BẢO VẬT QUỐC GIA - CẶP RỒNG ĐÁ THÀNH BẬC ĐỀN THƯỢNG (CỔ LOA), THỜI LÊ TRUNG HƯNG (Kỳ 2: Tính độc đáo của hiện vật)
Ngày 18 tháng 12 Năm 2024

Ở kì trước, Quý bạn đọc đã được tìm hiểu về tính gốc, độc bản của hiện vật Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa), thời Lê Trung Hưng. Tại kỳ này, kính mời Quý vị bạn đọc tiếp tục tìm hiểu về tính độc đáo của hiện vật.

Hình thức độc đáo của cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa) thể hiện ở việc chạm khắc hoa văn rất đặc biệt, mang những nét điển hình của nghệ thuật điêu khắc thời Lê Trung Hưng đầu thế kỷ 18. Tượng rồng ở đây tạo ở tư thế uốn lượn từ trên xuống, đầu ngẩng cao. Thân rồng tròn, uốn 5 khúc mềm mại. Các khúc uốn của rồng tuy mềm mại, nhưng đã chuyển sang cấu trúc hình chữ V, không còn giữ được khúc thắt túi như rồng thời Lý - Trần. Rồng ở thành bậc đền thờ An Dương Vương mũi cao, tai to, sừng dài và có chạc giống sừng hươu. Các chạm khắc hoa văn cứng cáp, nổi bật là râu bờm, mây lửa duỗi thẳng theo kiểu "đao mác" đặc trưng cho rồng giai đoạn Lê Trung Hưng. Dân gian phương Đông dùng thuyết “tam đình cửu tự” (thân 3 khúc: đầu, thân, đuôi, kết hợp với 9 nét khác nhau của 9 loài vật có thật làm nên “cửu tự” (chín nét), gồm: sừng giống nai, đầu giống lạc đà, mắt giống quỷ, thân giống rắn, bụng giống trai, vảy như cá chép, móng như chim ưng, chân như hổ, tai như bò, để nói lên đặc trưng tổng hợp ấy, và để lý giải vị trí bá chủ vạn vật của rồng, biểu tượng cho vương quyền.

Thân rồng uốn lượn theo chiều vận động từ trên xuống dưới

Nghệ thuật trang trí hoa văn trên cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa) có niên đại Lê Trung Hưng, nhưng gắn với nghệ thuật điêu khắc đá, nghệ thuật trang trí đã tạo nên một tác phẩm đầy sức sống tại chính ngôi đền thờ phụng vua An Dương Vương trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính vị trí đặc biệt đó mà đền Thượng cũng được coi là Quốc từ, là nơi có truyền thuyết về hoàng cung của vua An Dương Vương, đồng thời là trung tâm luyện kim, đúc đồng của kinh đô Âu Lạc, nơi lưu giữ bảo vật Quốc gia - pho tượng Đức vua An Dương Vương - hiện thân của vị vua lập nước Âu Lạc buổi đầu dựng nước.

Khác với đôi rồng thành bậc phía sau[1] của điện Kính Thiên hay thành bậc rồng ở Lam Kinh mang dáng dấp đặc trưng của thành bậc cung điện, biểu trưng cho vương quyền, thì cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa) lại có nét độc đáo riêng, tạo nên sự đặc biệt, đó là, do đền Thượng là Quốc từ, nên có sự kết hợp giữa biểu tượng vương quyền (rồng 5 móng) và rồng 4 móng. Đó còn là biểu trưng cho quan niệm "tả nam, hữu nữ", tượng trưng cho âm, dương; có sự phát sinh, phát triển, vốn là một quan niệm có ý nghĩa triết học, khởi nguồn từ thời dựng nước của người Việt.

Hoa văn "bát bửu" tại bệ thành bậc bên Tây, kí hiệu ĐT.TB01

Các hình tượng của "bát bửu" thể hiện trên bệ rồng phía Tây, có sự kết hợp giữa Đạo giáo và Phật giáo, đã tạo nên những hòa điệu tâm linh và triết lý tôn giáo, phản ánh tư tưởng nghệ thuật mang tính thời đại, gắn liền với mong ước về một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc, gửi gắm ước vọng của người xưa tới thần linh. Chính từ những hoa văn trang trí này đã tạo nên sự khác biệt của thành bậc đền Thượng với những thành bậc đã biết trong các di tích tôn giáo và tâm linh ở Việt Nam.

Mời các bạn đón xem kỳ 3: Bảo vật Quốc gia - Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa), thời Lê Trung Hưng (Hiện vật có giá trị tiêu biểu về lịch sử văn hóa đặc sắc).

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA

 

[1] Rồng thành bậc này có niên đại thời Lê Trung Hưng, khác với đôi rồng thành bậc phía trước, có niên đại Lê Sơ. Niên đại rồng thành bậc này tương đồng với niên đại  rồng thành bậc chính điện Lam Kinh ở phía trước.