Điếm xóm Chợ
 
Xóm Chợ nằm về phía đông nam thành Nội, gần chợ Xa, còn có tên là Ngõ Thị. Điếm xóm Chợ ở ngay khu vực đầu ngõ chính từ đường lớn rẽ vào xóm. Ngôi điếm được xây dựng trên một nền cao gần 1m so với mặt sân. Lối lên được xây theo kiểu “ngũ cấp” chạy suốt ba gian mặt trước. Trước sân là hồ nước hình chữ nhật. Sát đó, một cây đa cổ thụ tỏa bóng mát chùm lên sân điếm nhỏ.

Điếm xóm Chợ

Điếm có bố cục mặt bằng kiểu chữ “đinh”, nhưng phần “chuôi vồ” chỉ là một gian xây gạch kéo dài về phía sau để làm thành hậu cung. Thực ra gốc của kiến trúc có hình chữ “nhất”.

Tiền tế là một kiến trúc khung gỗ có 5 gian 2 chái, mái lợp ngói mũi hài, bốn góc có đao được xây đỡ bằng các trụ gạch. Trên bờ nóc đắp trang trí hoa chanh, chính giữa có “lưỡng long chầu nguyệt”. Ở hai đầu nóc là đôi rồng đuôi xoắn hướng đầu vào trong, bờ dải đắp nghê quay đầu xuống phía dưới và những cụm vân mây đao lửa dạng đầu rồng cuốn sát các góc đao cong.

Bộ khung gỗ của tiền tế gồm 6 bộ vì kèo, được làm theo kiểu “giá chiêng, kẻ chuyền”, riêng vì chái làm kiểu “con chồng”. Mái được phân theo kiểu “thượng tam, hạ tam”. Các cấu kiện như: kẻ, đầu dư, đấu có họa tiết trang trí hoa sen, lá đề, chữ thọ.

Mặt trước ba gian được làm cửa đi, các cánh làm kiểu bức bàn. Tường bao toàn bộ phần còn lại, liền với hậu cung, chừa hai cửa sổ tròn mặt trước.

Hậu cung tiếp với gian giữa sau tiền tế, chỉ có một gian, có xây một ban thờ. Trước hậu cung có bức cửa võng. Trên ban thờ có một số đồ thờ cúng thông thường: đỉnh hương, chân nến, chân đèn, hạc đồng, chiêng đồng, bộ bát bửu, cờ, lọng và một đôi ngựa trắng.

Điếm xóm Chợ thờ quan linh, thổ công, thổ địa và thủy thần. Hiện còn một giếng cổ miệng tròn xây bằng gạch bát ở phía đông mặt sân, cạnh đó có một miếu nhỏ thờ thủy thần.

Ngày nay, điếm vẫn là nơi hội họp của xóm, nơi tổ chức một số cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Khách thăm quan Khu di tích Cổ Loa cũng thường tới thăm viếng nơi đây, đông nhất là dịp lễ tết và hội mùng 6 tháng giêng hàng năm.