BẢO VẬT QUỐC GIA - TƯỢNG VUA AN DƯƠNG VƯƠNG (Kỳ 2: Tính độc đáo của hiện vật)
Ngày 04 tháng 10 Năm 2023

Nhân kỷ niệm ngày sinh đức vua An Dương Vương (ngày 11 tháng Tám âm lịch được ghi chép lại trong cuốn “Ngọc phả cổ lục”), xin gửi đến Qúy bạn đọc các bài viết về Tượng vua An Dương Vương được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2022. Kỳ 2: Tính độc đáo của hiện vật.

Hình thức độc đáo ở đây thể hiện qua kỹ thuật đúc tượng, hình thức trang trí hoa văn, diễn tả được đầy đủ, toàn diện hình thể của một bức tượng chân dung và thể hiện được phong thái, cốt cách của một vị thần chủ - vua An Dương Vương.

 

Trên hoa văn của mũ tượng biểu hiện về thế lực tầng trên. Ở thành đứng 2 bên của cấp trên có đôi rồng nhỏ chầu vào chính giữa là 3 hoa cúc, mỗi hoa đều thể hiện 3 lớp cánh lồng nhau. Phía sau mũ đúc nổi chính tâm là hoa cúc lồng 3 lớp cánh - biểu tượng của mặt trời, 4 góc là rồng chầu về bông cúc này, có ý nghĩa như "rồng chầu mặt trời", chính là biểu tượng cho vương quyền. Trong tạo hình, người ta đã chú ý đến khoảng không cần thiết để tạo nên tính linh thiêng tối đa. Hình tượng này như muốn nói về nhà vua luôn nghĩ tới hạnh phúc của thế gian và chúng sinh. Thành mũ ở tầng dưới là đôi rồng chầu về phía mặt trời.

Khuôn mặt vua được tạo tác khá cẩn trọng,  theo những quy chuẩn đầy tính biểu tượng, với đôi mắt tuy mở rõ, nhưng vẫn như nhìn xuống, có đôi chút ảnh hưởng của triết học Phật Giáo, để soi rọi nội tâm và hướng con người tới thiện tâm. Đỉnh tai của tượng cao hơn lông mày chút ít, biểu hiện của người có trí tuệ cao, chính nhân quân tử. Mũi đầy đặn cân đối, lại một chi tiết khác của một chính nhân quân tử được khai thác ở pho tượng thời kỳ này. Đặc biệt miệng hơi mỉm cười mà ở góc độ nhân tướng học, đó là nụ cười cảm thông và cứu độ. Râu được cắm bằng những sợi đồng, với ba chòm, có thể nghĩ bộ râu ấy có từ lúc khởi thủy như để biểu hiện về vẻ "thanh cao đạo cốt" mà đương thời muốn dành cho ngài. Thùy tai  tượng Đức vua dày và thấp hơn đường trục tính từ mũi ra, như muốn nói lên tư chất từ bi đức độ của con người, mà con người ấy đặt trọng tâm vào Đức vua An Dương Vương.

Hoa văn đám mây cuộn có đuôi mang phong cách thời Trần trên thân tượng là một sáng tạo đặc biệt của người Việt; các cụm mây gồm có 3 đến 5 cung tròn nối nhau, như thuộc về "vân", mỗi một cung tròn xoắn, như thuộc về sấm chớp, đuôi được chải như nói về mưa và bay chéo sang bên như gió. Một biểu tượng tuy đơn giản nhưng có ý nghĩa vô cùng sâu xa, được coi như biểu tượng cầu mưa của cư dân nông nghiệp, một biểu tượng hết sức đơn giản, mang mang ý nghĩa tổng hợp, mênh mông, được rút ra qua thực tế sản xuất và tư duy của nhiều người, đó là "Vân - Vũ - Lôi - Phong". Chỉ như thế thôi, chúng ta đã thấy rằng long bào gắn với tầng trời đầy sinh lực, được chia thành lớp trên, lớp dưới, để cuối cùng chảy tràn xuống phía dưới, là biển cả, thế giới bên dưới, nơi mà chúng sinh đang chìm nổi với những sóng bạc đầu cân xứng ở hai bên. Điều đó như muốn thể hiện triết lý âm - dương với quan niệm trong âm có dương, trong dương có âm. Nhiều vị túc Nho cho rằng, đó là một biểu tượng liên quan đến Dịch học. Đôi hài trang trí hình hoa cúc mãn khai nổi, giống như nhiều vị Kim Cương ở chùa Tây Phương, đi những đôi hia như vậy để tránh giẫm phải con sâu, cái kiến, biểu hiện tính hiếu sinh cao độ. Như vậy, ngoài nghệ thuật tạo tượng mang phong cách chân dung, tượng Đức vua An Dương Vương còn vương vấn những yếu tố của tinh thần Phật - Đạo, khiến cho tác phẩm vừa gần gũi, vừa tôn nghiêm, vừa linh thiêng trong mối giao hòa giữa đời và đạo. 

Sau lưng tượng, ở phía trên cao cũng là đôi rồng chầu vào 1 đám mây cuộn có đuôi mà ý nghĩa như phần trên đã trình bày. Dưới thắt lưng là các vân mây, hóa thân thành dạng chữ S cách điệu (một biểu tượng của sấm chớp gọi mưa, cho mùa màng tốt tươi). Suy cho cùng, long bào của Đức vua đầy yếu tố thiêng, như tượng trưng cho cả 3 tầng vũ trụ và người mặc đã trở thành Thánh nhân.

 

Tóm lại, nghệ thuật trên pho tượng Đức vua An Dương Vương tại đền Thượng xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội có niên đại cuối thời Nguyễn, nhưng gắn với nghệ thuật tạc tượng, nghệ thuật trang trí, nghệ thuật đúc tượng đã tạo nên một tác phẩm đầy sức sống tại chính ngôi đền thờ phụng Đức vua, tại chính ngôi thành - nơi cố đô của Nhà nước Âu Lạc. Pho tượng là biểu hiện sinh động giữa nghệ thuật tượng thờ danh nhân với tượng thờ Thánh, Thần, thông qua những ngôn ngữ ẩn chứa từ những họa tiết hoa văn trang trí, khiến cho tác phẩm vừa gần gũi, vừa tôn nghiêm, vừa linh thiêng, vừa huyền bí, đậm chất tôn vinh, được lồng ghép với tín ngưỡng và tôn giáo, mang sức sống và hơi thở của nghệ thuật truyền thống, được tiếp nối qua hàng nghìn năm lịch sử, do đó, được nhân dân cả nước tôn vinh như một niềm tự hào kiêu hãnh. Giá trị biểu tượng của tượng Đức vua, tại một ngôi đền linh thiêng như đền Thượng, trong Di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa, phải được tôn vinh hàng đầu, bên cạnh những giá trị nghệ thuật được gửi gắm từ tiền nhân qua pho tượng độc đáo này.

Mời các bạn đón xem kỳ 3: Bảo vật Quốc gia – Tượng vua An Dương Vương (Giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học của dân tộc).

Ths Hoàng Công Huy

Ths Nguyễn Thị Thủy