Khu di tích Cổ Loa cách trung tâm Hà Nội 17km thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội được coi là một địa chỉ văn hóa đặc biệt của Thủ đô và cả nước. Cổ Loa có hàng loạt di chỉ khảo cổ học đã được phát hiện, phản ảnh quá trình phát triển liên tục của dân tộc ta từ thuở sơ khai qua các thời kỳ đồ đồng, đồ đá và đồ sắt mà đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn, vẫn được coi là nền văn minh sông Hồng thời kỳ tiền sử của dân tộc Việt Nam.
Gắn liền với các giai đoạn lịch sử đó, hiện ở Cổ Loa đã có 4 hiện vật và nhóm hiện vật tiêu biểu được Thủ tướng chính phủ công nhận là bảo vật Quốc gia, đó là: Sưu tập khuôn đúc Cổ Loa (văn hóa Đông Sơn - thế kỷ III TCN), Trống đồng Cổ Loa và sưu tập lưỡi cày đồng Cổ Loa (văn hóa Đông Sơn - thế kỷ III TCN), tượng vua An Dương Vương (niên đại 1897) và mới đây nhất, tại quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định công nhận bảo vật Quốc gia (đợt 12) đối với 29 hiện vật và nhóm hiện vật, trong đó có Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa), thời Lê Trung Hưng.
Bộ thành bậc đá tại Nghi môn ngoại đền Cổ Loa (ảnh chụp đầu thế kỷ XX)
Cặp rồng đá được đặt trước nghi môn ngoại, đền Thượng (đền thờ vua An Dương Vương, đền Cổ Loa) còn được gọi là "Chính pháp điện", tọa lạc trên một khu đất cao, thuộc góc Tây Nam thành Nội. Tương truyền, nơi đây chính là Hoàng cung của vua An Dương Vương. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo và mở rộng, theo đó, khu đền đến ngày nay có quy mô khá lớn và hoàn thiện với tổng diện tích khoảng 2,1 ha.Đền được xây dựng theo hướng Nam, các công trình chính của ngôi đền nằm trên trục dũng đạo (hay còn gọi là Thần đạo). Từ cao xuống thấp theo năm cấp độ khác nhau, bao gồm: Khu hậu cung, trung đường, tiền bái; sân rồng thượng, nghi môn nội, sân rồng hạ, nghi môn ngoại; đường đi và giếng Ngọc. Theo phong thủy và quan niệm phương Đông, thì nơi xây đền có địa thế tụ linh, tụ phúc, có nước chảy từ hướng Đông sang Tây, đúng dòng lưu thủy chảy từ dương về âm, nên giữ được phúc lộc lâu bền. Khu đền Thượng có thế đất tay ngai, theo hình "rồng chầu hổ phục", trên là khu đất cao, dưới có nước là nơi âm dương đối đãi, tạo được sức mạnh về sự hòa hợp trời đất, làm nên sự linh thiêng. Hướng nam là hướng hợp với bậc Đế vương theo quan niệm Thánh nhân, Nam diện nhi thính thiên hạ (Thánh nhân nhìn về hướng Nam để nghe lời tâu bày của thiên hạ), cũng là hướng thiện tâm trên nền tảng trí tuệ.
Kiến trúc đầu tiên khi bước vào đền Thượng là nghi môn ngoại. Trên một khoảng sân lát đá rộng trước nghi môn có ba cây hương đá được dựng ngoài trời. Các cây hương này là những trụ đá vuông đỡ bát hương, có hình đài sen, cao gần 1,4m, mỗi chiều có kích thước 0,24m. Bốn mặt của cây hương đều khắc chữ Hán. Đặc biệt, mặt phía nam của cây hương phía tây cũng có nội dung nói về năm tạo tác đôi rồng: Cao thiện nam xã Cổ Loa huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn là một xã hộ nhi tạo lệ, xấu hổ vì phong tục hèn mọn của mình đã được đội ơn đầy dương sinh sống yên vui ở Loa thành được hưởng đức lớn, âm dưỡng, sống bình yên ở đàm Nhạn được hưởng sự thương mến của bề trên, xét mình còn thiếu sót về lòng trung bính. Bởi đây vào năm Bảo Bình(1) tháng Nhạn lai(2) trời mở lòng cho, lòng người bèn thuận, nhân đó làm 2 con rồng đá cung tiến ở ngoài cửa điện chính pháp. Đến năm Thiên Bình (3), tháng Hồng tàng (4) thì thần giáng phúc, hợp với giấc mộng Đa ngư (5) lại làm 2 đài thắp hương cung tiến vào..". Chú thích: (1) Bảo Bình: năm Tý, (2) Nhạn lai, (3) Thiên Bình: năm Thìn, (4) Hồng tàng, (5) Đa ngư: chưa rõ.
Căn cứ vào những dòng lạc khoản tại mặt bắc có ghi niên đại làm ba cây hương đá: "Vĩnh Hựu nhị niên thập nguyệt cốc nhật", nghĩa là Ngày lành tháng 10 năm Vĩnh Hựu thứ hai - 1736, năm Vĩnh Hựu 1736 là năm Thìn. Do vậy có thể biết rằng năm Bảo Bình - năm Tý mà bản khắc tại mặt nam có ghi chính là năm Nhâm Tý, niên hiệu Long Đức nguyên niên - 1732.
Bộ thành bậc đền Cổ Loa niên đại 1732 là bộ thành bậc duy nhất trên cả nước gắn với di tích nổi tiếng, thờ Đức vua An Dương Vương - vị vua lập nên nhà nước Âu Lạc, thế kỷ 3 Trước Công nguyên. Đó là bộ thành bậc thuộc thành phần kiến trúc của đền thờ Đức vua, nằm trong khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa. Kích thước, cấu trúc và hoa văn trang trí của thành bậc không lặp lại ở bất kỳ di tích nào ở Việt Nam có cùng chức năng và niên đại.
Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (ảnh chụp đầu thế kỷ XX)
Mời các bạn đón xem kỳ 2: Bảo vật Quốc gia - Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa), thời Lê Trung Hưng (Tính độc đáo của hiện vật).
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA