BẢO VẬT QUỐC GIA: SƯU TẬP KHUÔN ĐÚC CỔ LOA
Ngày 05 tháng 01 Năm 2021

Ngày 31 tháng 12 năm 2020 Sưu tập khuôn đúc Cổ Loa đã được công nhận là bảo vật quốc gia tại Quyết định số 2283/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 9) năm 2020.

Sưu tập khuôn đúc Cổ Loa là tập hợp những khuôn hai mang và chủ yếu là ba mang, được làm bằng đá (sa thạch), phát hiện qua những đợt khai quật tại đền Thượng, trong khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa vào những năm từ 2004 đến 2007. Đây là nơi tọa lạc ngôi đền thờ An Dương Vương - vị vua khai sinh nhà nước Âu Lạc – nơi mà theo truyền thuyết dân gian coi là cung thất nhà vua. Cổ Loa vào thời đại ấy là kinh đô – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước. Tuy nhiên, việc phát hiện những khuôn đúc ở đền Thượng cùng với một hệ thống dấu tích lò đúc đồng cùng thời đã cho chúng ta một nhận thức khác hơn về địa điểm lịch sử quan trọng này trong hệ thống những di tích dày đặc ở Cổ Loa. 11 mang khuôn đúc bằng đá, trong đó có 10 mang khuôn đúc mũi tên ba cạnh và 1 mang đúc mũi lao hình cánh én, được chế tác từ một loại đá (sa thạch) hạt mịn, mềm, rất phù hợp với chất liệu đá làm khuôn đúc. Đá có màu ghi xám, biệt lệ có màu tím nhạt, hình khối dựa vào những viên đá tự nhiên, có mặt cắt ngang hình gần vuông hoặc gần hình chữ nhật, được chế tác thành hai hoặc ba mang (khuôn hai và ba mang). Mặt ngoài mỗi mảnh mang được tạo thành hình  đã định qua những nhát ghè đẽo sơ sài, đôi chỗ được mài sơ bộ. Mặt trong được chế tác kỹ lưỡng hơn rất nhiều, với kỹ thuật khắc, đục, mài, tu chỉnh để khi hai hoặc ba mang được ráp vào nhau tạo nên một sự trùng khít lý tưởng, mà ở hai đầu của khuôn có một góc xấp xỉ 1200. Trên những đường gờ (khuôn ba mang), mặt phẳng (khuôn hai mang), người thợ dùng kỹ thuật khắc, đục, mài tạo vật đúc, mà cụ thể ở bộ khuôn này là mũi tên có đầu ba cạnh, hoặc mũi lao có đầu hình cánh én. Trên đỉnh của một số khuôn, nơi đầu mũi tên được người thợ thủ công tạo vết ghè rất nhỏ để làm đậu ngót, bên dưới phần mũi hình ba mang, có vết ghè ngắn, thu hẹp lại, để nối với chuôi tên, chạy suốt chiều dọc mang khuôn. Trong số những mang khuôn phát hiện ở đền Thượng, có những mang khuôn còn nguyên sống nổi nơi chuôi tên (mặt dương), có những mang, nơi chuôi tên lại là rãnh lõm (mặt âm), theo đó, sản phẩm làm ra khi thì chuôi tròn, khi thì chuôi lõm lòng máng.

Căn cứ vào dấu vết kỹ thuật này, có thể chia 10 mang khuôn đúc mũi tên ba mang ở đền Thượng thành 2 kiểu sau:

- Kiểu thứ nhất: 8 mang khuôn, có đường sống rãnh khắc lõm, theo đó vật đúc sẽ để lại trên chuôi là mặt cắt hình tròn. Trong số này, có hai mang khắc chữ Hán, có 1 mặt ngoài được mài nhẵn, rìa cạnh khắc chữ. Do mang khuôn không còn nguyên vẹn nên chỉ còn hai chữ, trong đó có một chữ  còn rõ là “Thần” (臣) (quan). Chữ còn lại không rõ nghĩa có mặt ngoài được mài nhẵn, trên có chữ “Nhân” (人) (Người).

- Kiểu thứ hai: 02 mang khuôn, tạo đường sống nổi, theo đó vật đúc để lại trên chuôi hình lòng máng.    

Ngoài hai kiểu trên thuộc loại khuôn 3 mang ở đền Thượng còn loại khuôn 2 mang. Đó là khuôn đúc mũi lao hình cánh én, mang khuôn này có hình khối chữ nhật dẹt, mặt cắt ngang hình chữ D. Hai đầu khuôn và hai cạnh bên, nơi ráp khuôn được mài nhẵn. Mặt ngoài mang khuôn cong vồng, được ghè tương đối phẳng. Trên mặt mang khuôn được thể hiện vật đúc là mũi lao hình cánh én, họng tròn, thót ở trên, to dần xuống dưới. Đầu dưới mang khuôn, nơi giáp họng là lỗ tròn. Hai bên cánh lao có đường vạch nông, chạy tới tận mép ráp khuôn, tạo nên những rãnh thoát khí. Ở đầu mang khuôn, nơi đầu mũi lao được bố trí đậu rót. Đó là nửa hình tròn đặt lệch về một bên. Cũng ở đầu này còn những vạch đánh dấu ráp khuôn (bên 1 vạch, bên 3 vạch). Màu sắc đá được dùng để chế tạo ra mang khuôn mũi lao khác với mang khuôn đúc mũi tên, màu tím nhạt.

Như vậy, dựa trên những mang khuôn và mảnh mang khuôn phát hiện được ở Đền Thượng, có thể hình dung ra khuôn ở đây có hai loại: Loại ba mang và loại hai mang. Những khuôn đúc bằng đá ở đây nằm trong một địa tầng ổn định với nhiều di tồn cùng thời đại đi kèm, được xác định niên đại thuộc văn hóa Đông Sơn – sơ kỳ thời đại đồ sắt, cách ngày nay khoảng 2300 đến 2200 năm. Đó là giai đoạn được các nhà khảo cổ học định danh là giai đoạn Cổ Loa - thời kỳ vua An Dương Vương đóng đô ở ngôi thành Cổ Loa và nhà nước Âu Lạc trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Sưu tập này là hiện vật gốc, độc bản, độc đáo, tiêu biểu, đồng thời có giá trị đặc biệt liên quan đến sự kiện trọng đại của đất nước. Là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định.

Kể từ sau khi phát hiện bộ sưu tập đã trở thành hiện tượng khảo cổ học thứ ba ở Cổ Loa, sau kho mũi tên đồng Cầu Vực và trống đồng, lưỡi cày đồng Mả Tre. Cả ba hiện tượng khảo cổ nổi tiếng này đều liên quan tới nhau, phản ánh hai thành tựu nổi bật của nhà nước Âu Lạc, đó là luyện kim, đúc đồng và nông nghiệp trồng lúa nước của người Việt cổ.

Sưu tập khuôn đúc ở đền Thượng đã đi vào nhiều công trình nghiên cứu khảo cổ học và hiện nay, chúng đang được trưng bày tại nhà trưng bày khu di tích Cổ Loa như là một trong những chứng tích vật chất của thời đại lịch sử An Dương Vương, nhà nước Âu Lạc, kinh đô Cổ Loa.

Mang khuôn có hình vật đúc mũi tên đồng ba cạnh

Mang khuôn có hình vật đúc mũi lao cánh én

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA