Di chỉ Đường Mây
 
 

Di chỉ Đường Mây thuộc Xóm Vang, xã Cổ Loa. Di chỉ nằm giữa Đầm Cả (phía tây) và sông Hoàng Giang (phía đông), cách di chỉ Đình Tràng 1,5km về phía đông nam, cách Bãi Mèn, Đồng Vông khoảng l km về phía bắc và cách Tiên Hội 2,5km về phía đông bắc. Bên kia Đầm Cả (phía bắc) là di chỉ Xuân Kiều, cũng như Đường Mây, bị vòng thành Ngoại đắp đè lên.

Vị trí di chỉ khảo cổ học Đường Mây

Di chỉ được phát hiện năm 1967, khi nhân dân xã Cổ Loa và Dục Tú đào mương đã cắt ngang đoạn thành Ngoại ở cuối Xóm Vang, làm xuất lộ một lớp đất chứa nhiều mảnh gốm nằm ở dưới lớp đất đắp thành. Sau đó khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khảo sát và kết luận là dưới chân thành Ngoại thuộc Trại Xóm Vang có di chỉ khảo cổ học - di chỉ Đường Mây.

Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã 4 lần khai quật di chỉ Đường Mây với tổng diện tích 364m2. Lần I (2 - 1969 ) với diện tích 45m2 (9m x 5m). Lần II (2-1970) với diện tích 96m2 (12m x 8m). Lần III (l-1971) với diện tích 203m2 , chia thành 2 hố: hốA: l04m2 (13m x 8m), hố B: 99m2 (11m x 9m). Lần IV(3-1983) với diện tích 20m2.

Trong đợt khai quật lần thứ nhất đã đào chữa cháy l ngôi mộ gạch đoạn thành Ngoại thuộc Trại Xóm Vang, cách đường từ Chợ Sa vào khu di tích Cổ Loa khoảng 26m và đào thám sát 2 hố bên cạnh mộ. Đây là ngôi mộ thuộc thế kỷ 2-3 sau Công nguyên. Địa tầng của hố thám sát như sau: dưới nền mộ 60cm là lớp rải gốm Cổ Loa, tiếp đến là đất đắp thành dày 2,30m, dưới cùng (chân thành) là tầng văn hóa của Đường Mây dày 40cm-50cm. Như vậy, di chỉ Đường Mây bị vòng thành Ngoại đắp đè lên, đến lượt nó, vòng thành Ngoại lại bị những ngôi mộ gạch chôn lên trên. Các hố thám sát và khai quật đều có địa tầng giống nhau gồm: 3 lớp như sau:

- Lớp trên cùng là đất trồng trọt màu nâu nhạt, bở vụn, dày trung bình 40cm, chứa nhiều gốm Cổ Loa. Đây chính là lớp đất đắp thành Ngoại còn lại sau khi đã san ủi để lấy đất canh tác.

- Lớp giữa là tầng văn hóa, đất màu xám đen, phân bố không đều, độ dày trung bình khoảng 30cm. Về cơ bản, tầng văn hóa không bị xáo trộn.

- Dưới cùng là lớp đất sét màu vàng đậm hay hơi nâu, đôi chỗ có hố đất đen ăn sâu xuống. Hiện vật trong hố đất đen không khác hiện vật trong tầng văn hóa.

Di tích trong tầng văn hóa gồm: di tích của vài cái bếp. Đó là những hòn đất nung chụm lại (ông đầu rau), xung quanh có nhiều than tro và mảnh gốm bị hun đen.

Di vật qua 4 1ần khai quật di chỉ Đường Mây gồm:

- Đồ đá : 29 hiện vật (rìu, bôn, bàn dập, bàn mài, mảnh vòng trang sức, phác vật đá…), chiếm 27,l%.

- Đồ đồng thau: 58 hiện vật (đục, dao, nhíp, lưỡi câu, giáo, lao, mũi tên, tấm che ngực, vòng trang sức, nhẫn), chiếm 54,2%.

- Đồ sắt có 1l hiện vật (cuốc, dao, mai, mũi tên, hiện vật không xác định), chiếm l0,28% (chưa kể 60 mảnh sắt gỉ và nhiều vụn sắt).

- Đồ gốm nguyên: 9 hiện vật, chiếm 8,41% và 5.064 mảnh vỡ các loại.

Ngoài ra trong hố khai quật lần thứ hai và thứ ba còn phát hiện được l mẩu chì và 8 đoạn dây chì, l răng thú và 26 mảnh xương răng động vật.

Với 364m2 khai quật, thám sát, cho thấy Đường Mây là di chỉ cư trú có 1 tầng văn hóa. Loại hình hiện vật đồ đá, đồ đồng, đồ sắt và gốm của di chỉ Đường Mây gần gũi với di chỉ Đường Cồ (Hà Tây), Chùa Thông (Thanh Trì)... thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn muộn, có niên đại khoảng 2.200-2.500 năm cách ngày nay.