theo truyền thống văn hóa người Việt. Hiện vật tại chùa có 134 pho tượng bằng đất quý hiếm, niên đại khoảng thế kỷ 17.

Điếm xóm Chùa

Điếm xóm Chùa là 1 trong 15 điếm cổ ở Cổ Loa và thờ thổ thần, là nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp của cộng đồng dân cư. Trong khuôn viên điếm hiện còn giếng nước được đào từ thời vua Ngô Quyền.

Đến với Khu di tích Cổ Loa du khách không chỉ thỏa mãn du lịch văn hóa tâm linh và hành trình khám phá mà còn thỏa thích tham gia các hoạt động trải nghiệm kỳ thú, vui nhộn, ấn tượng như: Bắn nỏ với trang phục quân chầu, đắp thành, làm bỏng Chủ, đóng oản xôi lá mít...và lưu lại những bức hình đẹp nhất trong khung cảnh thiên nhiên hài hòa thoáng mát của di tích.

Bắn nỏ

Đắp thành

Làm bỏng Chủ

Trân trọng kính mời du khách đến tham quan Khu di tích Cổ Loa và Triển lãm: "Ngô Quyền - Vị Tổ trung hưng đất nước".

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA