Đền Thượng (Đền thờ vua An Dương Vương)
 
 

Đền thờ vua An Dương Vương còn gọi là đền Thượng được xây dựng trên một quả đồi mà truyền thuyết nói là xưa có cung thất của vua. Di tích đền Thượng có diện tích rộng khoảng 19.138,6m2, được xây dựng theo hướng Nam, các công trình kiến trúc chính của ngôi đền nằm trên trục Dũng đạo (Thần đạo).

Hồ nước phía trước khu đền khá lớn, có hình cung tròn với bờ cong tự nhiên được kè bằng đá, có lối đi và trồng cây xung quanh giữa hồ có giếng Ngọc. Trước đây, hồ nước thông với hào của hai vòng thành ngoài và ra tận bến sông phía Đông - Nam thành Ngoại. Theo truyền thuyết thì đây chính là hồ nước mà Mỵ Châu - Trọng Thủy thường từ đây đi thuyền du ngoạn khi chưa xảy ra cuộc chiến tranh xâm lược của Triệu Đà. Sau chiến tranh, Trọng Thủy nhảy xuống đây tự vẫn vì ân hận đã gây ra cái chết của người vợ yêu quý.

Trong dân gian còn truyền tụng câu chuyện dòng máu của nàng Mỵ Châu khi bị Vua cha chém đầu, rơi xuống biển, loài trai ăn phải thì hóa thành ngọc trai, nếu đem về rửa ở giếng này thì ngọc càng thêm sáng và do đó giếng nước giữa hồ trước đền Thượng còn có tên là Giếng Ngọc.

Đền Thượng có hai nghi môn là Nghi môn ngoại và Nghi môn nội. Nghi môn ngoại được xây dựng bằng gạch không trát, hình thức như một cổng thành có hai tầng, tầng dưới là 3 cửa đi, được xây kiểu cuốn vòm, tầng trên thu gọn dưới dạng vọng lâu 2 tầng 8 mái. Lối lên cửa giữa có đôi rồng đá lớn ở hai bên thành bậc cửa được tạo tác năm 1732.

Đôi rồng đá (Niên đại 1732)

 

 

Nghi môn nội

 

Qua Nghi môn ngoại là sân rồng hạ lát gạch Bát Tràng, giữa sân có một con đường lát đá chạy thẳng đến cửa chính Nghi môn nội. Do có quan niệm cho rằng: đền được xây trên “đầu rồng”, vì thế người ta đã tạo nên ở hai bên Sân rồng hạ 2 giếng nhỏ được gọi là “mắt rồng” tương xứng nhau, bên cạnh có 2 gò đất cao là “hàm rồng”. Nghi môn nội được đặt cao hơn mặt sân, lối lên có 7 bậc thềm đá xanh. Hai bên bậc thềm là đôi rồng tạo bằng vữa hợp chất.

Qua Nghi môn nội là sân rồng thượng lát bằng gạch Bát Tràng. Chính giữa sân là con đường lát đá dẫn lên nhà Tiền tế còn được gọi là Đại bái hay Tiền bái. Tiền tế là một kiến trúc bề thế, mái lợp ngói mũi hài, có các góc đao cong vút và đắp tượng nghê chầu. Hai dãy nhà hành lang dài hai bên nối Tiền tế và Trung đường, giữa hai dãy hành lang là một tòa Phương đình. Hậu cung là một tòa nhà kiểu “chuôi vồ”, đấu mái liền với Trung đường. Trong Hậu cung có bức tượng vua An Dương Vương được đúc bằng đồng, nặng 200kg, có niên đại 1897.

Nhà bia nằm trong tổng thể kiến trúc ngôi đền, được xây dựng trên một khu đất cao phía Tây của sân thượng, hướng mặt quay vào đền. Đây là một công trình kiến trúc nhỏ có dạng Phương đình, hai tầng tám mái - một kiến trúc gỗ mái lợp ngói mũi hài khá hài hòa xinh xắn.

Căn cứ những mảng kiến trúc, hiện vật hiện còn, cho biết đền Thượng có thể được xây dựng khoảng thế kỷ 17-18.