Chợ Sa trước thuộc thôn Chợ, nhưng nay đã tách ra lập thành một đơn vị hành chính độc lập trực thuộc xã Cổ Loa. Tuy là một đơn vị hành chính mới được hình thành song cái tên chợ Sa đã có từ lâu đời và vốn rất quen thuộc với cư dân nơi đây.
Tên chợ Sa được dân gian giải thích vì đây là nơi đặt sa bàn kinh thành của vua An Dương Vương. Chợ Sa nằm trên bãi Sa của sông Thiếp (Hoàng Giang) bên tả ngạn, phía nam, bên ngoài thành ngoại Cổ Loa. Chợ họp ngay trên khu đất cao mỗi tháng 6 phiên vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21 và 26 âm lịch. Đây tương truyền là điểm buôn bán của đô thị Cổ Loa ngày trước.
Câu ca dao về các phiên chợ liền kề trong vùng:
“Chợ Dâu là câu chợ Tó
Chợ Tó bó chợ Dọc
Chợ Dọc cọc chợ Sa
Chợ Sa là xà chợ Cói
Chợ Cói là bói chợ Dâu”.
Như vậy, có thể nói rằng vùng đất Cổ Loa xưa từ khi được chọn làm quốc đô, đến nay đã trở thành tụ điểm dân cư tập trung đông đúc. Các hoạt động kinh tế được đẩy mạnh hơn, một số nghề thủ công, đặc biệt là nghề đúc đồng vươn lên đỉnh cao của nghề đúc thời cổ. Cổ Loa xưa nổi bật lên là đô thị quan trọng thời cổ đại tuy yếu tố “thị” chưa rõ ràng song được thể hiện ở một hệ thống chợ tiêu biểu là Chợ Sa. Dần dần yếu tố thị ngày càng phát triển hình thành nên cả một khu phố chợ Sa như ngày nay.
BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA