Sáng ngày 14/12/2022, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa và Viện Bảo tồn di tích đã phối hợp với UBND huyện Đông Anh, UBND xã Cổ Loa tổ chức Hội nghị đồng thuận về phương án bài trí nội ngoại thất đền Ngô Quyền tại Khu di tích Cổ Loa.
Tham dự hội nghị có Ths.Kts. Đặng Khánh Ngọc - Quyền Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích; TS. Nguyễn Đạt Thức - Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Hoàng Công Huy - Lãnh đạo Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa, ông Đặng Giang Sơn - Trưởng phòng VH&TT huyện Đông Anh, Ông Chử Việt Anh - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án - Đầu tư xây dựng huyện Đông Anh, bà Nguyễn Thị Lương - Bí thư Đảng ủy xã Cổ Loa, ông Nguyễn Kim Nhật - Chủ tịch UBND xã Cổ Loa, các cụ cao niên cùng các ông bà đại diện ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng dân cư xã Cổ Loa.
Hội nghị đồng thuận về phương án bài trí nội, ngoại thất đền Ngô Quyền tại Khu di tích Cổ Loa
TS. Tạ Quốc Khánh - Trưởng phòng Nghiên cứu và bảo tồn di tích, Viện Bảo tồn di tích trình bày nội dung Phương án
Sử sách đã chép lại, sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, mùa xuân năm Kỷ Hợi (939) Ngô Quyền xưng vương, định đô ở Cổ Loa, chấm dứt ách đô hộ hơn nghìn năm của phương Bắc mở ra một kỷ nguyên độc lập, tự chủ, là dấu mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Tán thán công lao của Ngài, Sử gia Lê Văn Hưu nói rằng: “Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được”[1].
Tuy nhiên, với sự nghiệp và chiến công lẫy lừng như vậy nhưng không hiểu vì những lý do gì mà đền Ngô Quyền đã được dựng ở rất nhiều nơi trên quê hương ông, những nơi gắn với chiến trường Bạch Đằng xưa… mà vẫn thiếu vắng ngôi đền thờ ông trên vùng đất đế đô Cổ Loa xưa - di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Loa hiện nay.
Để góp phần đưa ý tưởng tưởng xây dựng ngôi đền thờ vinh danh Ngô Vương trên chính mảnh đất khi xưa ông đóng đô trở thành hiện thực, trên cơ tầng lịch sử và văn hóa, truyền thống thờ tự, tham khảo một số ngôi đền thờ đế vương có giá trị lịch sử, kiến trúc - nghệ thuật mang tính chất tương đồng, thừa hưởng những sáng tạo vô giá tích tụ trong những ngôi đền tiêu biểu mà người xưa đã lập để thờ ngài, Phương án bài trí nội,ngoại thất đền Ngô Quyền tại Khu di tích Cổ Loa được đưa ra đảm bảo yếu tố truyền thống, tính thiêng, tính khoa học, thẩm mỹ và tôn vinh được vị anh hùng dân tộc - "Vị Tổ trung hưng" đất nước - Đức vua Ngô Quyền.
Theo phương án, không gian thờ tự từ trong ra ngoài sẽ bao gồm các công trình:
- Kiến trúc ngôi đền chính mặt bằng nền chữ "Công", mặt bằng mái chữ "Tam" theo lối “trùng thiềm điệp ốc”, bao gồm: Hậu cung - Phương đình 2 tầng 8 mái - Tiền bái. Hai bên có hành lang nối từ Tiền bái đến Hậu cung.
- Khu vực sân chầu: Xung quanh sân gồm Tả vu, Hữu vu, bình phong, nghê chầu, sập thờ đá.
- Nghi môn nội (ngăn cách giữa sân chầu với vườn ngoài)
- Vườn ngoài: Bố trí trồng cây thiêng, 2 giếng âm- dương.
- Nghi môn ngoại.
* Phương án bài trí ngôi đền chính:
- Tại Hậu cung:
+ Sát tường hậu gian giữa để đường thông thủy - tiếp đến là bàn thờ chính/hương án 2 cấp (cấp trên đặt tượng, ngai vua, bài vị hoàng hậu; cấp dưới đặt các đồ thờ liên quan) - trước bàn thờ chính là sập thờ 2 cấp.
+ Hai gian bên là bàn thờ/hương án Thánh phụ, Thánh mẫu (đặt bài vị Thánh phụ bên tả, Thánh mẫu bên hữu) và đồ thờ liên quan. Phía trước hương án là bàn dâng lễ.
- Tại Phương đình (tòa thông thiên địa): Chỉ có 01 chiếu đá giữa 4 trụ chính, trên đó đặt một lư hương lớn bằng đá.
- Tại Tiền bái: Gian giữa đặt ban thờ công đồng; 02 gian bên tiếp theo đặt tượng Ngựa (Ngựa đỏ bên tả và Ngựa trắng bên hữu); 02 gian ngoài đặt ban thờ/hương án Tiền quân, Hậu quân (Tiền quân bên tả, Hậu quân bên hữu).
* Đồ thờ cụ thể:
Đây là đền thờ vua, sự nghiệp nặng về nghiệp võ nên phải có chấp kích.
- Bàn thờ chính: Hộp mũ, hộp đai, biển độc trúc và các đồ thờ như lệ (bát hương, chân nến, tam sơn, đài nước…).
Phía trước, hai bên bàn thờ chính: Lọng, đôi rùa đội hạc, chấp kích.
- Bàn thờ công đồng: Phía trên có các đồ thờ như lệ, hai bên có bát bửu, rùa đội hạc, tàn, tán, quán tẩy.
- Các ban thờ/hương án khác: Phía trên đều có đồ thờ như lệ, hai bên có bát bửu.
- Giá chiêng và chiêng (bên tả), giá trống và trống (bên hữu).
- Hệ thống hoành phi, câu đối, cửa võng, bàn sắp lễ… Trong đó, trục trung tâm phải có đầy đủ hoành phi - câu đối - cửa võng, các không gian đặt hương án có hoành phi - câu đối - y môn.
Theo những yêu cầu trên, nội dung bài trí bài trí nội của đền, cơ bản tập trung tại hậu cung, thiên tỉnh/phương đình và tiền bái. Trên cơ sở truyền thống thờ tự, tham khảo một số ngôi đền thờ đế vương có giá trị lịch sử, kiến trúc - nghệ thuật mang tính chất tương đồng và một số ngôi đền tiêu biểu mà người xưa đã lập để thờ Ngô Quyền.
Sau khi nghe Viện Bảo tồn di tích báo cáo nội dung phương án bài trí nội ngoại thất đền Ngô Quyền tại Khu di tích tại Cổ Loa, các đại biểu tham dự đã thống nhất cao nội dung phương án. Đồng thời có nhiều ý kiến quan trọng để bộ phận soạn thảo nghiên cứu, hoàn thiện phương án bài trí phục vụ công tác xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại Khu di tích Cổ Loa.
Ông Đặng Giang Sơn - Trưởng phòng Văn hóa và thông tin huyện Đông Anh đóng góp tại hội nghị
TS. Nguyễn Đạt Thức - Cục Di sản văn hóa - Bộ VHTT&DL phát biểu ý kiến
Đại diện các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng dân cư xã Cổ Loa phát biểu ý kiến
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA
[1] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên..., Đại Việt sử ký toàn thư, (Bản in Nội các quan bản năm Chính Hòa thứ 18 - 1897), Nhà xuất bản Khoa học xã hội, H. 1985-1992, bản điện tử, tr. 54