Mạch Tràng là một làng cổ nằm trong “bát xã hộ nhi” cùng thờ vua An Dương Vương, xưa có tên gọi là Mạch Trường nằm cạnh thành Cổ Loa. Theo truyền thuyết, vua An Dương Vương dời đô từ miền núi phía Bắc xuống đồng bằng và định đô tại Cổ Loa, lợi dụng địa hình, địa vật đắp thành, luyện tập quân sĩ để chống quân xâm lược Triệu Đà. Ông đã đem giống lúa về đây dạy dân trồng cấy và đặt kho lương thực của nước Âu Lạc tại làng. Về sau vua Ngô Quyền cho mở trường học quốc gia tại nơi này nên làng có tên ghép là Mạch Trường; dân gian đọc chệch là Mạch Tràng và được gọi cho đến ngày nay. Cũng như các làng thuộc Bát xã, hàng năm sau lễ hội truyền thống Cổ Loa mồng 6 tháng Giêng, tại Mạch Tràng diễn ra lễ hội với các hoạt động nghi lễ và trò chơi dân gian phong phú.
Các cụ thực hành nghi thức lễ tế trong ngày khao ỉ
Đặc biệt, ở nơi đây còn gìn giữ những nét văn hóa truyền thống rất xa xưa như tục nuôi lợn ỉ hay còn gọi là tục khao ỉ trong lễ hội làng. Trong đời người, một trai đinh làng Mạch Tràng phải đảm nhận các nghĩa vụ nuôi lợn ỉ, nuôi lợn cân, làm cỗ chay.
Lễ vật dâng cúng
Các cụ lão ông thụ lộc khao ỉ
Mỗi năm có một giáp phải nuôi lợn, giao cho cai đám (người cao nhất trong độ tuổi 54 theo sổ hàng giáp) đảm nhiệm. Lợn được nuôi trong hai năm, dùng vào lễ Chạp (30 tháng 11 âm lịch). Tiêu chuẩn lợn phải là giống lợn ỉ và có màu đen tuyền, không có lông trắng. Người nuôi được cấp 3 mẫu 2 sào ruộng tế đám, thuộc loại ruộng tốt nhất làng. Ngoài ra, trong bốn năm, người nuôi còn được hưởng mỗi năm một chân giò của con lợn dùng trong lễ Chạp này (năm đầu tiên và năm thứ tư được hưởng chân trước, hai năm giữa hưởng hai chân sau). Ông ỉ của làng nuôi có thể tự do đi bất cứ đâu, dân trong làng không được phép đuổi đánh. Do cai đám cũng làm nhiệm vụ chủ tế nên người nuôi lợn ỷ nếu có dị tật cơ thể thì không được làm chủ tế mà phải có người khác thay thế, gọi là hữu tì. Người nuôi lợn vẫn được hưởng các quyền lợi theo quy định. Sáng sớm ngày 30 tháng Mười một, dân làng làm lễ giết ỉ: Thủ ỉ để nguyên, đem luộc dâng cúng Đức vua An Dương Vương cùng mâm xôi trắng, rượu, hoa. Thịt của ông ỉ chia cho 4 giáp của làng: Giáp Đông, giáp Đoài, giáp Nam, giáp Bắc, nay là 4 đội sản xuất của làng Mạch Tràng.
Trong nghi thức lễ tế ngày khao ỉ, làng lựa chọn 27 cụ thực hiện lễ tế. Người tham gia tế lễ phải là người không vướng tang “bụi”, không bị khuyết tật, vợ chồng, con cái song toàn. Sau khi làm các nghi thức lễ tế cho ngày lễ Chạp xong là phần thụ lộc. Điều đặc biệt là Mạch Tràng vẫn giữ được phong tục thụ lộc truyền thống của làng từ xưa đến nay, đó là: Mỗi mâm 4 cụ ngồi bốn góc chiếu, lộc là xôi trắng, thịt lợn chấm muối trắng. Các cụ cao tuổi được gọi là Tòa lão, quy định rõ chỗ ngồi theo tuổi tác: Tuổi từ 70 trở lên ngồi chiếu trên bên Đông, tuổi từ 60 – 69 ngồi chiếu trên bên Tây, các cụ tuổi từ 50 – 59 ngồi chiếu dưới.
Ngoài tục khao ỉ, ở làng Mạch Tràng còn có tục nuôi lợn cân, làm cỗ chay tạo nên nét văn hóa rất riêng của làng Mạch Tràng.
Nuôi lợn cân vào các dịp:
- Hội làng: vào các ngày mồng 6, 9 và 12 tháng Giêng, mỗi Giáp phải có một con lợn, do trai đinh nào đến lượt phải có một con lợn, do trai đinh nào đến lượt phải nuôi từ trước đó. Theo quy định, lợn nuôi là lợn đực đen tuyền, nặng từ 51 cân ta trở lên (mỗi cân bằng khoảng 0,7 kg hiện nay). Nếu lợn vượt quá số cân trên, cứ mỗi cân được làng trả 1 hào.
- Ngày ăn ruộng, tức ngày các trai đinh đến tuổi 18 được nhận ruộng công của làng, vào mồng 5 tháng Hai, mỗi giáp phải cúng một con lợn, do trai đinh đến lượt phải nuôi và nộp cho giáp.
Nghĩa vụ nuôi lợn cân hầu như trai đinh nào trong đời ở trước tuổi lên lão phải gánh vác một lần. Những giáp ít đinh, trong đời người phải nuôi hai lần, có khi ba lần. Mỗi người nuôi lợn cân được làng cấp một sào ruộng.
Làm cỗ chay: vào các ngày mồng 7, 8, 10 và 11 tháng Giêng hàng năm; mỗi ngày có một cỗ chay, các giáp luân phiện nhau sửa cỗ, gồm bỏng, bánh vừng, bánh chay, chè, cam… Các loại bánh, bỏng, chè làm rất cầu kỳ, từ khâu chọn lọc gạo đến giã bánh. Người làm cỗ chay được cấy 6 sào ruộng.
Cùng với lễ hội của Bát xã Loa thành, tục khao ỉ của làng Mạch Tràng góp phần tô điểm cho bức tranh lễ hội Mạch Tràng cũng như lễ hội Cổ Loa thêm sinh động và đặc sắc. Tục khao ỉ góp phần tạo nên phong tục tập quán riêng biệt, nét văn hóa độc đáo, mở đầu cho một năm mới hào hứng, phấn khởi và những hi vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA