LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG LÀNG CẦU CẢ (XÃ CỔ LOA, HUYỆN ĐÔNG ANH, HÀ NỘI)
Ngày 19 tháng 02 Năm 2025

Hội làng Cầu Cả Đông Anh là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc Bộ, được tổ chức tại thôn Cầu Cả, huyện Đông Anh, Hà Nội. Lễ hội diễn ra vào ngày 11 tháng Giêng hàng năm và là dịp để cộng đồng dân làng thể hiện lòng thành kính đối với vua An Dương Vương - vị vua lập nước Âu Lạc thế kỷ III - TCN, đồng thời cũng là cơ hội để gắn kết tình đoàn kết, cộng đồng trong làng.

Cầu Cả là 1 trong 15 thôn, xóm của xã Cổ Loa. Toàn bộ thôn nằm bên ngoài ba vòng thành Cổ Loa về phía tây - tây bắc, có địa giới như sau:

Phía đông giáp cánh đồng phía ngoài thành Ngoại;

Phía tây giáp sông Hoàng Giang;

Phía nam giáp thôn Mạch Tràng;

Phía bắc giáp thôn Sằn Giã và xưởng phim Cổ Loa.

Trước đây Cầu Cả còn có tên là Cầu Kỳ. Tương truyền khi xưa nơi đây là một trong tám trấn bảo vệ thành Cổ Loa từ phía ngoài do tướng quân Lý Tâm Viễn trấn giữ. Theo dân gian giải thích, sở dĩ có tên là Cầu Cả vì thôn nằm ngay cạnh sông Hoàng Giang xưa, nơi đây có cầu bắc qua sông (cầu Tháng Năm – Ngũ Nguyệt Kiều). Tại Cầu Cả có một số địa danh cổ như: Cổng Xứ, Cửa Làng, Ao Dơ (còn gọi là Bãi Đài), Đầu Chùa, Đội Lộc, Đồng Chài, ao Lò Vôi Quan, Tờ Chỉ, Ngũ Nguyệt kiều, Vườn Áng, Vườn Lạc.

Ban thờ vua và các bá quan văn võ tại đình Cầu Cả

Đối với người dân vùng Cổ Loa, từ xưa đã có câu: “Chết thì bỏ con bỏ cháu, sống không bỏ mồng 6 tháng Giêng”. Theo tục lệ, ngày mồng 6 tháng Giêng nhằm tưởng nhớ Đức vua An Dương Vương lên ngôi, Bát xã tổ chức tế, lễ tại đền Thượng. Đoàn rước và nhân dân thôn Cầu Cả cùng với Mạch Tràng, Văn Thượng tập trung tại nghè Ba Chạ (địa danh này ngày nay đã không còn), sau đó mới rước vào đền Cổ Loa. Trong lễ hội Cổ Loa, làng Cầu Cả được “Phủng chúc” (tức bưng chúc). Kết thúc hội Cổ Loa, các làng khác thuộc Bát xã, sau ngày 6 tháng Giêng, theo trình tự thời gian đã định, tiếp tục mở hội tại đình làng mình đến tận 16 tháng Giêng. Lễ hội thôn Cầu Cả được tổ chức tại đình làng vào ngày 11 tháng Giêng hàng năm.

 

Các cụ cao niên thực hành nghi thức tế lễ

Trong hội làng, các hoạt động chính thường bao gồm nghi lễ dâng hương, cầu may mắn cho năm mới, các trò chơi dân gian như kéo co, bóng chuyền hơi, chọi gà, hát quan họ và sinh hoạt văn nghệ quần chúng. Ngoài ra, hội còn là dịp để mọi người cùng thưởng thức các món ăn truyền thống của quê hương như bún xào cần, bỏng Chủ, bánh đa kê...

Hát quan họ giao duyên trong ngày hội làng

Hội làng Cầu Cả không chỉ là sự kiện văn hóa, mà còn là một phần quan trọng trong việc duy trì và phát huy những giá trị văn hóa lâu đời của cộng đồng nơi đây.

BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH CỔ LOA