BÁO CÁO ĐẦU BỜ KẾT QUẢ KHAI QUẬT KHẢO CỔ HỌC TẠI VỊ TRÍ DỰ KIẾN XÂY DỰNG ĐỀN THỜ NGÔ QUYỀN TẠI KHU DI TÍCH CỔ LOA
Ngày 31 tháng 08 Năm 2022

Ngày 22/8/2022, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức buổi báo cáo đầu bờ kết quả khai quật khảo cô học tại vị trí dự kiến xây dựng đền thờ tại khu di tích Cổ Loa

Chủ trì buổi họp: PGS.TS. Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, PGS.TS. Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam. Tham dự buổi họp còn có các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội; Đại diện Cục Di sản văn hóa; Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội; Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa; UBND huyện Đông Anh, Ban quản lý Dự án huyện Đông Anh, UBND xã Cổ Loa.

Buổi họp báo cáo đầu bờ tại BQL KDT Cổ Loa với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý, chuyên môn

Sau khi khảo sát thực địa các hố khai quật khảo cổ, các đại biểu tham dự nghe TS Trịnh Hoàng Hiệp (Viện Khảo cổ học) - chủ trì đoàn khai quật báo cáo đầu bờ kết quả khai quật khảo cổ học tại vị trí dự kiến xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại Khu di tích Cổ Loa.

Trong các hố đã khai quật (H1,H2, H3, H4,H5,H6,H7) có hố H1 là hào nước thành Nội, các hố  H2, H3, H4, H5, H6 vị trí nằm trên thành Nội, hố H7 nằm gần Ụ hỏa hồi phía Tây Nam thành Nội, thuộc phần dưới cùng của Ụ hỏa hồi này.

Về di vật, có các loại hình: Vật liệu xây dựng gồm ngói, gạch, tiêu bản công cụ sản xuất và đồ dùng sinh hoạt. Điểm mới là phát hiện được nhiều mảnh ngói Cổ Loa có kích thước to hơn so với mảnh ngói phát hiện trong các mùa khai quật thành trước đó. Đây là lần đầu tiên phát hiện được gạch, bát, chì lưới (đất nung) và lớp than dài, kích thước cục than lớn thuộc giai đoạn Cổ Loa kể từ cuộc khai quật thành Cổ Loa từ năm 2007 đến 2014. Kết quả khai quật lần này một lần nữa khẳng định về giai đoạn đắp thêm thành thuộc thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17 - 18 giống như kết quả khai quật thành Trung 2007 - 2008, thành Ngoại 2012, thành Nội và Ụ hỏa hồi năm 2014.

Các chuyên gia, nhà khoa học phát biểu ý kiến tại cuộc họp

Tại buổi báo cáo các đại biểu đã thống nhất với đề xuất, kiến nghị của đoàn khảo cổ, tiếp tục khai quật các hố khảo cổ còn lại nhằm tìm kiếm, thu thập di vật khảo cổ và xác định rõ vị trí, phạm vi di tích gốc Thành - hào và dấu tích khảo cổ học làm cơ sở khoa học cho việc lập Dự án xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại Khu di tích Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Trong quá trình triển khai đề nghị Viện khảo cổ học phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và các bên liên quan thực hiện việc khai quật khảo cổ với nội dung ghi trong giấy phép khai quật khảo cổ tại Quyết định số 1200/QĐ-BVHTTDL ngày 24/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc khai quật khảo cổ; Luật Di sản văn hóa; Quy chế thăm dò, khai quật khảo cổ (Ban hành kèm theo Quyết định số 86/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA