Nhân kỷ niệm húy nhật của đức vua An Dương Vương (ngày mồng 7 tháng Ba âm lịch được ghi chép lại trong cuốn “Ngọc phả cổ lục”), Ban Quản lý khu di tích Cổ Loa gửi đến Qúy bạn đọc bài viết An Dương Vương – Vị vua khai quốc Âu Lạc.
Thời Hùng Vương, nước Văn Lang của các bộ tộc Lạc Việt gồm 15 bộ, có trung tâm ở khu vực miền núi phía Bắc nước ta. Cuối thời Hùng Vương, vào đầu thế kỷ III trước Công nguyên, một đế chế rộng lớn và hùng mạnh mới được thống nhất ở phương Bắc: nhà Tần, đã tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược với quy mô lớn, số quân đông tới 50 vạn, do Đồ Thư thống lĩnh tiến xuống phương Nam để “bình Bách Việt”. Trong 3 năm đầu, quân Tần đã đánh chiếm được đất đai của nước Sở, lập 3 quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng. Nhưng khi tiếp tục tiến xuống phía Nam, là đất của người Tây Âu (Âu Việt) thì gặp nhiều khó khăn do không quen thông thổ, lương thực thiếu thốn, lại bị người Việt kháng cự kiểu “lúc ẩn lúc hiện” nên không thể chiến thắng được và rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Tượng Thánh tổ hoàng đế An Dương – Bảo vật Quốc gia, được thờ tại hậu cung đền Thượng
Thục Phán vốn là một thủ lĩnh của người Tây Âu trên địa bàn phía Bắc Văn Lang bấy giờ, đã cùng nhiều tù trưởng của Tây Âu và Lạc Việt tổ chức cuộc kháng chiến chống quân Tần. Năm 208 TCN, nhà Tần phải bãi binh, lui về giữ vùng đất 3 quận đã chiếm được ở Phương Bắc.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Tần, Thục Phán nổi bật lên là một thủ lĩnh tài giỏi, có uy tín lớn đối với cả Tây Âu là Lạc Việt. Trên thực tế, cộng đồng cư dân Lạc Việt và Tây Âu đã hình thành và càng trở nên vững chắc qua cuộc chung vai sát cánh chống kẻ thù xâm lược. Điều đó tạo cơ sở cho sự ra đời của một liên minh mới - một Nhà nước phôi thai, trong đó người thủ lĩnh có đầy đủ tài năng và uy tín là Thục Phán.
Năm 208 TCN, Thục Phán xưng Vương, thành lập nước Âu Lạc, tiếp nối sự nghiệp của vua Hùng - một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc..
Nước Âu Lạc ra đời là sự hợp nhất của hai bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt, không phải là kết quả của một cuộc chiến tranh thôn tính. Nó thể hiện bước phát triển mới của quốc gia cổ đại của các tộc người Việt, là sự kế tục ở bước cao hơn Văn Lang và cũng là một yêu cầu tất yếu của lịch sử.
Trong bối cảnh lịch sử lúc ấy, với một tầm nhìn chiến lược, ý chí quyết tâm dựng nước và giữ nước mạnh mẽ, An Dương Vương đã quyết định dời vị trí trung tâm của đất nước từ vùng đất cũ của Hùng Vương xuống vùng đồng bằng, rộng lớn và thuận lợi hơn, lập Kinh đô, xây thành chống giặc. Đó là vùng đất Cổ Loa ngày nay.
Cổ Loa là vùng đất cao của đồng bằng châu thổ sông Hồng, khi đó được bao bọc bởi những dòng chảy lớn thông nước với sông Hồng và sông Cầu. Đó là sông Hoàng Giang mà ngày nay dấu vết của nó còn rõ nét với những đoạn gọi là sông Thiếp hay sông Ngũ huyện khê (sông chảy qua 5 huyện: Yên Lãng, Kim Anh, Đông Ngàn, Yên phong, Tiên Du). Theo đường thủy, có thể ngược lên phía Bắc hay Tây Bắc, cũng có thể xuôi xuống vùng Đông Bắc hay Đông Nam, tỏa xuống các vùng ven biển.
Nằm ở vùng đồng bằng trù phú và đông đúc dân cư, giao thông thủy bộ đều thuận lợi, lại có địa hình phù hợp cho việc xây thành, đắp lũy - một yêu cầu cấp bách trước nguy cơ xâm lược của Triệu Đà, Cổ Loa đã được chọn làm Kinh đô của Âu Lạc thời ấy.
Với một nỗ lực phi thường, An Dương Vương và quân dân Âu Lạc chỉ trong một thời gian ngắn đã xây dựng xong một tòa thành đồ sộ và độc đáo. An Dương Vương - người tổng chỉ huy và những nhà thiết kế đã biết tận dụng triệt để những yếu tố tự nhiên về địa hình địa vật để tạo ra một tòa thành cao hào sâu, có đủ các yếu tố thuận lợi cho phòng thủ và tấn công: thủy bộ liên hoàn, trong ngoài kết hợp, ta thì tiến thoái đều nhanh, địch thì khó bề xâm phạm. Đó là tòa thành từng được gọi là thành Ốc, Tư long thành, Loa thành hay thành Cổ Loa ngày nay.
Thành Cổ Loa, với vai trò là Kinh đô của Âu Lạc, cũng có nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước thời ấy. Nhờ có sự đoàn kết quân dân, có “Nỏ thần” cùng tòa thành độc đáo như thế, An Dương Vương đã nhiều lần đánh bại quân Triệu Đà xâm lược.
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA