KHÁNG CHIẾN CHỐNG QUÂN TẦN
Ngày 23 tháng 12 Năm 2024

Đế chế Tần thành lập năm 221 TCN là kết quả tất nhiên của một tiến trình lịch sử lâu dài và phức tạp, đánh dấu một bước phát triển mới của lịch sử Trung Quốc với sự xác lập chế độ quân chủ tập quyền mạnh và đế chế.

Theo Sử ký, cuộc chiến tranh xâm lược và tình trạng khốn quẫn của quân Tần ở đất Việt kéo dài "hơn 10 năm". Theo biên niên sử Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng chết năm 210 TCN, Tần Nhị Thế nối ngôi được ít lâu, phải ra lệnh bãi binh ở đất Việt vào năm 208 TCN. Vậy cuộc chiến tranh xâm lược của quân Tần có thể bắt đầu từ năm 218 TCN (năm thứ 29 của Tần Thủy Hoàng tính từ khi Tần Doanh Chính lên ngôi vua từ năm 246 TCN). Sử ký lại chép: "[Nhà Tần] đặt ba quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng, phát những người bị đày đến cho ở lẫn lộn với người Việt trong 13 năm". Nhà Tần mất vào năm 206 TCN. Năm xuất quân 218 TCN cũng phù hợp với thời gian 13 năm trên (218-206 TCN). Cũng theo Sử ký, nhà Tần đặt 3 quận vào năm 214 TCN.

Từ những cứ liệu trên, có thể tạm xác dịnh: nhà Tần phát binh bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Bách Việt vào năm 218 TCN.

Theo Hoài Nam Tử, 50 vạn quân Tần chia làm 5 đạo quân:

- Đạo thứ nhất đóng ở đèo Đàm Thành.

- Đạo thứ hai đóng ở ải Cửu Nghi.

- Đạo thứ ba đóng ở Phiên Ngung.

- Đạo thứ tư giữ miền Nam Dã.

- Đạo thứ năm đóng ở sông Dư Can.

Đạo quân thứ năm đóng ở Dư Can (Phúc Kiến) và đạo quân thứ tư đóng ở Nam Dã (Giang Tây) là lực lượng tiến đánh Đông Việt (nam Chiết Giang) và Mân Việt (Phúc Kiến). Sau khi chiếm được đất này, nhà Tần lập thành quận Mân Trung.

Đạo quân thứ ba đóng ở Phiên Ngung (Quảng Châu) thuộc địa bàn của nhóm Nam Việt (Quảng Đông). Đạo quân này đi theo con đường từ Trường Sa vượt qua Ngũ Lĩnh xuống Quảng Đông. Đạo quân thứ tư, thứ năm có thể cũng tiến xuống Phiên Ngung, hội quân với đạo quân thứ ba. Quân Tần chiếm đất Nam Việt, lập ra quận Nam Hải.

Đạo quân thứ hai đóng ở ải Cửu Nghi về phía đông bắc Quảng Tây giáp Hồ Nam.

Đạo quân thứ nhất đóng ở đèo Đàm Thanh là một đèo ở đất Thủy An trên núi Việt Thành thuộc Ngũ Lĩnh, trên đường từ Hồ Nam xuống đông bắc Quảng Tây.

Hai đạo quân thứ nhất và thứ hai tiến vào đất Quảng Tây là địa bàn của nhóm Tây Âu (hay Âu Việt). Thuyền tải lương của quân Tần tất ngược dòng sông Tương bắt nguồn từ Ngũ Lĩnh chảy vào hồ Động Đình. Nhưng đến đầu nguồn sông Tương thì không có đường thủy để chuyển sang sông Ly tức sông Quế, vào nội địa Quảng Tây. Vì vậy, Đồ Thư sai Giám Lộc "lấy binh sĩ đào cừ cho thông đường lương" (Hoài Nam Tử). Đó là Lĩnh Cừ hay kênh Hưng An nối liền sông Tương với sông Ly, hiện nay vẫn còn. Lộc vốn là người gốc Việt giữ chức ngự sử giám của nhà Tần. Lộc am hiểu địa hình vùng Lĩnh Nam, lại giỏi về sông nước nên Đồ Thư giao cho phụ trách công việc vận chuyển lương thực và khai Linh Cừ để mở thông đường thủy từ sông Tương vào sông Ly.

Trong 3 năm (218-215 TCN) kể từ khi xuất quân, quân Tần vừa phải đào kênh, vừa phải đối phó với cuộc chiến đấu của người Việt, nên "ba năm không cởi giáp dãn nỏ" (Hoài Nam Tử). Sau đó, nhờ Linh Cừ, quân Tần theo sông Ly (sông Quế) tiến vào lưu vực Tây Giang là địa bàn người Tây Âu. Quân Tần đã giết chết một tù trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống, nhưng gặp sức kháng cự quyết liệt của người Việt.

Năm 214 TCN, nhà Tần chiếm được đất Lục Lương, lập ba quận: Nam Hải, Quế Lâm và Tượng. Nam Hải là vùng Quảng Đông (do đạo quân thứ ba đánh chiếm). Quế Lâm là vùng bắc và đông Quảng Tây. Còn quận Tượng ở đâu?  Đây là vấn đề liên quan đến cuộc tiến quân xâm lược của quân Tần và cuộc kháng chiến của người Tây Âu-Lạc Việt, của nhân dân Văn Lang-Âu Lạc.

Đại Việt sử lược không chép cuộc xâm lược của quân Tần, mà chỉ chép việc Triệu Đà đánh chiếm nước Âu Lạc của An Dương Vương.

Từ Đại Việt sử ký toàn thư về sau, sử sách của ta dựa vào thư tịch cổ của Trung Quốc, chép thêm cuộc xâm lược của quân Tần và coi quận Tượng "là An Nam", là "đất Giao Chỉ" sau nhà Tần tách ra làm ba quận "Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam". Như vậy, quân Tần đã chiếm được nước Âu Lạc và tiến vào đến quận Nhật Nam đời Hán (khoảng từ Hoành Sơn đến Đại Lãnh). Từ đó, hình thành một thuyết cổ truyền được trình bày phổ biến trong sử sách của ta và của Trung Quốc coi quận Tượng đời Tần bao gồm cả nước Văn Lang đời Hùng Vương và nước Âu Lạc đời An Dương Vương, kéo dài đến Nhật Nam. Và điều đó cũng có nghĩa là cuộc kháng chiến chống Tần của người Tây Âu-Lạc Việt đã bị thất bại.

Từ cuối thế kỷ XIX, thuyết cổ truyền đó đã bị hoài nghi và phê phán.

Vũ Phạm Khải là một sử thần cuối đời Tự Đức (1848-1883), trong thư gửi Tô Trân và Phạm Hữu Nghi ở Quốc sử quán, đã dùng lý lẽ suy đoán để bác bỏ quan niệm cho rằng quận Tượng là đất nước ta.

H.Maspéro và Tá Bá Nghĩa Minh (Guimei Saeki, người Nhật) đã đi sâu vào các cứ liệu trong thư tịch cổ, phân tích và chứng minh một cách vững vàng rằng, quận Tượng là miền tây Quảng Tây và một phần nam Quí Châu. Như vậy ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng mà quân Tần chiếm được đều nằm trong phạm vi Quảng Đông, Quảng Tây và một phần Quí Châu ở phía nam Trung Quốc, chứ không bao gồm đất Việt Nam. Nhưng thế thì quân Tần chưa tiến vào lãnh thổ Văn Lang-Âu Lạc và không có cuộc kháng chiến chống Tần của người Lạc Việt.

Từ việc xác định vị trí quận Tượng đã hình thành hai kiến giải khác nhau về cuộc kháng chiến chống Tần của người Tây Âu-Lạc Việt.

Kiến giải thứ nhất cho rằng quân Tần đã tiến vào đất Nhật Nam (trung Trung Bộ) và như thế có nghĩa là cuộc kháng chiến chống Tần của người Tây Âu-Lạc Việt, của nhân dân Văn Lang-Âu Lạc đã thất bại. Kiến giải này gắn liền với giả thuyết cổ truyền coi quận Tượng là Nhật Nam hay bao gồm cả Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Người ra sức bảo vệ thuyết này là L.Aurousseau.

Kiến giải thứ hai cho rằng quân Tần chỉ tiến vào địa bàn người Tây Âu và bị chặn đánh ở đấy, không tiến vào lãnh thổ Văn Lang-Âu Lạc và do đó, không có cuộc kháng chiến của người Lạc Việt. Kiến giải này gắn liền với thuyết mới coi quận Tượng cùng với quận Nam Hải, Quế Lâm chỉ nằm trong phạm vi Quảng Đông, Quảng Tây và một phần Quí Châu.

Trước hết, quận Tượng không thể là quận Nhật Nam, lại càng không thể bao trùm cả ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam đời Hán.

Tư liệu xưa nhất chép quận Tượng đời Tần là quận Nhật Nam đời Hán, là một câu cước chú trong Tiền Hán thư khi viết về quận Nhật Nam đời Hán: "Quận Nhật Nam-quận Tượng đời Tần ngày trước...". Các tác phẩm sử học và địa lý học đời sau của Trung Quốc và của ta đều theo đó, chú giải hoặc biên chép vị trí quận Tượng là tương ứng với quận Nhật Nam, hay để cho hợp lý hơn, gồm cả Giao Chỉ và Cửu Chân.

Nhưng chính Tiền Hán thư, phần Bản kỷ về Hán Chiêu Đế (87-74 TCN) lại chép rõ ràng: "Năm thứ 5 hiệu Nguyên Phượng (76 TCN), bãi bỏ quận Tượng, chia đất vào hai quận Uất Lâm và Tường Kha". Quận Uất Lâm là vùng Quảng Tây. Quận Tường Kha ở phía tây quận Uất Lâm và gồm một phần Quí Châu. Vậy vị trí của quận Tượng là miền tây Quảng Tây và một phần nam Quí Châu. Trị sở của quận Tượng, theo Mậu Lăng thư do Tiền Hán thư dẫn ở lời chú, là Lâm Trần ở phía tây Nam Ninh, thuộc huyện Tân Dương, tỉnh Quảng Tây.

Theo kết quả khảo chứng của H.Maspéro, trong những thư tịch xưa nhất của Trung Quốc chép về quận Tượng, chỉ có 5 đoạn nói về vị trí của quận ấy thì 4 đoạn - gồm 1 đoạn trong Mậu Lăng thư, 2 đoạn trong Sơn hải kinh và 1 đoạn trong Tiền Hán thư - đều xác nhận quận Tượng ở miền Nam Trung Quốc, chỉ có lời cước chú của Tiền Hán thư đặt quận Tượng ở quận Nhật Nam đời Hán. Sự nhầm lẫn quận Tượng với quận Nhật Nam có thể do quận Tượng là một quận phía nam của đế chế Tần, mà quận Nhật Nam cũng là một quận phía nam của đế chế Hán và trong 5 huyện của quận Nhật Nam lại có huyện Tượng Lâm ở phía cực nam.

Hơn nữa, sau khi nhà Tần thiết lập ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng, cũng như sau khi Triệu Đà chiếm cứ ba quận ấy để cát cứ, nước Âu Lạc vẫn tồn tại với tư cách là một nước độc lập. Vì vậy, theo Sử ký, sau khi Cao Hậu chết (năm 180 TCN), Triệu Đà mới chiếm được nước Âu Lạc. Quận Tượng không thể bao gồm quận Giao Chỉ, Cửu Chân là lãnh thổ nước Âu Lạc, cũng không thể là quận Nhật Nam ở phía nam nước Âu Lạc được.

Năm 214 TCN, khi lập quận Quế Lâm và quận Tượng thì quân Tần đã tiến vào lưu vực Tây Giang và về cơ bản đã chiếm được vùng này. Trên đà thắng lợi, lại có đường thủy vận lương thuận lợi, dĩ nhiên quân Tần không dừng lại ở đó. Từ Tây Giang, quân Tần có thể theo Tả Giang và sông Kỳ Cùng tiến vào vùng phía bắc và đông bắc nước ta. Người Tây Âu và Lạc Việt đã đứng dậy chiến đấu chống quân xâm lược Tần. Sử sách không ghi chép về cuộc kháng chiến này, nhưng truyền thuyết Lý Ông Trọng phần nào phản ánh có cuộc đụng độ giữa nhà Tần và An Dương Vương.

Lĩnh Nam chích quái chép truyện Lý Ông Trọng như sau: "Cuối đời Hùng Vương, có người ở xã Thuỵ Hương, huyện Từ Liêm, đất Giao Chỉ, họ Lý tên Thân. Sinh ra rất to lớn, mình cao đến 2 trượng 3 thước, tính tình kiêu  hãnh, hay giết người, tội đáng chết, nhưng Hùng Vương không nỡ giết. Đến đời An Dương Vương, Tần Thủy Hoàng muốn đem binh sang đánh nước ta. An Dương Vương bèn đem Lý Thân cống nhà Tần".

Thục Phán vốn là một thủ lĩnh của người Tây Âu trên địa bàn phía bắc nước Văn Lang lúc bấy giờ gồm cả một phần nam Quảng Tây, mà trung tâm là Cao Bằng. Sau khi một tù trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống hi sinh, Thục Phán cùng nhiều thủ lĩnh người Tây Âu và Lạc Việt khác đã tiếp tục tổ chức cuộc chiến đấu chống quân Tần.

Trước thế mạnh ban đầu của quân Tần, "người Việt đều vào rừng, ở với cầm thú, không ai chịu để cho quân Tần bắt" (Hoài Nam Tử), "người Việt bỏ trốn" (Sử ký). Đó không phải là một cuộc chạy trốn vì khiếp sợ, thất bại, mà trái lại, là một cách đánh giặc. Người Việt rút vào rừng là để tránh thế mạnh lúc đầu của quân Tần, là không muốn đánh lớn, không tổ chức quyết chiến khi chưa có lợi. Trong lúc đó thì "họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để ban đêm ra đánh quân Tần" (Hoài Nam Tử). Rõ ràng, đây là một cuộc chiến đấu kiên cường, thông minh và có tổ chức. Người Việt đã biết dựa vào cơ cấu xã hội các chạ - chiềng, các bộ lạc sẵn có của mình, biết tận dụng địa hình núi rừng để kiên trì một cuộc chiến đấu lâu dài, đánh nhỏ, đánh lén, đánh ban đêm nhằm tiêu hao quân giặc, triệt nguồn cướp bóc lương thực của giặc. Có thể nói đó là một hình thức phôi phai của lối đánh du kích.

Cuộc kháng chiến mưu trí, bền bỉ của người Việt đã làm cho quân Tần "lương thực bị tuyệt và thiếu", "đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được, thoái cũng không xong" (Sử ký). Quân giặc càng ngày càng bị dồn vào tình trạng căng thẳng, nguy khốn đến như tuyệt vọng: "Đàn ông mặc áo giáp, đàn bà phải chuyên chở, khổ không sống nổi. Người ta tự thắt cổ trên cây dọc đường. Người chết trông nhau" (Sử ký).

Lúc đó, người Việt mới tập hợp lực lượng, tổ chức đánh lớn nhằm tiêu diệt sinh lực giặc, đập tan cuộc xâm lược của quân Tần. Kết quả là người Việt đã "đại phá quân Tần và giết được Đồ Thư. [Quân Tần] thây phơi máu chảy hàng mấy chục vạn người" (Hoài Nam Tử). Năm 208 TCN, nhà Tần phải bãi binh.

Cuộc chiến tranh xâm lược Bách Việt của nhà Tần kéo dài 10 năm (218-208 TCN). Nhiều nhóm người Việt đã tham gia cuộc kháng chiến chống Tần, góp phần tiêu diệt quân Tần. Cuộc kháng chiến chống Tần của nhân dân ta, của người Tây Âu và Lạc Việt trên địa bàn nước Văn Lang - Âu lạc lúc bấy giờ, kéo dài khoảng 5, 6 năm, tính từ khoảng năm 214 TCN đến năm 208 TCN.

Cuộc kháng chiến chống Tần là cuộc đụng đầu lịch sử đầu tiên giữa dân tộc ta với một đế chế Đại Hán ở Trung Quốc. Đó là cuộc kháng chiến của một nước nhỏ chống lại nạn xâm lược lớn của một đế chế lớn mạnh và tàn bạo ở phương Đông.

Trước thử thách ác liệt đó, nhân dân ta đã biểu thị quyết tâm chiến đấu bảo vệ cuộc sống độc lập tự do và lối sống riêng của mình, đã dám chống lại và chống lại thắng lợi thế lực xâm lăng của một đế chế lớn.

Cuộc kháng chiến chống Tần của nhân dân ta đã giành được thắng lợi vẻ vang. Quân Tần đã bị tiêu diệt nặng nề, bị "đại bại" bị đánh bật ra khỏi nước ta và phải co lại giữ ba quận đã lập được ở phía bắc nước ta. Tham gia cuộc chiến đấu chống quân Tần có nhiều nhóm người Việt, nhưng chỉ có cuộc kháng chiến giữ nước của nhân dân ta giành được thắng lợi trọn vẹn. Đó là thắng lợi oanh liệt của cuộc đấu tranh lâu dài của dân tộc ta chống lại hoạ xâm lược của đế chế Đại Hán phương Bắc.

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA