BẢO VẬT QUỐC GIA - TƯỢNG VUA AN DƯƠNG VƯƠNG (Kỳ 3: Giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học của dân tộc)
Ngày 04 tháng 10 Năm 2023

Nhân kỷ niệm ngày sinh đức vua An Dương Vương (ngày 11 tháng Tám âm lịch được ghi chép lại trong cuốn “Ngọc phả cổ lục”), xin gửi đến Qúy bạn đọc các bài viết về Tượng vua An Dương Vương được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2022. Kỳ 3: Giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học của dân tộc.

Giá trị lịch sử: Pho tượng Đức vua An Dương Vương là hiện thân của vị vua lập nước Âu Lạc, định đô ở Cổ Loa, lãnh đạo nhân dân đắp thành kiên cố, chống giặc và phát triển nền sản xuất. Đặc biệt có nhiều thành tựu trong nghệ thuật quân sự, kỹ thuật luyện kim, đúc đồng, chế tạo vũ khí, nông cụ sản xuất, canh tác nông nghiệp lúa nước, phản ánh những tiến bộ vượt bậc trên mọi phương diện của nền văn minh Việt cổ, xứng đáng được tôn vinh như một vị vua khai sáng sau Đức vua Hùng.

Giá trị văn hóa: Pho tượng Đức vua An Dương Vương gắn với đền Thượng - như truyền thuyết liên quan đến nơi ở của nhà vua và Hoàng tộc, đồng thời là trung tâm luyện kim, đúc đồng của kinh đô Âu Lạc  - nơi chế tạo ra những mũi tên đồng ba cạnh Cổ Loa - "nỏ thần liên châu chỉ núi - núi tan, chỉ ngàn - ngàn cháy" trong truyền thuyết, đã được truyền lại qua bao thế hệ người Việt. Tượng ngài gắn với lễ hội đền Cổ Loa, tôn vinh vị thần chủ - Đức vua An Dương Vương lớn nhất của vùng và trên cả nước. Từ đó, có thể thấy, pho tượng vua chính là biểu hiện cho truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", thờ những người có công với đất nước như là một hằng số của người Việt, được biểu hiện qua việc thờ cúng Quốc Tổ Lạc Long Quân, Quốc Mẫu Âu Cơ, vua Hùng và nhiều vị tổ khác. Theo đó, pho tượng mang giá trị biểu tượng trong tâm thức của người Việt, mà người dân Cổ Loa được vinh hạnh thay mặt cả nước đời đời thờ phụng và tổ chức lễ hội mùng 6 tháng Giêng  hàng năm. Đức vua An Dương Vương đã được người dân Cổ Loa thờ phụng từ nhiều đời nay, ngài trong tín ngưỡng của nhân dân Cổ Loa vừa là vua, vừa là Thánh, người phò giúp cho Thần và Phật, phù trợ cho muôn đời con cháu, cầu cho Quốc thái dân an, phù giúp vận nước kéo dài.

Giá trị tiêu biểu về khoa học phản ánh kỹ thuật và nghệ thuật đúc đồng truyền thống của người Việt: Hiện nay, không có tài liệu nào ghi rõ về quá trình, kỹ thuật chế tác cũng như hiệp thợ nào đúc pho tượng vua An Dương Vương, nhưng qua kinh nghiệm của một số nghệ nhân đúc đồng thì tượng được làm bằng phương pháp thủ công truyền thống của người Việt, với kỹ thuật đúc bằng khuôn sáp. Để tạo hình tượng, trước hết, phải làm cốt mẫu bằng đất sét thịt, sau đó người thợ đúc đồng dùng sáp ong đắp lên cốt ấy để tạo hoa văn. Bên ngoài lớp sáp ong, lại đắp thêm một lớp đất trộn với giấy dó, tạo khung xương cho tượng rồi đắp thêm một lớp đất trộn với trấu. Tiếp theo, sẽ mang đi nung để lớp sáp ong nóng chảy ra và người ta rót đồng nóng chảy đổ vào. Sau khi đồng đã nguội, các nghệ nhân sẽ dỡ khuôn, sửa nguội và tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh.

Tất cả quy trình đó đòi hỏi người nghệ nhân phải có nhiều kinh nghiệm, có cái nhìn tinh tế, mắt thẩm mỹ tốt, truyền tải linh hồn vào pho tượng để tạo ra một tác phẩm có giá trị, lưu truyền đến muôn đời con cháu. Dù quy trình đúc ra bức tượng vua An Dương Vương không có văn liệu nào ghi chép lại, tuy nhiên tất cả về sự tích ra đời của bức tượng đều chung từ một câu chuyện, đó là được đúc từ "kho đồng thiêng của nhà vua". Những yếu tố đó cho thấy sự linh thiêng, quý giá của pho tượng.

Điều khác lạ của pho tượng vua An Dương Vương đó là người xưa đã đúc ngài trong tư thế ngồi trên bệ, hình trụ, không phải trên long ngai như những pho tượng thờ khác, ví như Quốc mẫu Âu Cơ ở đền thờ Âu Cơ, thể hiện sự gần gũi với cộng đồng hoặc cũng có thể là nguyên liệu đúc không đáp ứng nổi, đó cũng là sự riêng biệt, tạo nên sự đặc biệt của pho tượng này.

Ths Hoàng Công Huy

Ths Đào Thị Mai Huyên