TỤC ĂN SÊU CÔNG CHÚA MỴ CHÂU 13 THÁNG TÁM ÂM LỊCH TẠI KHU DI TÍCH CỔ LOA
Ngày 16 tháng 09 Năm 2024

Theo cuốn "Ngọc Phả Cổ Lục" được lưu giữ tại đền Thượng (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội), ngày 13 tháng Tám âm lịch hằng năm là ngày ăn Sêu (ăn hỏi) Bà Chúa Mỵ Châu - con gái của vua An Dương Vương. Sêu là tục lệ có từ xưa của người Việt. Tục lệ này có nghĩa là chàng rể mang đồ lễ đến biếu nhà vợ để thể hiện lòng thành kính, tôn trọng đối với người sinh ra vợ mình, đó cũng như là thủ tục dạm ngõ và là thử thách đối với chàng rể tương lai.

Vật phẩm dâng ban thờ tại am Bà Chúa Mỵ Châu

Đại diện Lãnh đạo và viên chức Ban Quản lý khu di tích Cổ Loa dâng hương ngày ăn sêu Bà Chúa

Ở Cổ Loa, ngày ăn sêu 13 tháng Tám âm lịch nhà nhà, người người đều dùng bún Mạch Tràng[1] như một vật phẩm dâng lên bàn thờ tổ tiên và làm món ăn trong gia đình. Xưa kia, trong làng Cổ Loa, có nơi tục ăn sêu Bà Chúa diễn ra trong ba ngày như ở xóm Chợ, xóm Dõng (từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8): Ngày 13 ăn bún, ngày 14 ăn thịt bò thui và ngày 15 ăn xôi chè. Còn ở thôn Cầu Cả, mọi người tự làm bún ăn với thủ lợn, mời mọi người trong gia đình, họ mạc cùng ăn.

Hiện nay vào ngày này,vẫn giữ lệ cũ, Quan đám đền am thực hiện nghi lễ bao sái các ban thờ, sạch cỏ, nỏ hương tại di tích và khu nội tự. Vật phẩm dâng lên ban thờ Bà Chúa gồm có: Xôi, gà, bún xào cần, bánh đúc, hoa quả, trầu têm cánh phượng, các loại bánh, nước ngọt…

Nhân dân và du khách tham quan dâng lễ 

Tục lệ ăn sêu bà chúa Mỵ Châu là một nét đẹp văn hóa mang đậm màu sắc lịch sử về thời kỳ An Dương Vương – nhà nước Âu Lạc với những truyền thuyết nửa hư, nửa thực mà đến nay vẫn còn đọng lại trong kí ức dân gian. Nét đẹp riêng rất truyền thống của vùng Cổ Loa vẫn sẽ được bảo lưu, trao truyền, gìn giữ cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA

 

 

[1] Mạch Tràng là một làng trong Bát xã hộ nhi - 8 làng cổ thờ cúng Đức vua An Dương Vương